Vĩnh Hào - Vùng đất đậm đặc giá trị văn hóa truyền thống

05:06, 22/06/2018

Xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của làng quê như địa danh làng cổ, các công trình kiến trúc văn hóa tâm linh, lễ hội dân gian, mỹ tục trong sinh hoạt, nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật như múa tứ linh, lân sư…

Qua các phát hiện khảo cổ và các thần tích, ngọc phả, sắc phong, văn bia, đại tự, câu đối ở các đình, đền, xã Vĩnh Hào được hình thành từ thời Vua Hùng dựng nước. Xã hiện có năm làng gắn liền với địa danh cổ thời Vua Hùng như: Kẻ Đại (Đại Lại), Kẻ Si (Vĩnh Lại), Kẻ Tiên (Tiên Hào), Kẻ Sặt (Cựu Hào) và Ấp Sến (Hồ Sen). Theo sách khảo cứu về tên các xã tổng ở các trấn viết vào thời Gia Long đầu thế kỷ XIX (1802-1819) cả năm làng Đại Lại, Tiên Hào, Cựu Hào, Vĩnh Lại, Hồ Sen đều thuộc tổng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản, trấn Nam Định. Làng Kẻ Si (Vĩnh Lại) đã được ghi trong ngọc phả của họ Phạm, có từ trước đời nhà Đinh. Dựa theo bài thơ Đường “Vịnh cố hương” của Tiến sĩ Phạm Đình Kính (1669-1737) làng do 5 họ là Đoàn, Phạm, Vũ, Nguyễn, Trần khai canh lập ấp. Để tỏ lòng biết ơn với tiền nhân, sau này dân làng khi tế lễ ở đình đều khấn là “Ngũ gia tiên tổ”. Theo ngọc phả ở đền làng Hồ Sen viết năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) thì tướng quân Cao Mang đến ấp này từ đời Lý, lúc đó làng có tên là Hồ Liễn. Theo “Các trấn tổng xã danh bị lãm” “Nam Định dư địa chí” của Nguyễn Ôn Ngọc, làng được đổi tên là Hồ Liên (Hồ Sen). Hiện nay tiếp giáp với làng Vĩnh Lại còn có con đường Sến và cánh đồng Sến. Làng Kẻ Đại (Đại Lại) có nghĩa là gò lớn, xưa là một cồn cát cao và rộng như một cồn núi. Trong thư tịch, tên Đại Lại sớm nhất được biết đến từ năm 1616 (năm Lê Hoàng Định thứ 16) trong văn bia Chùa Ngộ Tiên. Làng Kẻ Tiên (Tiên Hào) có câu đối ở đền làng nhắc nhở nguồn gốc con Rồng cháu Tiên đời Hồng Bàng: “Tiên Rồng nòi giống trời sinh Thánh/ Côi Hổ linh thiêng núi giáng Thần”. Là địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cuộc sống khó khăn nên từ xưa người dân nơi đây coi học tập là một trong những con đường thoát khỏi đói nghèo, vươn tới vinh hoa. Vì thế, Vĩnh Hào được coi là một vùng đất học với nhiều tấm gương đỗ đạt cao; tiêu biểu như: Phạm Đình Kính, làng Vĩnh Lại đỗ tiến sĩ năm 1710; Nguyễn Văn Tính, làng Cựu Hào đỗ Tiến sĩ năm 1901… Ngày nay trong phong trào khuyến học, khuyến tài, nhiều dòng họ đã lập chi hội khuyến học, quỹ do các gia đình đóng góp. Vào ngày giỗ tổ, các dòng họ biểu dương phát thưởng cho các cháu đạt danh hiệu học giỏi các cấp, trúng tuyển các trường cao đẳng, đại học nhằm động viên con cháu phấn đấu vươn lên học giỏi, phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha.

Múa rồng tại lễ hội làng Vĩnh Lại.
Múa rồng tại lễ hội làng Vĩnh Lại.

 Trên địa bàn xã Vĩnh Hào hiện có 19 công trình kiến trúc, tâm linh, gồm các đình, đền, chùa, lăng, miếu, từ đường, nhà thờ đạo. Đền Vĩnh Lại là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia thờ hai ông Bạch Đẳng và Cao Lôi có công giúp Bà Trưng đánh giặc Hán xâm lược và thờ các vị tổ lập làng, có công lao với quê hương. Trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, khu di tích vẫn giữ được kiến trúc truyền thống. Đền có tiền đình được xây dựng theo lối cổ. Cột đồng trụ có đủ đế thân lồng đèn, bảo cái và nghê chầu nhấn tỉa họa tiết và gờ chỉ rất công phu. Kiến trúc ở khu vực chùa trong khuôn viên di tích cũng đảm bảo tính hài hoà về mỹ thuật của một công trình kiến trúc cổ. Làng Hồ Sen hiện còn lưu giữ nét đẹp không gian văn hoá của làng quê với cảnh: cây đa, giếng nước, đình làng. Đầu làng phía đông có ngôi phủ thờ nhị vị Thánh Bà, gọi là Vua Ả, Vua Dì. Ở Cồn Mưỡu phía nam làng có miếu thờ Đặng Đình Hầu là phò mã của nhà Mạc. Đền và chùa làng Hồ Sen đã được cấp bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2000. Tại làng Cựu Hào có ngôi đình và đền cổ kính, hằng năm làng vào đám có tổ chức hát chèo, thi võ vật và các trò chơi dân gian như: cờ người, leo cầu kiều, tổ tôm... Để bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, xã Vĩnh Hào đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nhân dân, nhất là những người con xa quê đóng góp công, của để trùng tu, tôn tạo. Nhiều người con xa quê như: gia đình bà Phạm Hồng Quang, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng phủ Mẫu trong quần thể di tích đình - chùa làng Vĩnh Lại; gia đình các ông: Vũ Bá Khai, Vũ Bá Chỉnh, Vũ Bá Quỳ, Vũ Huy Liệu, Phạm Đình Khôi đã đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng các công trình văn hóa địa phương.

Cùng với các công trình kiến trúc tâm linh, nhiều tín ngưỡng dân gian, mỹ tục đẹp còn lưu giữ ở xã Vĩnh Hào. Ở các làng trong xã, người dân đều duy trì tục thờ cúng tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc công sinh thành, dưỡng dục, công lao của các bậc tiền bối đã mang một số nghề thủ công về cho làng xã. Các dòng họ đều tổ chức “việc họ” vào tháng Giêng, từ mồng 10 đến ngày rằm. Đây là dịp con cháu xa gần tập trung đông đủ về nhà thờ họ hoặc nhà thờ tộc trưởng để tiến hành các công việc đi tảo mộ, về nhà thờ làm lễ tổ. Trong lễ tổ, sau bài văn tế do tộc trưởng hoặc bậc cao niên trong họ kính thỉnh dâng lên các bậc tiên tổ, lần lượt các thế hệ con cháu vào dâng hương. Trong những ngày này, các dòng họ còn thường làm một số việc như: Ôn lại công đức tổ tiên và những người đã gìn giữ gia phong, phát huy truyền thống tốt đẹp của dòng họ; lễ vào họ cho những cháu mới sinh trong năm; lễ mừng thọ cho các cụ lên lão tuổi tròn 60, 70, 80...; những gia đình có con cái trưởng thành, trai lấy vợ, gái gả chồng ở nơi xa có cơi trầu cho dâu, rể về nhận họ. Nét đặc biệt ở các làng Tiên Hào, Vĩnh Lại, Đại Lại là các dòng họ có nhiều gia đình theo đạo Thiên chúa nhưng vẫn giữ được quan hệ mật thiết với cội nguồn bên lương, họp mặt đông đủ với họ hàng trong ngày giỗ tổ. Bên cạnh nghi lễ thờ cúng ở các dòng họ, nhiều năm qua, các lễ hội truyền thống ở Vĩnh Hào được tổ chức đảm bảo trang trọng phần lễ, bảo tồn nét đẹp dân gian trong phần hội. Ở di tích đền chùa Vĩnh Lại, lễ hội truyền thống của làng được tổ chức từ ngày mồng 9 đến ngày 11 tháng 2 âm lịch. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, nhân dân địa phương được tham gia các nghi thức tế lễ thánh, Thần thành hoàng làng cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Bên cạnh phần nghi lễ, còn diễn ra các trò chơi dân gian và thi đấu thể thao, giao lưu văn nghệ quần chúng… Làng Si vào ngày lễ Thượng điền và Hạ điền ngoài tế thần nông thì phường bè còn lập bàn thờ ông tổ nghề cót trên hòm đồ trong đình làng. Ở xã Vĩnh Hào, do tác động của điều kiện địa lý nghề chính là nông nghiệp, thời gian nông nhàn nên người dân mỗi làng đều tìm một nghề phụ để làm như nghề đan cót ở làng Vĩnh Lại, nghề đan gối, ghế mây ở làng Tiên Hào... Hiện nay, tại làng Vĩnh Lại còn nhiều gia đình làm nghề cót truyền thống như cụ Trần Đức Cống (84 tuổi), cụ Vũ Thị Viên (87 tuổi)…

Những di tích lịch sử - văn hoá, những tín ngưỡng dân gian, làng nghề truyền thống cùng với không gian văn hoá “cây đa, giếng nước, sân đình” đã tạo nên vẻ cổ kính của vùng đất cổ Vĩnh Hào. Xã Vĩnh Hào đang khởi sắc trong thời kỳ mới nhưng không mất đi những giá trị cốt lõi văn hóa thuần Việt. Đó là sức mạnh nội lực để người dân nơi đây tạo ra bước phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trong thời kỳ mở cửa, hội nhập./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com