Người sưu tầm thạp cổ

06:11, 10/11/2017

Trong tiết trời mùa thu dịu mát, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với anh Nguyễn Ngọc Sinh, số nhà 23, ngõ 30, đường Lê Hồng Sơn, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) để tìm hiểu về bộ sưu tầm thạp cổ của anh. Câu chuyện đã đưa chúng tôi trở về với đời sống sinh hoạt bình dị của người Việt thời xa xưa. Thông qua các cổ vật để lại cho hậu thế, nền văn hóa Việt, tài hoa của người thợ thủ công hiện lên vô cùng rực rỡ với bản sắc, tinh hoa và những nét độc đáo rất riêng.

Bắt đầu chơi đồ cổ từ năm 2007, tính đến nay anh Sinh cũng đã có ngót 20 năm theo đuổi đam mê. “Gia đình tôi vốn có truyền thống Nho gia, ông nội tôi trước đây rất mê sưu tầm đồ cổ. Từ khi còn nhỏ, tôi đã được theo ông đi nhiều nơi sưu tầm cổ vật. Lớn lên một chút, sưu tầm được món đồ nào hay, ông đều kể cho tôi nghe tường tận gốc tích, phân tích cho tôi những cái hay, cái đẹp, cái tài của ông cha khi nhào nặn, tạo tác trên món đồ. Lâu dần, thú chơi đồ cổ của tôi cũng tự nhiên lớn lên”, anh Sinh tâm sự. Chuyên sưu tầm đồ gốm sứ, anh Sinh từng có thời gian chơi cả đồ gốm sứ Trung Quốc. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại anh chỉ chuyên dòng gốm sứ Việt. Bởi, “cũng như nhiều người chơi khác, tôi mong muốn lưu giữ, tôn vinh được những giá trị văn hóa tinh thần của người Việt Nam”, anh Sinh nói. Đồ gốm sứ mà anh sưu tầm là gốm sứ các thời Lý, Trần, Lê và một số ít thuộc triều đại nhà Nguyễn. Trong bộ sưu tập của anh Sinh có đa dạng các loại như bát, đĩa, ấm, lọ, kỷ phấn, tượng, lu, âu… Tuy nhiên đáng kể nhất vẫn là bộ sưu tập thạp cổ với khoảng 50 chiếc thuộc về các triều đại Lý, Trần, Lê. Thạp là đồ để đựng nước được dùng trong các nghi lễ cúng tế của cha ông ta khi xưa. Trong số 50 chiếc thạp mà anh Sinh sưu tầm, có khoảng 15 chiếc thuộc về thời Lý, 30 chiếc thuộc về triều đại nhà Trần, số còn lại thuộc về thời Lê. Mặc dù đều cùng là một sản phẩm nhưng ở mỗi thời điểm, triều đại, vật dụng này lại có những đặc điểm riêng biệt, khó lẫn. Anh Sinh lấy ví dụ, đối với những chiếc thạp thuộc về thời Lý thường có các đặc điểm nhận dạng: họa tiết có màu nâu và hay vẽ hình cánh sen, hoa chanh. Men phủ thường dày, đẹp, bóng. Cùng với sự phát triển của lịch sử, sự tài hoa, khéo léo, những nghệ nhân đời Trần đã đưa nghệ thuật làm thạp đến đỉnh cao hơn. Do đó, từ cấu tạo, hoa văn trang trí, màu men đều có những khác biệt, điểm nổi bật. Người thợ thủ công theo đó đúc các cốt thạp cứng hơn, tinh tế hơn. Màu men phủ trên thân mỗi chiếc thạp thường nhạt và sáng bóng hơn. Đến đời Lê, hình dáng những chiếc thạp được đúc rất đơn giản, trên thân hầu như không có hoa văn, họa tiết. Cốt thạp cũng không mịn như đời Trần...

Anh Nguyễn Ngọc Sinh, số nhà 23, ngõ 30, đường Lê Hồng Sơn, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) giới thiệu bộ sưu tập gốm sứ cổ.
Anh Nguyễn Ngọc Sinh, số nhà 23, ngõ 30, đường Lê Hồng Sơn, phường Cửa Bắc (TP Nam Định) giới thiệu bộ sưu tập gốm sứ cổ.

 Để có được bộ sưu tập thạp cổ đồ sộ như hiện nay, anh Sinh đã phải bỏ khá nhiều thời gian công sức. Vốn là dân xây dựng, anh có điều kiện đến với nhiều vùng miền để sưu tầm đồ quý. Anh nhớ những chuyến đi vào tận Thanh Hóa, lên Hòa Bình tìm đến nhà dân mua thạp. Bạn bè giới thiệu ở đâu có món đồ quý nào là anh lại lên đường. Anh còn thường xuyên lên mạng để đặt mua các món đồ cổ yêu thích. Anh Sinh nhớ nhất là lần vào huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) địa phận gần Thành nhà Hồ để mua đôi thạp chân thang hình hoa chanh thời Lý của một vị chủ tịch xã. “Tôi phải đi tới 3 lần, thuyết phục bằng sự chân thành, ngưỡng mộ khách hàng mới đồng ý bán. Thế mới biết nghề chơi cũng lắm công phu”, anh Sinh vui vẻ nói. Và, quả thật nghề chơi công phu này đã “ngốn” của anh Sinh khá nhiều tiền bạc, tâm sức. Trong bộ sưu tập thạp của anh, món rẻ nhất cũng có giá tiền triệu, có những bộ thạp có giá tới hàng trăm triệu đồng. Vì quá tốn kém nên không phải thú chơi của anh lúc nào cũng được người thân trong gia đình ủng hộ. Vợ anh là người đầu tiên phản đối. Lâu dần, khi được anh giải thích cặn kẽ những giá trị văn hóa tinh thần của các đồ vật anh sưu tầm, ý nghĩa của chúng, chị lại quay ra ủng hộ. Với bất cứ ai có niềm yêu thích, quan tâm đến đồ gốm sứ nói chung, thạp cổ nói riêng, anh Sinh đều chia sẻ một cách nhiệt tình. “Mục đích của tôi là gửi gắm, truyền đi được những thông điệp lịch sử của cha ông tới các thế hệ con cháu. Càng nghiên cứu, bản thân tôi càng cảm thấy khâm phục tài nghệ khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người xưa. Vì vậy tôi luôn mong muốn thế hệ con cháu có thể kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa mà ông cha ta đã để lại”. Và trong rất nhiều món đồ cổ, anh lại chọn thạp cổ như một niềm đam mê bởi đây là đồ gốm sứ có tuổi đời cao, lưu được dấu ấn văn hóa lịch sử rõ nét. Và hơn nữa, vì thạp thường được dùng trong các nghi thức tế lễ, do đó có sự tôn nghiêm và trịnh trọng. Sau cùng, anh bị hấp dẫn bởi trình độ tạo tác công phu, hoàn chỉnh của nghệ nhân làm thạp từ thiết kế, kiểu dáng, đường nét đến hoa văn… Xuất phát từ sự yêu thích, trân trọng những giá trị văn hóa tinh thần của người xưa, anh Nguyễn Ngọc Sinh ngày càng làm dầy dặn thêm những bộ sưu tập gốm sứ quý giá của mình. Ngoài 50 thạp cổ sưu tầm được, anh Sinh hiện còn có khoảng 10 ấm rượu Lý, Trần, một số đồ gỗ sơn thếp, các loại âu, bát, đĩa, bình, lọ… Đối với bất cứ món đồ nào anh cũng đều nâng niu, giữ gìn một cách cẩn trọng. “Người xưa đã làm ra nó bằng tất cả tâm sức. Tôi có cơ duyên mới bắt gặp lại được những cổ vật có lịch sử vài trăm năm tuổi để có cơ hội giới thiệu rộng rãi tới nhiều người. Vì thế, tự bản thân tôi cảm nhận mình nên có một phần trách nhiệm giữ gìn, quảng bá”, anh Sinh tâm sự.

Trong ngôi nhà nhỏ, anh Sinh dành một vị trí trang trọng để trưng bày các sản phẩm gốm sứ mà anh sưu tầm được. Giữa phố xá ồn ào, những chiếc thạp, âu, bát, đĩa… có niên đại hàng trăm năm nằm lặng yên, tĩnh mịch. Trải qua thời gian, qua sự biến thiên của những đời người, màu men, màu nước, hình dáng, hoa văn… trên thân gốm không hề bị phai nhạt, xước xát. Sức sống nội sinh của gốm, của sứ, của lửa, nước cứ như vậy mà trường tồn. Trên hết, đó chính là nghệ thuật chế tác, là tài hoa, là sự sáng tạo, tình yêu lao động của con người được gửi gắm qua tác phẩm mà họ nhào nặn nên. Phải chăng, đó cũng chính là những thông điệp lịch sử mà người xưa gửi gắm, thổi hồn cho những “tác phẩm nghệ thuật” dù bình dị nhất./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com