Các di tích thờ công chúa nhà Trần

07:06, 15/06/2018

Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích thờ các vị công chúa nhà Trần với giá trị nghệ thuật - kiến trúc, lịch sử - văn hóa gắn với các lễ hội đặc sắc, trong đó tiêu biểu như: Đền Lựu Phố thờ Bạch Hoa công chúa; Đình - Miễu Cao Đài thờ công chúa Phụng Dương; Đền Miễn Hoàn thờ công chúa Thái Đường; Chùa Hổ Sơn thờ công chúa Huyền Trân và Thụy Bảo công chúa; Đền Khả Chính thờ Thiên Thụy công chúa…

Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) nơi thờ Bạch Hoa công chúa.
Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) nơi thờ Bạch Hoa công chúa.

Phụng Dương công chúa (1244-1291) là con Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ và Tuệ Chân phu nhân. Từ nhỏ, Phụng Dương đã nổi tiếng thông minh. Bà được Vua Trần Thái Tông đem về cung nhận làm con nuôi đặt tên hiệu là Phụng Dương. Khi trưởng thành bà được gả cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải với nghi lễ dành cho con gái vua. Trần Quang Khải có nhiều thê thiếp, nhưng danh nghĩa chỉ có Phụng Dương là chánh phi. Phụng Dương đối xử bao dung với các thiếp của chồng, quán xuyến công việc, là hậu phương vững chắc để chồng vững tâm phục vụ triều đình. Cuối đời, Trần Quang Khải về nghỉ ở trang viên riêng tại Phủ Thiên Trường, bà về theo rồi mất ở đây năm 47 tuổi. Nhân cách của bà được chính Thái sư Trần Quang Khải đánh giá: “Làm điều thiện, nói điều nhân, sống nết na, chết lưu danh, vượng phu ích tử”. Hiện nay, Thái sư Trần Quang Khải và công chúa Phụng Dương được thờ tại Đình và Miễu Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc). Kiến trúc Đình Cao Đài được xây dựng theo kiểu chữ “Nhất” hậu chữ “Đinh”. Phía trước tòa tiền đường là hệ thống cột đồng trụ mang dáng vẻ uy nghi có gắn nghê chầu. Tòa tiền đường 5 gian bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam, bộ vì kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy. Trên các con rường chạm lá lật, bẩy chạm tứ linh, tứ quý. Kiến trúc và chạm khắc của tòa tiền đường mang phong cách thời Nguyễn vì đã được trùng tu năm Mậu Thân đời Vua Duy Tân năm thứ 2 (1908). Nối liền tiền đường là trung đường và hậu cung xây kiểu chữ “Đinh”, mái cong lợp ngói mũi hài. Đình Cao Đài hiện còn lưu giữ được một số di vật quý, trong đó phải kể đến tấm bia đá cao 1,20m; rộng 0,7m; dầy 16cm soạn khắc năm 1293 được dựng trên lưng rùa đá, mặt trước đục kín chữ, xung quanh trang trí các họa tiết: cúc dây, sen dẹo. Nội dung bia cung cấp nhiều tư liệu về công chúa Phụng Dương, thái ấp của Thái sư Trần Quang Khải và việc rút lui chiến lược của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285).

Theo Ngọc phả hệ bảo tích, Thái Đường là trưởng công chúa của Vua Trần Thái Tông. Lớn lên, Vua Thái Tông gả trưởng công chúa cho hầu tước Vũ Tỉnh ở Lục Ngạn, xứ Kinh Bắc (nay thuộc Bắc Giang). Công chúa sinh một con trai là Vũ Thành. Chồng qua đời, trưởng công chúa Thái Đường một mình nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài, tập ấm cha cai quản miền Lục Ngạn. Vũ Thành sau này lập nhiều chiến công trong bảo vệ an ninh vùng biên giới Đông Bắc và được phong là Trung dũng hầu Thượng tướng quân và hy sinh năm 1288 trong trận chiến đấu ngăn chặn giặc Nguyên xâm lược nước ta lần thứ ba tại Lục Ngạn. Khi chồng và con không còn nữa, trưởng công chúa Thái Đường về trông coi thái ấp cho anh là Thái sư Trần Quang Khải. Thiên hạ thái bình, bà đã về thôn Bắc Hà, xã Đô Liệu khai hoang (nay là thôn Thi Liệu, xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản). Công việc đang tiến triển tốt đẹp, không may công chúa phạm phép nước, triều đình tịch thu điền trang của bà, sung vào ruộng quốc khố. Bà bỏ đi tu ở Chùa Nghĩa Xá (Xuân Trường). Một thời gian sau, vua thương tình, miễn tội và hoàn trả điền trang cho bà. Luyến tiếc cảnh thiền, công chúa Thái Đường không trở lại điền trang; ruộng đất ở trại bà dành làm ruộng công cho dân, chia nhau cày cấy. Nhớ công ơn bà, dân trại đặt tên là trại Miễn Hoàn (nay là thôn Miễn Hoàn, xã Đại Thắng). Khi bà mất dân làng đã lập đền thờ Miễn Hoàn. Đền có kiến trúc chữ “Đinh”, tiền đường 3 gian, khung lim vì chồng rường; hậu cung 3 gian ngoài khung lim, vì chồng rường 2 gian trong, khung bê tông mái chảy ngói nam. Hiện nay, đền còn tượng của bà và 4 nữ tì hầu bà, có sắc phong từ đời Lê Cảnh Hưng thứ 44 (1783); 1 bia đá niên hiệu Bảo Đại 13 (1938) ghi việc thờ phụng công chúa trưởng Thái Đường. 

Công chúa Huyền Trân (1287-1340), là con gái của Vua Trần Nhân Tông, em gái của Trần Anh Tông. Năm 1306, công chúa Huyền Trân được gả cho Vua Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy châu Ô, châu Lý (từ đèo Hải Vân đến Quảng Trị ngày nay). Chính nhờ cuộc hôn nhân này mà mối quan hệ giao bang Đại Việt - Chăm-pa trở nên thân thiết và lãnh thổ của Đại Việt được mở rộng về phía Nam. Năm 1307, Chế Mân qua đời, Huyền Trân được cứu đưa về Thăng Long. Năm 1308, theo di mệnh của Thượng hoàng Nhân Tông, bà xuất gia đi tu. Năm 1311, bà đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản) lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Chùa Hổ Sơn ngoài thờ Phật còn thờ hai vị công chúa Huyền Trân và Thuỵ Bảo. Chùa có lối kiến trúc kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” gồm 3 gian: bái đường, trung đường và tam bảo. Tòa bái đường xây dựng năm 1995, có 3 gian, rộng gần 50m2, mái quấn vòm, lợp ngói nam, hiên bái đường có bích trương “lưỡng long chầu nguyệt”, nóc có bức đại tự “Quảng Nghiêm tự”. Tòa trung đường gồm 3 gian, khung làm bằng gỗ lim, cột vuông. Các bộ vì nóc đều được làm theo kiểu “giá chiêng, chồng rường con nhị”, vì nách kiểu “bức mê”. Hai gian bên là 2 sàn thờ bằng gỗ, có khung ăn mộng vào hai cột cái và 2 cột quân ở phía sau. Trên sàn bên trái có khán thờ cổ bằng gỗ, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn có viết tự “Bồng lai cung khuyết” (có nghĩa “Lầu gác ở cõi tiên”), bên trên đặt tượng nhị vị công chúa. Tòa tam bảo có 2 gian chạy dọc, giao mái với trung đường, bộ vì bằng gỗ gồm 10 cây hoành hình chữ nhật. Trải qua những thăng trầm lịch sử, chùa vẫn giữ được 27 tượng thờ và 27 đồ thờ cổ, trong đó nhiều cổ thư, cổ vật quý như tượng hai công chúa, 4 sắc phong của các triều đại phong kiến, một số bát hương sứ, sành mang phong cách nghệ thuật thời Lê… 

Cùng với giá trị kiến trúc - nghệ thuật, lịch sử - văn hóa, ở các di tích thờ các vị công chúa thời Trần còn diễn ra lễ hội truyền thống với các nghi thức tâm linh tưởng nhớ nhân vật được phụng thờ. Lễ hội Chùa Hổ Sơn hằng năm được tổ chức từ mùng 9-4 đến 14-4 âm lịch. Theo các cụ cao niên trong làng, ngày 9-4 là ngày mất của công chúa Huyền Trân, ngày mùng 5 tháng Giêng là ngày mất của Thụy Bảo công chúa, việc cúng giỗ do làng Tiền, xã Tam Thanh đứng ra tổ chức. Vào những ngày này, hai làng Hổ Sơn và làng Tiền rước kiệu giao hiếu với nhau. Vào sáng 9-4 âm lịch hằng năm, dân làng Hổ Sơn tổ chức rước kiệu lên chùa, rước chân nhang hai công chúa về đình làng làm lễ, chiều 14-4 âm lịch lại rước về chùa. Trong những ngày diễn ra lễ hội, dân làng thường tổ chức thi làm cỗ chay, làm bánh dày dâng thánh.    

Ở Đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), ngày 7-7 âm lịch, lễ hội đền thu hút đông đảo khách thập phương về dự. Điều đặc biệt trong lễ hội là tục dâng lễ bằng cơm gạo đỏ (hoặc xôi gấc) với muối vừng - một tập tục riêng có ở lễ hội. Theo thư tịch cổ, Bạch Hoa công chúa là con Vua Trần Thuận Tông và thứ phi Diệp Diệu Hiền. Khi còn nhỏ, Bạch Hoa công chúa đã ham đọc sách, các sách kim cổ đều làu thông. Tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly ép vua phải nhường ngôi cho con là Trần Án mới 3 tuổi. Bạch Hoa là chị của Thái tử Án lúc đó 17 tuổi phản đối. Sau đó công chúa Bạch Hoa được Hồ Nguyên Trừng cho người đem thuyền chở đi lánh nạn. Công chúa được đưa tới Chùa Diên Bình (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Tương truyền công chúa ở đó thích ăn cơm gạo đỏ, uống nước hạt bạch cúc, đêm ngày tụng kinh niệm Phật cầu cho mọi người chung sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Bà thường sang bên hữu sông lên núi hái lá về làm thuốc chữa bệnh cứu người. Bà mất năm Giáp Tuất (1454) niên hiệu Diên Ninh đời Vua Lê. Từ đó, ghi nhớ lối sống thanh đạm của bà, trong các vật phẩm dâng lễ Bạch Hoa công chúa nhân dân luôn thổi cơm gạo đỏ và muối vừng. 

Các vị công chúa thời Trần đều là những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam đầy lòng hiếu nghĩa, trọn vẹn chữ trung yêu nước thương dân, đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước vẻ vang của lịch sử dân tộc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com