Cảm xúc tháng Tư

08:04, 27/04/2018

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”. Mỗi lúc tháng Tư về, khi cả dân tộc hân hoan chào mừng Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giai điệu của bài hát “Mùa xuân đầu tiên” - khúc khải hoàn ca mừng chiến thắng của nhạc sĩ Văn Cao lại ngân lên trong lòng tôi bao xúc cảm. Thấy tự hào và trân trọng biết mấy một thế hệ sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu những năm chống Mỹ, trong đó có bố tôi.

Năm 1971, khi đang là sinh viên năm thứ 2 khoa Văn, Đại học Tổng hợp, cùng với hàng vạn sinh viên các Trường Đại học của Thủ đô Hà Nội, bố tôi theo tiếng gọi của Tổ quốc, tình nguyện lên đường vào Nam đánh Mỹ. Trong “Cái buổi vui sao cả nước lên đường”, với khí thế sôi sục của phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” và lý tưởng của lớp thanh niên thời đó “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, những sinh viên độ tuổi 18, 20 đã xuất quân trong niềm bịn rịn tiễn đưa của thầy cô, bạn bè ở lại. Giữa sân trường đại học, những tân binh sinh viên mảnh mai, thư sinh trông hiền khô trong bộ trang phục mới màu xanh lá, ba lô rập rờn lá ngụy trang. Ngắm màu cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trong gió, cùng nhau cất lên bài hát Quốc ca, nghe máu chảy giần giật trong huyết quản, mỗi người càng thấm thía những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Tạm gác lại những ước mơ, dự định còn dang dở, bố tôi và những chàng sinh viên khuôn mặt còn măng tơ đã ra đi vì một khát vọng chung: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hành trang họ mang theo trong ba lô là cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”, là cuốn sổ để viết nhật ký, là chiếc khăn mùi xoa thêu đôi chim câu và cả bức thư còn chưa ráo mực của người bạn gái ngập ngừng đưa qua ô cửa sổ toa tàu. Dọc đường hành quân, giữa những khoảnh khắc im tiếng súng hiếm hoi của cuộc chiến, trên cánh võng đung đưa ở một cánh rừng già, bố tôi đã ghi lại bằng thơ sự kiên cường, anh dũng của bạn bè và nỗi đau tột cùng khi chứng kiến đồng đội hy sinh. Những bài thơ “Ghi sau trận đánh” (Đầu Mầu tháng 3-1971), “Liên tưởng” (Quảng Trị tháng 1-1972), “Lạy mẹ, đừng buồn!” (Tháng 12-1973)… sau này đã giúp chúng tôi hiểu hơn về thế hệ sinh viên tài hoa, quả cảm thuở đó. Những vần thơ thật nhẹ nhàng mà ám ảnh: “Ngày đi đông đủ bạn bè/ Chiến tranh qua, một ngày về, mình con/ Cúi đầu lạy mẹ đừng buồn! Mẹ mừng con mẹ vẫn còn một chân! Mẹ cười, lệ ướt chéo khăn/ Một đời mẹ khóc một lần này thôi!”. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt đã khiến nhiều người trong số họ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, mãi mãi tuổi hai mươi. Bố tôi bị thương trong một trận đánh, cây đổ vào đầu trào máu tai, máu mũi. May mắn trở về sau cuộc chiến, trong ba lô của bố chỉ vỏn vẹn một cuốn nhật ký và một con búp bê xinh xắn làm quà cho đứa con gái nhỏ. Vết thương cũ vẫn nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời. Bà nội tôi lên thăm con ở trại an dưỡng trên Bình Lục, trào nước mắt khi nhìn con và bạn bè bỏ nạng gỗ, chập chững tập đi như ngày còn thơ bé…

Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, chỉ biết đến chiến tranh qua lịch sử, văn thơ, tranh ảnh, những thước phim tư liệu và những câu chuyện của bố mỗi khi rơm rớm nước mắt kể về đồng đội cũ. Nhưng tất cả những ký ức đau thương song rất đỗi hào hùng đó về một thế hệ người lính Cụ Hồ, luôn khiến chúng tôi xúc động và trân quý. Bởi đúng như ai đó từng nói, những người lính sinh viên ra đi từ giảng đường đại học trong cuộc chiến tranh năm ấy đã để lại một phần tuổi trẻ ở chiến trường, chỉ một phần thôi, nhưng đó là phần tinh hoa nhất cuộc đời: Tuổi thanh xuân./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com