Một gia đình say mê nghệ thuật chèo

07:01, 05/01/2018

Xã Yên Phong (Ý Yên) là địa phương có truyền thống hát chèo. Tiếng hát chèo nơi đây được lưu giữ qua nhiều phả hệ, trong đó tiêu biểu là gia đình cụ Nguyễn Thị Tính (89 tuổi), thôn Bồng Quỹ.

Từ lâu, trong các đám cưới ở xã Yên Phong đều không thể thiếu các làn điệu hát chèo do người dân địa phương tự sáng tác, biểu diễn. Trong tâm thức nhân dân nơi đây, những đám cưới, những lễ hội làng mà thiếu các làn điệu chèo là thiếu sự hoan hỷ, đông vui. Đến thăm cụ Nguyễn Thị Tính ở thôn Bồng Quỹ, chúng tôi được chứng kiến cảnh con cháu cụ tập trung đông đủ để luyện tập tiết mục chuẩn bị cho đám cưới của người cháu trong họ. Trong ngôi nhà nhỏ, người đàn, người sáo, người đánh trống, người hát như một đội chèo. Tuy tuổi đã cao nhưng cụ Tính vẫn trực tiếp cầm nhịp để con cháu tập luyện các làn điệu chèo cổ. Cụ Tính cho biết, trước kia các cụ thân sinh đều là thành viên trong gánh chèo địa phương. Bởi vậy cụ Tính tiếp xúc với chèo từ nhỏ. Và cũng từ các buổi biểu diễn, hát chèo ở đình làng mà hai cụ đã nên duyên. Cụ Tính thời đó cùng chồng nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương, khi làm dân công, khi dàn dựng các tiết mục chèo để biểu diễn phục vụ quân dân địa phương. Những người con sau này của 2 cụ đều có “gen” hát chèo, biết chơi nhạc cụ dân tộc. Trong đó tiêu biểu như người con cả Trần Xuân Đề, các con thứ: Nghệ nhân Ưu tú Trần Quang Lộc, NSƯT Trần Đăng Khoa... Ông Trần Xuân Đề (71 tuổi) là con cả của cụ Tính, từ nhỏ đã theo gánh hát chèo của gia đình đi biểu diễn khắp nơi. Năm 1968, ông gia nhập lực lượng thanh niên xung phong sang chiến trường Lào. Tại đơn vị, với khả năng văn nghệ, ông truyền dạy các kỹ thuật âm nhạc cho đồng đội. Năm 1988 trở về địa phương ông tiếp tục tích cực tham gia hoạt động văn nghệ. Hiện nay, ông là tổ trưởng tổ nhạc cụ dân tộc của xã. Ông sử dụng được hầu hết các loại nhạc cụ từ các loại đàn nhị, đàn tam, đàn nguyệt, đàn bầu… đến các loại tiêu, sáo, trống con...

Cụ Nguyễn Thị Tính (89 tuổi) (ngồi giữa) biểu diễn hát chèo cùng các con cháu.
Cụ Nguyễn Thị Tính (89 tuổi) (ngồi giữa) biểu diễn hát chèo cùng các con cháu.

Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Trần Quang Lộc (64 tuổi) có niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật chèo, hát văn, ca trù. Sống trong gia đình có truyền thống hát chèo, ngay từ nhỏ Trần Quang Lộc đã bộc lộ năng khiếu bẩm sinh. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông còn nhớ như in kỷ niệm về những lần cả gia đình thắp đèn dầu đi biểu diễn. Ngày đó, cuộc sống còn khó khăn song mỗi khi có buổi diễn là bà con lại tới xem chật kín sân kho, sân đình. Năm 1971, ông nhập ngũ và tham gia đội tuyên văn xung kích của Sư đoàn 304 phục vụ các đơn vị bộ đội bằng các làn điệu chèo, vở chèo ngắn. Năm 1975 xuất ngũ trở về địa phương ông lại tích cực tham gia phong trào văn nghệ. Ông là người có công phục dựng các làng chèo Giao Hải (Giao Thủy), Hải Châu (Hải Hậu). Tại tỉnh Ninh Bình, ông đã khôi phục làng chèo xã Ninh An (Hoa Lư), làng chèo thôn Liên Huy (Gia Viễn). Riêng huyện Ý Yên ông truyền dạy hát và diễn chèo ở 32 xã, thị trấn và cùng với Trung tâm VHTT huyện mở 2 lớp dạy hát, múa, diễn chèo… Gần 30 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, ông đã trang bị cho bản thân đủ các kỹ năng gồm: diễn xuất, truyền dạy, viết kịch bản chèo, viết lời mới cho ca trù, dàn dựng, đạo diễn các vở chèo, hát văn; sử dụng thành thục một số nhạc cụ dân tộc. Ông đã viết hơn 20 kịch bản chèo và khoảng 30 hoạt cảnh. Kịch bản sân khấu chèo đề tài lịch sử có “Đại Hồng chung Đàm Linh Tự”, “Kể chuyện Thành tổ linh thông”, “Cuộc gặp gỡ bất ngờ”... Ngoài ra, ông còn viết một số hoạt cảnh chèo phục vụ tuyên truyền theo chủ đề như “Chuyện nhà anh Phởn” về đề tài dân số - KHHGĐ và dàn dựng các giá đồng. Với những đóng góp cho việc gìn giữ và phát huy các bộ môn hát múa dân gian, năm 2015 ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” loại hình trí thức dân gian.

NSƯT Trần Đăng Khoa (61 tuổi) từng là diễn viên Đoàn Chèo Hà Nam Ninh, Nam Hà rồi Nhà hát Chèo Nam Định. Một trong những vai diễn làm nên tên tuổi của NSƯT Đăng Khoa là vai ông Chài trong trích đoạn “Vợ chồng thuyền chài” và những vai tính cách như: vai Tam trong vở “Thần đồng Đất Việt”, vai Tiến trong vở “Chiến trường không tiếng súng”... Để chuẩn bị mỗi vai diễn, NSƯT Đăng Khoa đều nghiên cứu kỹ về hình thái tâm lý nhân vật mà mình thể hiện. Trong suốt thời gian hoạt động nghệ thuật, NSƯT Đăng Khoa đã giành nhiều huy chương tại các liên hoan, hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 1993 giành HCV vai ông Chài trong trích đoạn “Vợ chồng thuyền chài”; năm 2000 giành HCV vai Đoàn Nhữ Hài trong vở “Trần Anh Tông”; năm 2013 HCB trong vở “Chiến trường không tiếng súng”… Ngoài khả năng diễn xuất, NSƯT Đăng Khoa từng dàn dựng, sáng tác các chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh như: Chương trình nghệ thuật tại Đại hội TDTT toàn tỉnh năm 2013, Đại hội TDTT toàn quốc tổ chức tại Nam Định năm 2015… Ghi nhận những đóng góp cho sân khấu chèo, năm 2007 Trần Đăng Khoa được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2016, sau khi được nghỉ chế độ, ông về quê tích cực tham gia vào phong trào văn nghệ địa phương.

“Duyên nợ” với chèo - để rồi đại gia đình cụ Tính như một gánh chèo cổ ở làng Bồng Quỹ. Giờ đây mỗi sự kiện chính trị văn hóa của xã có tổ chức chương trình văn nghệ, cả nhà cụ Tính lại có mặt đầy đủ để luyện tập biểu diễn. Một gia đình với nhiều thế hệ say mê âm nhạc, tích cực tham gia các phong trào văn nghệ của địa phương như gia đình cụ Tính thật đáng trân trọng./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com