Nam Vân - Vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống

08:05, 04/05/2018

Xã Nam Vân (TP Nam Định) là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống gắn với hệ thống di tích đình, đền, chùa, từ đường cổ kính. Tiêu biểu như: Đình Đông, Đình Hồ Sen, Phủ Địch Lễ, Đền Đồng Vân, Đền Thượng Hữu, Chùa Vân Sơn, Chùa Liên Hoa, Chùa Bồ Đề…

Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh Từ đường họ Lại, xã Nam Vân.  Bài và ảnh: Khánh Dũng
Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh Từ đường họ Lại, xã Nam Vân. 

Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích ở Nam Vân còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm. Đền Thượng Hữu là di tích lịch sử - văn hoá được UBND tỉnh xếp hạng năm 2003. Đền thờ Cao Mang Đại Vương - vị tướng thời Hùng Duệ Vương (đời Vua Hùng thứ 18) là người có công cùng Tản Viên Sơn Thánh chỉ huy quân thuỷ dẹp giặc cứu nước. Ở quê hương, tướng Cao Mang là người có công giúp dân làng Tam Liêu (nay là thôn Thượng Hữu) khai khẩn bãi biển cổ, lập thành làng xã. Trải qua các thời đại phong kiến, tướng Cao Mang đều được phong sắc. Hiện nay, tại đền còn lưu giữ được 4 đạo sắc phong từ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) đến Khải Định thứ 9 (1924). Đền Thượng Hữu là công trình mang đậm dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Hậu Lê, được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, trên khu đất rộng gần 1.000m2 gồm: 3 gian tiền đường, 1 gian trung đường và 2 gian cung cấm. Toàn bộ phía trong ngôi đền xây cuốn vòm, gắn ngói nam, trần đắp mây tản, tạo không gian thoáng đãng. Đền hiện còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự cổ có giá trị như: cỗ ngai, bài vị, nhang án, đại tự… Trải qua thời gian, Đền Thượng Hữu được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân địa phương. Hằng năm, từ ngày mồng 1 đến 3-3 âm lịch, dân làng Thượng Hữu lại mở hội. Để chuẩn bị cho ngày đại lễ, 6 xóm trong làng chia làm 6 giáp, mỗi giáp nuôi một con lợn để thi lễ vật tế Thánh. Lễ vật của giáp nào được chọn sẽ được dâng tại cung cấm. Ngày mồng 2-3 âm lịch, các dòng họ trong làng cùng nhau sắm lễ vật là những sản phẩm nông nghiệp được người dân thu hoạch bao gồm: hoa quả, xôi, gà, bánh chưng, bánh dầy, chè kho… Trong ngày hội, các thôn lân cận như: Đồng Vân, Địch Lễ, Giang Tả cũng cử người đưa lễ vật đến dâng Thành hoàng làng. Ngày mồng 3-3 âm lịch, tại sân đền diễn ra lễ tạ và các trò chơi dân gian như: bện dây neo, leo cầu phao, cờ người, chọi gà, múa rồng, múa lân, kéo co, nhổ cây nêu, thi hát chèo, ca trù… Trong đó, trò bện dây neo là trò chơi nhằm tưởng nhớ đến công việc bện dây neo thuyền của người dân địa phương giúp các binh sĩ của tướng Cao Mang đi chiến đấu bảo vệ vùng biển. Cách Đền Thượng Hữu khoảng 300m về phía đông là di tích lịch sử - văn hoá Từ đường họ Lại, được UBND tỉnh xếp hạng năm 2016. Di tích là nơi thờ Thái sư Lại Thế Vinh (hiệu Phúc Yên, thuỵ Văn Hiến) - danh nhân thế kỷ XVI là người khởi xướng phong trào “phù Lê diệt Mạc”, khôi phục triều Lê Trung Hưng (1533-1789). Từ đường họ Lại trước kia là một am nhỏ, có từ thời Hậu Lê. Đến thời Nguyễn, năm Khải Định thứ 9 (1924), con cháu trong dòng họ đã góp công, góp sức xây dựng lại ngôi từ đường và tồn tại đến bây giờ. Di tích gồm các hạng mục: nghi môn, sân, công trình từ đường chính. Tất cả trải dài theo trục bắc nam tạo thành một tổng thể khép kín, hài hoà với cảnh quan vườn hoa, tường bao, cây cối xung quanh. Hằng năm, từ đường diễn ra 2 kỳ lễ chính vào dịp đầu xuân (mồng 2 và 3-3 âm lịch) và ngày giỗ Thuỷ tổ Thái sư Lại Thế Vinh (mồng 10-10 âm lịch). Lễ tế xuân vào dịp đầu năm mới mang ước vọng cầu tiên tổ ban phước lành, con cháu làm ăn phát đạt, đắc lộc tài cao. Lễ giỗ tổ tháng 10 có các nghi thức dâng hương, dâng lễ vật, rước kiệu. Trong ngày này, các con cháu trong dòng họ tập trung tại từ đường, báo cáo thành tích học tập, công tác và cùng nhau ôn lại lịch sử dòng họ cũng như thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Thuỷ tổ. Là vùng đất sinh ra nhiều vị tướng tài ba, những danh nhân văn hoá, xã Nam Vân cũng là quê hương của nhiều nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản kiên trung. Trong đó tiêu biểu là nhà cách mạng Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ -  nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương). Ông là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động cách mạng qua các thời kỳ, với nhiều cương vị công tác, đồng chí Lê Đức Thọ luôn là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, thể hiện tài năng, trí tuệ về nhiều mặt, trong đó nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, quân sự và ngoại giao. Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử  - văn hoá năm 2017 gồm nhiều hạng mục công trình: Nhà tưởng niệm, Nhà thờ, Từ đường chi họ Phan, Nhà bia, Nhà khách… Khu lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về dâng hương và là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn.

Cùng với quá trình hình thành và phát triển làng xã, các di tích ở Nam Vân là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử cách mạng, kháng chiến, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong những năm cuối thế kỷ XIX, tại Đền Thượng Hữu, Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi đã chiêu mộ được hơn 2.000 quân và lấy địa điểm sân đền làm nơi tập luyện nghĩa quân. Đây cũng là nơi ẩn náu của các văn thân đi đầu trong kháng chiến chống thực dân Pháp như: Tiến sĩ Vũ Văn Lý, Tiến sĩ Phạm Văn Nghị… Cũng tại đền, năm 1935, đồng chí Lại Xuân Thát, nguyên Trưởng Ty Công an Nam Định được giao nhiệm vụ lựa chọn những người tin cậy ở thôn Thượng Hữu để kết nạp vào Hội tương tế, Hội hiếu hỉ. Các hội có nhiệm vụ tạo mối đoàn kết, thân ái cộng đồng và là nòng cốt trong các phong trào kháng chiến. Ngày 1-6-1946, Đền Thượng Hữu là địa điểm nhân dân địa phương tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại Từ đường họ Lại, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các gia đình trong dòng họ đã phát động các phong trào: “Hũ gạo tiết kiệm cứu đói”, “Tuần lễ đồng”, “Tuần lễ vàng”… 

Thực hiện Luật Di sản văn hoá, UBND xã Nam Vân đã thành lập Ban quản lý các di tích, ban hành các quy định về phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích; tổ chức phiên âm, dịch nghĩa các văn tự Hán Nôm, đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu biết về các di tích. Từ nguồn kinh phí của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, cả 3 di tích được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Thời gian tới xã Nam Vân tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân đối với lễ hội. Qua đó, khuyến khích phát triển các hoạt động văn hóa - thể thao dân gian lành mạnh nhằm khai thác, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com