Giữ gìn tinh hoa võ thuật trong nghệ thuật múa lân, sư, rồng

08:01, 02/01/2018

Múa lân sư rồng là môn nghệ thuật dân gian đặc sắc hòa quyện nét đẹp võ thuật cổ truyền và văn hóa tâm linh. Những năm gần đây, nhiều CLB múa lân sư rồng trên địa bàn tỉnh được thành lập, đầu tư bài bản từ đạo cụ, trang phục đến kỹ thuật biểu diễn, góp phần gìn giữ tinh hoa võ thuật cổ truyền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Một buổi tập múa lân sư rồng của lớp võ cổ truyền ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Một buổi tập múa lân sư rồng của lớp võ cổ truyền ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).

Vào những ngày chuẩn bị đón năm Mậu Tuất 2018, trong khuôn viên Nhà văn hóa Thiếu nhi Thành phố Nam Định, tiếng trống rộn rã vang lên đưa nhịp cho các võ sinh môn võ cổ truyền tập luyện những bài múa lân. Võ sư Trần Đức Tấn cho biết: Với cách thể hiện của những người học võ, các động tác múa được biểu diễn đúng khí phách, tích cách và trạng thái của các linh vật lân, sư, rồng. Sự dẫn dắt của các võ sư cho mỗi thành viên thường kết hợp các động tác võ và kế thừa sức mạnh, sự nhanh nhẹn, linh hoạt từ võ. Xuất phát từ niềm yêu thích đặc biệt với múa lân, năm 2007, anh Tấn đã nhen nhóm ý tưởng thành lập CLB võ thuật lân sư rồng Thiên Trường. Anh đã vào Thành phố Hồ Chí Minh để liên hệ với những võ đường hàng đầu để tìm hiểu về kỹ thuật múa lân sư rồng và mời các thầy về dạy cho các thành viên trong CLB. Kinh phí để mua sắm đầu lân, các đạo cụ, trang phục cho các thành viên CLB biểu diễn lên đến gần 100 triệu đồng. Điều thuận lợi là các thành viên trong CLB đều là những võ sinh theo học lâu năm của anh Tấn nên có nền tảng để tiếp cận với các kỹ thuật múa lân sư. Trong quá trình học, giáo viên dạy múa tứ linh chuyên nghiệp, các thành viên trong CLB cùng võ sư Trần Đức Tấn còn nghiên cứu, tự mày mò, học hỏi và tìm ra được những điểm giao hòa giữa võ thuật và múa lân, sư, rồng để biên soạn, dàn dựng các bài biểu diễn… Hiện nay, CLB có 30 thành viên đều là những người theo học võ cổ truyền từ 3 năm trở lên. Chứng kiến một buổi tập múa lân, mới thấy được sự say mê của các thành viên trong CLB. Trong tiếng trống, tiếng thanh la não bạt vang lên thúc giục, 4 người múa lân liên tục chuyển động, khi chồm lên cao, lúc nằm rạp xuống đất, lúc đi, lúc chạy, lúc đứng yên, lúc xoáy người thuần thục, nhịp nhàng. Võ sư Trần Đức Tấn đứng bên ngoài di chuyển các góc, vừa bao quát tổng thể màn múa, vừa hò hét khích lệ, nhắc nhở, giúp các thành viên điều chỉnh động tác. Để chuẩn bị các buổi biểu diễn phục vụ vào dịp đầu năm mới, CLB đang tập luyện các động tác của bài “Song lân chầu nguyệt”. Đây là bài biểu diễn mới nhất của CLB với hình ảnh 2 con lân mang biểu tượng “thịnh vượng, trường thọ” sẽ “gõ cửa” gia chủ. Để có được những điệu múa đẹp mắt, các võ sinh phải chuyên tâm khổ luyện để tạo hình tượng con lân sư rồng trở nên sống động, biểu lộ được 10 cung bậc tình cảm như: ngủ, thức, vui, buồn, giận, yêu, khinh, ghét, im lặng, sợ hãi, nghi ngờ... Đây chính là đặc trưng riêng của nghệ thuật múa lân sư truyền thống. Lòng yêu nghề của võ sư Trần Đức Tấn đã truyền cảm hứng môn múa lân đến học trò. Anh Trần Đức Khoa (TP Nam Định), học trò của võ sư Tấn suốt 17 năm qua hiện là chủ nhiệm CLB cho biết: Từ niềm đam mê múa lân sư của các võ sinh trong CLB, hình ảnh linh vật lân, sư được các thành viên trong CLB nâng niu gìn giữ qua từng động tác múa, thế võ. Sinh hoạt tại CLB, các thành viên và võ sinh không chỉ được lĩnh hội những tinh hoa của võ cổ truyền dân tộc mà còn rèn luyện đạo đức, nhân cách và lối sống lành mạnh. Gần đây, trong các sự kiện văn hóa của thành phố, khán giả được theo dõi và trầm trồ thán phục trước các màn biểu diễn võ thuật công phu kết hợp những điệu múa lân khỏe khoắn, đẹp mắt của CLB. Những tiết mục tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng thể hiện sự dày công xây dựng luyện tập và cống hiến của các thành viên CLB võ thuật lân sư rồng Thiên Trường.

HLV môn võ cổ truyền và lân sư rồng Vũ Mạnh Thắng (TP Nam Định) cũng được nhiều người biết đến trong giới võ thuật. Anh bắt đầu công việc dạy võ từ năm 2005 ở xã Mỹ Tân, sau đó mở thêm các lớp ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc), phường Lộc Vượng (TP Nam Định) và một số lớp ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình. Năm 2010, sau khi được cấp bằng HLV múa lân sư rồng, anh dạy võ kết hợp thành lập đội múa lân sư rồng ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) với gần 15 võ sinh từ 6 tuổi trở lên. Đến nay, anh đã thành lập được 5 đội lân sư rồng trong tỉnh và các tỉnh Hà Nam, Thái Bình. Theo HLV Vũ Mạnh Thắng, múa lân sư rồng có mối liên hệ mật thiết với võ thuật bởi có nhiều nét tương đồng như điều kiện về sức khỏe, di chuyển theo tấn pháp, bộ pháp... Các thế tấn của lân, sư đều mang tính chất của võ cổ truyền; múa lân dùng nhiều động tác bay nhảy, tung người lên cao; múa sư tử tính chất di chuyển tầm thấp; múa rồng lại chủ yếu dùng bộ tay để thể hiện các thế uốn lượn... Buổi đầu mở lớp dạy múa lân sư rồng ở xã Mỹ Phúc, do chưa có điều kiện về kinh tế nên các võ sinh phải tập chay bằng “cốt lân” (là những đoạn tre tự làm gần giống kích thước đầu lân thật). Năm 2011, HLV Vũ Mạnh Thắng đã tự bỏ tiền sắm một con lân để các võ sinh luyện tập. Đến nay, đội lân ở xã Mỹ Phúc đã có 4 con lân để các võ sinh luyện tập, biểu diễn. Ở một số lớp học võ của HLV Vũ Mạnh Thắng, sau khi học múa lân, một số võ sinh muốn thử sức với múa rồng. Vậy là anh Thắng lại trổ tài chế tác phần thô của con rồng từ những cây tre bện bằng dây thừng nối với nhau để các võ sinh thử sức. Nhận thấy nhiều võ sinh có tố chất múa rồng, anh đã đầu tư mua một con rồng để luân phiên phục vụ các lớp học. Đến nay với 4 con lân và 1 con rồng, thành viên trong các đội lân sư rồng ở các lớp học võ thuật của anh Thắng đã đi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh vào các dịp lễ hội, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu. Đội có nhiều bài múa như: “Lân say”, “Song hỷ”, “Lân xuất động”... Ngoài những bài truyền thống mà anh Thắng được các bậc tiền bối truyền lại, anh còn sáng tạo những động tác mới cho bài diễn thêm phong phú và mang dấu ấn riêng.

Việc các CLB múa lân sư rồng được thành lập và phát triển vừa góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vừa đóng góp vào việc duy trì, bảo tồn những điệu múa cổ, nét đẹp văn hóa dân gian thuần Việt./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com