Đặc sắc các di tích lịch sử - văn hoá ở Nghĩa Đồng

07:09, 07/09/2018

Trên địa bàn xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) hiện còn lưu giữ được nhiều công trình văn hoá tâm linh. Đây là những di tích lịch sử - văn hóa gắn với những nhân vật lịch sử, danh nhân văn hoá có công với nước, với dân; trong đó có 3 di tích được Nhà nước xếp hạng là: Chùa Lộng Điền, Đền Nhân Hậu và Đền - Chùa Trang Túc.

Đền - Chùa Trang Túc là di tích lịch sử - văn hóa được UBND tỉnh xếp hạng năm 2009. Căn cứ nội dung các đạo sắc phong và bài vị thì Đền Trang Túc thờ vị Thần làng, duệ hiệu Đại La tôn thần. Truyền thuyết dân gian và gia phả các dòng họ: Vũ, Trần, Khương, Nguyễn, Phạm… tại thôn Trang Túc có lưu: Vào thời Tiền Lê (980-1009), trong quá trình khai hoang, lập nghiệp, nhân dân địa phương đã lập miếu thờ thần làng ở bờ sông Đào, giáp ngã ba Độc Bộ, sau miếu được nâng cấp thành đền thờ. Đến đầu thế kỷ XX, đền được tôn tạo, mở rộng, có quy mô lớn với những vật liệu xây dựng truyền thống như: gạch thất, vôi vữa, gỗ lim, ngói nam. Bộ khung và những vật liệu cũ được chuyển sang xây dựng chùa. Thời gian gần đây, Đền - Chùa Trang Túc được chính quyền và nhân dân địa phương trùng tu, xây dựng lại vào các năm 2004-2006, 2008-2009 nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ. Đền Trang Túc toạ lạc trên khu đất rộng 4.463m2, kết cấu hình chữ “đinh”, gồm các hạng mục: nghi môn, tiền đường, trung đường và cung cấm. Điểm nổi bật của di tích là các hoạ tiết trang trí các mảng đề tài: nghê chầu, tứ linh, chữ Hán ở nghi môn; hoa lá, long vân, long hoá, chữ Thọ ở tiền đường; sen quy, hổ phù ở trung đường và cung cấm. Chùa Trang Túc (tên chữ Kim Lăng tự) được xây dựng bên trái đền gồm 2 toà: bái đường 5 gian và tam bảo 4 gian. Toàn bộ công trình là một tổng thể kiến trúc liền kề được xây dựng bằng bê tông, cốt thép, gạch, mái lợp ngói nam. Tại toà tam bảo có bài trí 6 lớp tượng Phật với 20 pho tượng lớn nhỏ. Tất cả các pho tượng đều được làm bằng chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Phía sau chùa chính là dãy nhà tổ, nhà Mẫu 3 gian, 2 chái, dài 13,3m, rộng 5,8m có kiến trúc đơn giản kiểu tường hồi bít đốc. Ngoài giá trị về nghệ thuật kiến trúc, Đền - Chùa Trang Túc hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị, tiêu biểu là: ngai, bài vị, tượng Tam thế, kiệu bát cống, nhang án được chạm khắc tinh xảo, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và các đạo sắc phong niên hiệu Tự Đức 33, Duy Tân 3, Khải Định 9…

Chùa Lộng Điền, thôn Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng.
Chùa Lộng Điền, thôn Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng.

Đền Nhân Hậu, thôn Cốc Thành thờ Đô uý Trần Tuấn Dũng. Căn cứ bản Thần phả được viết năm Hồng Phúc cùng các tư liệu thành văn hiện còn lưu giữ tại đền thì Vũ Tuấn Dũng (tên huý là Vũ Triệt Vũ) người xã Đào Lạng, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng xưa. Ông đỗ Nghị giáp Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487), từng là một vị tướng tài ba dưới triều Vua Lê Hiển Tông. Đền Nhân Hậu tuy trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn bảo toàn được nguyên vẹn các hạng mục công trình kiến trúc cổ. Mặt đền quay hướng tây nam, bình đồ hình chữ “đinh” gồm: cổng, sân, tiền đường, hậu cung.

Trong kháng chiến chống Pháp, tại sân đền ngày đêm rầm rập tiếng chân của dân quân du kích luyện tập võ, bắn súng để tham gia chiến đấu và là địa điểm mở nhiều lớp tập huấn về lý tưởng cách mạng cho các cán bộ cấp huyện và các xã phía nam của tỉnh. Ngay trong những năm kháng chiến, lễ hội tại Đền Nhân Hậu vẫn được người dân địa phương tổ chức. Lễ hội chính tại đền bắt đầu vào ngày 20 tháng 8 âm lịch. Vào những năm được mùa, lễ hội thường kéo dài từ 5-7 ngày với nhiều hoạt động văn hoá truyền thống như: vật cù, thổi cơm thi, đấu vật, hát chèo, múa sư tử, múa rồng… Là một trong những lò vật nổi tiếng của huyện, ngày nay, lễ hội không chỉ có sự tham gia của nhiều đô vật ở địa phương mà còn thu hút được nhiều đô vật ở các nơi khác đến tham dự. Ngoài lễ hội được tổ chức vào tháng 8, cứ vào dịp đầu xuân hằng năm, tại đền còn tổ chức cỗ lão để tế Thánh và mừng thọ các cụ cao niên trong làng.

Toạ lạc tại thôn Lộng Điền, Chùa Lộng Điền (tên chữ An Lăng tự) được xây dựng theo kiểu “tiền Thần, hậu Phật”. Ngoài thờ Phật truyền thống, chùa còn thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không - Thành hoàng làng truyền nghề làm thuốc cho nhân dân và danh nhân văn hoá Vũ Huy Trác. Vũ Huy Trác (1730-1793) đỗ Tam giáp đồng xuất thân khoa thi Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 33 (1772) dưới triều Vua Lê Hiển Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện thị giảng, Lễ bộ tả thị lan kiêm Quốc tử giám tư nghiệp. Vũ Huy Trác là người nổi tiếng về văn chương, giỏi về thơ phú và được nhân dân suy tôn là “Thần phú”. Chùa Lộng Điền được xây dựng trên khu đất rộng gần 1 mẫu Bắc Bộ, xung quanh nhiều hàng cây lưu niên, cánh đồng tạo không gian thoáng đãng. Trải qua thời gian, di tích vẫn còn bảo lưu được nguyên vẹn kiến trúc gốc và nhiều đồ thờ tự cổ. Trong đó, cỗ ngai bày tại chính cung là cổ vật có giá trị. Tay ngai được chạm trổ hình đầu rồng; trụ tay ngai chạm nổi vân mây, hoa lá. Lưng ngai có bố cục nhiều mảng, đục chạm nhiều phong cách khác nhau như: chạm nổi, chạm lộng, chạm nhấn. Cỗ kiệu của Chùa Lộng Điền là sản phẩm nghệ thuật của thế kỷ XVIII có chiều dài 3,3m, được gia công khá kỹ với các đề tài: rồng chầu, rồng cuốn thuỷ, rồng bay hoà quyện với các đường chỉ nổi vân áng. Tất cả các đề tài chạm khắc rồng ở cỗ ngai và cỗ kiệu tại di tích đều mang phong cách nghệ thuật rồng thời Lê có hình ảnh mập mạp, nhiều đao mác… Lễ hội Chùa Lộng Điền được chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức long trọng vào ngày 15 tháng Chạp hằng năm. Trong ngày hội, ngoài các nghi lễ linh thiêng như: rước kiệu, tế cáo còn diễn ra các trò vui dân gian như: chọi gà, đấu vật, tổ tôm điếm, cờ tướng, bắt vịt, leo cầu ngô… Cùng với các trò chơi dân gian diễn ra vào ban ngày, các hoạt động văn nghệ như: hát chèo, ngâm thơ diễn ra vào buổi tối đã làm cho đêm hội càng thêm náo nhiệt, cuốn hút.

Các di tích ở xã Nghĩa Đồng không chỉ có giá trị về lịch sử - văn hóa mà còn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc cổ độc đáo, thể hiện năng lực sáng tạo của các thế hệ cha ông qua các giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước. Các hoạt động văn hóa tâm linh đã góp phần giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người có công với làng, với nước, với dân; đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa độc đáo của quê hương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com