Giá trị văn hoá tâm linh qua các di tích ở Mỹ Lộc

06:01, 05/01/2018

Là vùng đất cổ, hiện Mỹ Lộc còn lưu giữ, bảo tồn được hệ thống di sản văn hoá phong phú, gồm: 27 di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh. Các di tích đều là những công trình văn hóa tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ các nhân thần có liên quan đến vị vua, các danh nhân văn hoá, các vị anh hùng dân tộc thời Vua Hùng, Đinh - Lê, Lý - Trần được nhân dân suy tôn làm thánh, thần.

Lễ hội đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc.
Lễ hội đền Lựu Phố, xã Mỹ Phúc.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền Lựu Phố thờ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ - vị Thái sư đầu tiên của triều Trần có ảnh hưởng lớn đến vận mệnh dân tộc và đất nước giai đoạn này. Ông có công lập ra triều đại Trần khi sắp xếp để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Ở cương vị Thái sư gần 40 năm, Trần Thủ Độ đã có nhiều công lao phò vua, giúp nước. Đền Lựu Phố được xây dựng trên địa danh cổ Lựu Viên, tương truyền lúc sinh thời Thái sư Trần Thủ Độ đã từng sống và làm việc nơi đây mỗi khi ông về chầu, yết kiến Vua Trần và Thái thượng hoàng tại cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa ở phủ Thiên Trường. Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc, đền Lựu Phố là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Đình - Chùa Bườn (xã Mỹ Thắng) và những di tích có liên quan như: lăng mộ Đàm Hoàng Thái hậu, lăng mộ Tướng quân Cao Mộc, miếu Trúc thờ Tướng quân Phùng Gia được xây dựng trên khu vực đồn binh An Biện (Bườn) xưa của Đinh Bộ Lĩnh. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để tích trữ lương thực, chiêu mộ binh sĩ, giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Đình Bườn là nơi thờ tự và tri ân của nhân dân địa phương đối với những nhân vật có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời và sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh. Các vị thần đã được nhân dân suy tôn, các triều đại phong kiến sau này đều ban tặng sắc phong là Thành hoàng làng. Hằng năm, tại di tích, nhân dân địa phương ba lần mở hội vào các ngày kỵ của Đàm Hoàng Thái hậu, Tướng quân Phùng Gia và Tướng quân Cao Mộc với các nghi thức rước nước, lễ cầu mát, rước kiệu và các trò chơi dân gian. Lễ hội Đền Lựu Phố (xã Mỹ Phúc) tổ chức vào ngày 7-7 âm lịch hằng năm đã khôi phục được nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc như: dâng hương, tế lễ, rước kiệu, các sinh hoạt văn hóa dân gian như: tổ tôm điếm, đánh cờ, đấu vật, hát chèo... Đình - Miễu Cao Đài (xã Mỹ Thành) thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu minh vương Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương. Cứ 3 năm 1 lần dân làng lại mở hội lớn vào các ngày kỵ của công chúa (22 tháng 3 âm lịch). Trong lễ hội, ngoài các nghi thức tế lễ còn có các trò độc đáo như: tích “Thuyền chài bắt giặc Tàu Ngô”, tích “Quan huyện, quan trấn đốc thúc dân đi mở đường”, tục thổi cơm thi... Các tích trò đã phần nào tái hiện lại quang cảnh sinh hoạt của thái ấp xưa một thời phồn thịnh. Tại Đền Bảo Lộc, (xã Mỹ Phúc) hằng năm tổ chức nhiều kỳ lễ hội trong năm như Lễ Khai ấn (đêm 14 ráng sáng 15 tháng Giêng), lễ hội Trần Quốc Toản ra quân (ngày 24 tháng Giêng), lễ hội Trần ngày (20-8 âm lịch)… nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc và công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Ở huyện Mỹ Lộc, thờ cúng tổ tiên đã trở thành một phong tục truyền thống thông qua hệ thống các di tích từ đường, nhà thờ tổ. Các di tích là nơi thờ các cao tằng thuỷ tổ và một số tiên linh khác trong họ tộc, làng xã - những người có công khai hoang lập ấp, khai cơ lập nghiệp, gây dựng nên cuộc sống hiện tại được tôn là “Thành hoàng làng”, “Thần tạo phúc”, “Nghệ tổ”. Trong số gần 50 di tích từ đường, nhà thờ tổ các dòng họ: Trần Văn, Hoàng gia, Phạm tộc, Bùi tộc, Nguyễn, Lê, Đặng, có 3 di tích được UBND tỉnh công nhận, xếp hạng là Từ đường họ Trần Văn, Từ đường họ Bùi - Trần - Đào (xã Mỹ Trung), từ đường họ Lê - Đặng (xã Mỹ Thành). Từ đường họ Trần Văn (xã Mỹ Trung) thờ thuỷ tổ Trần Văn Chinh. Cụ là người đến định cư và mở đầu cho dòng họ Trần Văn - một trong những dòng họ lớn của tổng Đệ Nhất. Căn cứ vào cuốn gia phả, bài văn tế còn lưu giữ tại từ đường Trần Văn cùng truyền ngôn của các bậc cao niên trong dòng họ, cụ thủy tổ là người học rộng tài cao, được triều đình Hậu Lê trọng dụng, mời vào dạy học trong triều và phong chức Lê triều công thần văn chúng sinh đồ. Sau khi cụ thủy tổ qua đời, con cháu trong dòng họ Trần Văn đã an táng và xây miếu, từ đường thờ thủy tổ tại quê hương. Tại từ đường dòng họ Lê - Đặng (xã Mỹ Thành), hằng năm, các con cháu trong dòng họ Trần - Đào - Bùi tổ chức nhiều ngày lễ, ngày giỗ có liên quan đến các vị tổ thờ tự tại di tích. Ngày 15 tháng Giêng (âm lịch) là ngày lễ chính trong năm. Vào ngày này các chi xa, chi gần đã về đây tề tựu dâng hương, tế tổ. Tại từ đường dòng họ Trần Văn (xã Mỹ Trung), hằng năm, ngoài 2 kỳ lễ hội chính diễn ra vào ngày 21-3 và 20-5 (âm lịch), vào các ngày sóc, vọng, Tết Nguyên đán hoặc khi các gia đình có sự kiện quan trọng, từ đường đều mở cửa để con cháu khắp nơi về tế lễ, tổ chức tặng quà cho các cụ già mẫu mực, phát phần thưởng cho con cháu đạt thành tích xuất sắc trong học tập… Các di tích lịch sử - văn hoá từ đường ở Mỹ Lộc không chỉ là công trình mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân công đức các bậc tiền nhân đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ, cộng đồng làng xã.

Tín ngưỡng thờ Phật là tín ngưỡng tôn giáo có mặt sớm nhất huyện Mỹ Lộc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh người dân khi hòa nhập vào các tín ngưỡng bản địa khác như: thờ Thánh, Thần, Mẫu, cùng chung một khao khát, ước vọng “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, đời sống nhân dân no đủ”. Trên địa bàn huyện có hàng trăm ngôi chùa tồn tại từ lâu đời; có di tích được xây dựng cách đây hàng vài thế kỷ, tập trung nhiều ở các xã: Mỹ Phúc, Mỹ Trung, Mỹ Thành, Mỹ Thuận, Mỹ Thắng, Mỹ Hưng… Trong đó có 2 ngôi chùa thuộc các cụm di tích đình, đền, phủ được Nhà nước xếp hạng là: Chùa Vạn Khoảnh, Chùa Lựu Phố (xã Mỹ Phúc), Chùa Bườn (xã Mỹ Thắng). Ngoài ra, một số các di tích chùa còn phối thờ Mẫu và Thành hoàng làng. Trong nhiều năm trở lại đây, hầu hết các ngôi chùa đều được trùng tu, tôn tạo chủ yếu dựa trên nguồn ngân sách xã hội hoá nhằm phát huy giá trị văn hoá tín ngưỡng thờ Phật. Ở các di tích, công trình quan trọng nhất là không gian thờ tự liên quan đến kiến trúc, nội thất, đặc biệt là hệ thống cột, xà, các cửa võng, rèm cửa được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Trên các ban thờ rất nhiều đồ thờ tự và tượng các vị Bồ tát trong đạo Phật được bổ sung. Hằng năm, ngoài dịp lễ hội làng truyền thống gắn với các di tích đình, đền, phủ thì vào các ngày mồng 1, ngày rằm hằng tháng, các ngày Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan hay các ngày Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu… đi lễ chùa là một hoạt động văn hoá tâm linh không thể thiếu của người dân.

Phát huy giá trị văn hoá tâm linh tại các di tích lịch sử - văn hoá ở huyện Mỹ Lộc đã tạo dựng niềm tin giữa con người với xã hội, hướng con người tới cái “chân - thiện - mỹ”, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com