Độc đáo phiên chợ đồ xưa (!)

06:12, 08/12/2017

Vào thứ 6 hằng tuần, những người yêu đồ cổ ở các địa phương trong và ngoài tỉnh lại đổ về phiên chợ đồ xưa có địa chỉ tại 137 Đặng Xuân Bảng (TP Nam Định) để thỏa mãn niềm đam mê sưu tầm cổ vật.

Chợ đồ xưa Nam Định được mở từ tháng 7-2016 với ý tưởng tạo sân chơi để trưng bày, trao đổi kỷ vật; chia sẻ giá trị văn hóa xưa và truyền thụ kinh nghiệm, kỹ năng lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu văn hóa, di sản dân tộc tới những người yêu cổ vật. Người điều hành, quản lý chợ là anh Triệu Thanh Sơn, thành viên Hội Cổ vật Thiên Trường. Anh Sơn cho biết: Sau khi tham quan phiên chợ đồ xưa ở Hà Nội, Hải Phòng..., anh đã học tập mô hình tổ chức phiên chợ và quy tụ những người chơi cổ vật ở các tỉnh, thành phố phía Bắc về mở gian hàng. Mặc dù bỏ tiền ra thuê mặt bằng nhưng anh không thu phí các gian hàng và người đến mua, trao đổi đồ xưa, đồ cổ. Các gian hàng trong chợ trưng bày các loại đồ cổ, đồ xưa khác nhau. Có gian bày đồ sành sứ cổ, có gian bày đồ kỷ vật thời chiến, đồ thủ công mỹ nghệ, tranh thủy mặc, những con tem, bật lửa zippo, đồng hồ cổ... Chủ các gian hàng ở chợ đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau như Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng và đều là những người uy tín trong cộng đồng người chơi cổ vật. Ai đã từng sống thời điểm những năm 1960-1980 khi ấy đất nước còn gian khó sẽ tìm thấy ở phiên chợ này đủ thứ gợi nhớ ký ức. Đó là những lá thư, con tem của thập niên 1960-1970, là các loại tiền xu, tiền giấy trước những năm đổi mới. Đó là những chiếc đèn dầu Hoa Kỳ, đèn bầu pha lê Pháp, quạt con cóc, mắt kính, ấm chén, đồng hồ, bình hoa, đồ đựng trầu, thìa nhôm Liên Xô… Thậm chí, từ chân bàn cũ, sách cũ hay những kỷ vật chiến tranh như ba lô, bi đông, lược nhôm làm từ thân máy bay đến đồ dùng còn sót lại từ thời bao cấp như bát sành, bát sứ, lọ hoa, đèn dầu, đồng hồ đeo tay, điện thoại bàn... cũng có mặt ở đây. Hiếm có phiên chợ nào ở giữa lòng thành phố mà thu hút cả người già lẫn trẻ, có người mang cả giấy bút ghi chép những câu chuyện về lịch sử - văn hóa về món đồ cổ, đồ xưa. Điểm khác biệt trong chợ đồ xưa Nam Định là các chủ gian hàng đều lịch sự, tận tình trao đổi, giải thích về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của những món đồ, cho dù khách có mua hay không. Nhiều chủ gian hàng trưng bày cổ vật với mục đích giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về đánh giá, thẩm định đồ cổ hoặc đơn giản là cho nhau xem những thứ hàng “độc”. Để chuẩn bị cho một buổi họp chợ, nhiều chủ gian hàng phải đắn đo xem mang những món nào, thứ tự trưng bày món đồ ra sao... Anh Phạm Văn Điệp người nổi tiếng với phòng trưng bày kỷ vật chiến tranh ở Hà Nam thường xuyên mở gian hàng ở chợ đồ xưa Nam Định cho biết: Hiện nay bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh của anh đã lên đến gần 3.700 hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Khách tham quan gian hàng “Chợ đồ xưa Nam Định”.
Khách tham quan gian hàng “Chợ đồ xưa Nam Định”.

Để chuẩn bị cho gian hàng ở chợ đồ xưa Nam Định, anh đã lựa chọn những món đồ tiêu biểu gắn với những câu chuyện lịch sử của từng hiện vật để trưng bày. Với phương châm mở gian hàng để giao lưu và trao đổi kinh nghiệm với những người có cùng đam mê nên anh không đặt nặng vấn đề mua bán. Nhiều khách tham quan gian hàng của anh Điệp sau khi thấy anh tâm huyết về kỷ vật chiến tranh đã tặng lại kỷ vật của mình. Kỷ niệm mà anh Điệp nhớ mãi là bác Vũ Đình Lưu (TP Nam Định) - người có bảo tàng kỷ vật chiến tranh ở tỉnh ta sau khi tham quan gian hàng đã tặng anh chiếc bộ đàm PRC25 trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Anh Hà Đức Hoàng (Hà Nội) chuyên sưu tầm đồ gốm, đồ sứ cổ là chủ một gian hàng ở chợ đồ xưa Nam Định chia sẻ: Mỗi tuần anh đều hào hứng chuẩn bị mọi công việc để thứ 6 họp chợ đồ xưa ở Nam Định. Cái hay ở chợ đồ xưa Nam Định là cộng đồng chơi đồ cổ ở đây phát triển mạnh nên anh được giao lưu, bổ sung thêm nhiều kiến thức về cổ vật từ những bậc tiền bối. Chị Trâm, một họa sĩ tự do ở Thành phố Nam Định với gian hàng tranh thủy mặc thu hút sự chú ý của nhiều người yêu mỹ thuật, tranh cổ. Ngoài những tranh sưu tầm, chị còn vẽ nhiều bức tranh thể hiện cá tính và tinh thần sáng tạo với đề tài phong phú, đó là cảnh sơn thủy hữu tình, muôn hoa đua nở, cảnh sinh hoạt thường ngày của con người… Chị cho biết: “Khi biết chợ đồ xưa Nam Định mở, chị đã đăng ký với người quản lý chợ xin mở gian hàng. Chị đã bất ngờ khi tất cả đều hoàn toàn miễn phí...”. Với người mở gian hàng đã hào hứng, những khách tham quan cảm giác chờ đợi đến phiên chợ đồ xưa cũng hồi hộp không kém. Hơn một năm nay, gần như tuần nào ông Kiều Xuân Trường (Xuân Trường) cũng từ quê lên để đi chợ đồ xưa. Ông cho biết: “Chợ đồ xưa Nam Định tổ chức rất có ý nghĩa. Ngoài việc thỏa thú vui sưu tầm đồ cổ, đây còn là nơi lưu giữ các giá trị về văn hóa dân tộc. Trước đây ông từng mất cả năm để tìm một chiếc bát men ngọc ám họa hoa lá thời Trần mà vẫn không được nhưng khi đến phiên chợ này, ông đã mua được với giá hợp lý(!)”. Để thỏa mãn niềm đam mê đồ cổ của nhiều người không có dịp đến chợ đồ xưa, anh Triệu Thanh Sơn đã lập “chợ điện tử” mang tên: “Chợ đồ xưa Nam Định” với hơn 5.000 thành viên tham gia. Khác với phiên chợ họp thứ 6 hằng tuần tại địa chỉ cố định, trang “Chợ đồ xưa Nam Định” không giới hạn gian hàng khi tất cả các thành viên đều có thể giới thiệu sản phẩm cho các thành viên khác trao đổi mua - bán, giao lưu. Mặt hàng trên trang “Chợ đồ xưa Nam Định” rất phong phú và đều được niêm yết giá. Các sản phẩm khi được Ban quản trị trang duyệt đăng đều được yêu cầu chụp nhiều góc độ để người mua dễ thẩm định. Qua trang “Chợ đồ xưa Nam Định”, nhiều câu hỏi của những người đam mê đồ cổ được Ban quản trị trang giải đáp kịp thời. Đặc biệt, qua trao đổi kiến thức về thẩm định cổ vật, nhiều thành viên đã học các kinh nghiệm phân biệt đồ cổ thật và giả, từ đó tránh mắc sai lầm khi sưu tầm, mua sắm cổ vật.

“Chợ đồ xưa Nam Định” đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của những người đam mê cổ ngoạn trong và ngoài tỉnh. Các cổ vật, đồ xưa là kết tinh của những giá trị văn hóa bản sắc dân tộc nên chợ không chỉ để mua - bán mà qua đó nâng cao ý thức của mỗi người trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com