Xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá ở Mỹ Lộc

05:11, 24/11/2017

Thời gian qua, huyện Mỹ Lộc đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với công cuộc xây dựng NTM. Đến hết tháng 9-2017, toàn huyện có 96/137 thôn, xóm đạt danh hiệu “Làng văn hoá”, tỷ lệ “Gia đình văn hoá” đạt 76,9%. Phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hoá” đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tổ dân phố văn hóa Hưng Lộc, Thị trấn Mỹ Lộc.
Tổ dân phố văn hóa Hưng Lộc, Thị trấn Mỹ Lộc.

Trong quá trình xây dựng “Gia đình văn hoá”, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa; tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Quốc tế Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25-11), Ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc (18-11). Với cách làm sáng tạo, các tổ chức đoàn thể đã tích cực tham gia có hiệu quả phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”. Tiêu biểu như: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân với phong trào xây dựng “Gia đình nông dân văn hóa giúp nhau phát triển kinh tế”; Hội CCB với phong trào “Gia đình CCB gương mẫu”; Hội Người cao tuổi thực hiện “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; Đoàn Thanh niên với cuộc vận động “Cưới theo nếp sống văn minh”… Trong quá trình xây dựng “Gia đình văn hóa”, các xã, thị trấn đều đề ra mục tiêu cụ thể. Các gia đình văn hoá luôn gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động của địa phương, thực hiện tốt nếp sống văn hóa nơi công cộng, bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử - văn hóa; giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới về gia đình, phát triển kinh tế gia đình, chủ động giảm nghèo, năng động làm giàu chính đáng. Tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hoá là hộ các ông: Trần Nhất Khoa (xã Mỹ Thắng), Bùi Công Chấn (xã Mỹ Phúc), Đỗ Văn Mùi, Trần Trung Hiền (xã Mỹ Trung), Phạm Thị Minh, Trần Tất Xương (xã Mỹ Thành)… Ông Bùi Công Chấn, xã Mỹ Phúc là một trong 14 cá nhân tiêu biểu của tỉnh trong 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Là đảng viên gương mẫu, cán bộ phụ trách VH-TT xã, ông cùng với cấp ủy các chi bộ, ban công tác Mặt trận trực tiếp xuống từng thôn, xóm vận động nhân dân ủng hộ xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở. Bên cạnh đó, ông còn là người tiên phong trong phong trào văn hoá, văn nghệ ở địa phương. Từ nhiều năm nay, ông đã tích cực vận động các cá nhân, tập thể thành lập các đội văn nghệ quần chúng duy trì hoạt động tại NVH.

Trong xây dựng làng văn hóa, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá làng quê. Ban chỉ đạo xây dựng làng văn hóa cấp xã, Ban vận động các thôn, xóm hoạt động tích cực, hiệu quả. Các tiêu chí như: vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được quan tâm; việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống “điện, đường, trường, trạm” được thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; việc xây dựng quy ước nếp sống văn hoá được thực hiện công khai, dân chủ trên cơ sở kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống trong các bản hương ước cổ, đồng thời bổ sung những quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay… Đến nay, 85% thôn, xóm trong huyện thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Năm 2016, tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, toàn huyện có 2 làng văn hoá tiêu biểu được UBND tỉnh tặng Bằng khen là thôn Đường 10 (xã Mỹ Tân) và TDP Hưng Lộc (Thị trấn Mỹ Lộc). Ở thôn Đường 10, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện quy ước nếp sống văn hoá gắn với các tiêu chí NTM. Hằng năm có trên 85% số gia đình văn hoá thực hiện tốt các quy định về quy ước nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn an ninh trật tự. Tại TDP Hưng Lộc (Thị trấn Mỹ Lộc), các nội dung phong trào xây dựng làng văn hóa được phổ biến tới từng gia đình thông qua đài truyền thanh, các hội nghị; lồng ghép trong các chương trình văn nghệ do chi Hội Phụ nữ, chi Đoàn Thanh niên tổ chức. Nhờ đó, phong trào xây dựng làng văn hoá đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 10/11 xã, thị trấn có khu thể thao trung tâm; 102/137 thôn, xóm có NVH; 112/137 thôn, xóm có sân thể thao. Nhiều địa phương làm tốt công tác xã hội hoá trong việc xây dựng NVH thôn, xóm như các xã: Mỹ Tân, Mỹ Phúc, Mỹ Tiến, Mỹ Hưng, Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Trung… Các NVH xóm được xây dựng là nơi sinh hoạt của chi bộ Đảng, đội sản xuất, các đoàn thể và là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT của các tầng lớp nhân dân. Toàn huyện có 167 tốp, đội, CLB văn hoá, văn nghệ, TDTT thu hút đông đảo nhân dân tham gia sinh hoạt, luyện tập. Các loại hình nghệ thuật dân gian như: múa lân sư rồng ở các xã Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Phúc, Mỹ Hưng; hát chầu văn, chèo, ca trù ở các xã Mỹ Phúc, Mỹ Trung, Mỹ Hưng, Mỹ Hà, Mỹ Thuận, Thị trấn Mỹ Lộc tiếp tục được các địa phương duy trì và phát triển tạo nên nét đẹp văn hoá làng truyền thống. Để nâng cao chất lượng các danh hiệu “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hóa”, các địa phương trong huyện cần tăng cường đầu tư các nguồn lực củng cố, bồi dưỡng kỹ năng, cung cấp thông tin, kiến thức văn hóa cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc tiếp thu những giá trị tiên tiến trong xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com