Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới

06:10, 13/10/2017

Qua 4 năm thực hiện Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh, việc thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở nhiều địa phương trong tỉnh dần đi vào nền nếp. Trong đó nhiều nét đẹp văn hóa trong lễ cưới truyền thống được gìn giữ, phát huy.

Một đám cưới ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Một đám cưới ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).

Theo số liệu của Phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình (Sở VH, TT và DL), 4 năm qua trên địa bàn tỉnh có khoảng 63.500 đám cưới, trong đó tỷ lệ đám cưới thực hiện theo NSVM đạt gần 93%. Các đám cưới đều được tổ chức trên cơ sở tìm hiểu, tự nguyện của đôi nam nữ, thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình. Tại các thôn, xóm, tổ dân phố, các đơn vị đều xây dựng và đưa việc thực hiện NSVM trong việc cưới vào quy ước nếp sống văn hóa của địa phương, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, xếp loại gia đình văn hóa, làng văn hóa. Nhiều năm qua, Sở VH, TT và DL đã phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức phát động phong trào “Cưới vui tiết kiệm”, “CLB gia đình trẻ”, vận động đoàn viên thanh niên thực hiện cưới theo nếp sống mới. Nhiều nghi thức truyền thống như chạm ngõ, lễ hỏi... được giản lược nhưng vẫn bảo đảm tính trang trọng, truyền thống. Ở nhiều địa phương, lễ ăn hỏi chỉ diễn ra trước ngày cưới 1 ngày; lễ đón dâu được tổ chức trang trọng, lịch sự, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của từng gia đình. Các địa phương tiêu biểu thực hiện NSVM trong việc cưới là Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Vụ Bản. Ở huyện Hải Hậu, từ năm 2013, các xã, thị trấn đã thực hiện hướng dẫn các khu dân cư họp dân để bàn thảo sửa đổi, bổ sung hương ước cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Đến nay, tất cả các thôn, xóm trong huyện đã quy định rõ khi tổ chức đám cưới, chỉ làm cỗ đủ ăn, không làm thêm cỗ chia phần và đi ăn cỗ không lấy phần. Ngoài ra, hương ước của các thôn, xóm trong huyện cũng khuyến khích việc dùng hình thức báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới, qua đó hạn chế việc tổ chức cỗ bàn tốn kém. Một số xã đã xuất hiện mô hình tổ chức tiệc cưới đơn giản. Về xóm 3, xã Hải Phương (Hải Hậu) chúng tôi được chứng kiến đám cưới người con trai út của ông Phạm Vũ Canh. Thực hiện hương ước của xóm, gia đình ông Canh tổ chức lễ cưới tại NVH xóm nên không phải thuê loa, đài, phông, rạp. Còn tại nhà riêng, ông tổ chức tiệc cưới trong phạm vi hẹp, chỉ mời anh em trong họ và một số người trong xóm. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2014 đến nay nhiều đám cưới ở xã Hải Phương được tổ chức tại các NVH xóm và hạn chế tình trạng ăn uống linh đình. Cách thức tổ chức này đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Tại huyện Giao Thủy, đến nay 100% số xã, thị trấn đều ban hành quy chế NSVM của địa phương. Với việc quan tâm chỉ đạo của huyện, việc cưới ở các xã, thị trấn đã có bước chuyển biến tích cực. Thị trấn Quất Lâm là 1 trong 3 xã của huyện triển khai thí điểm cuộc vận động “Làm cỗ vừa đủ ăn” và “ăn cỗ không lấy phần”, từ đó tình trạng mời khách tràn lan, ăn uống linh đình đã giảm đáng kể. Trong hướng dẫn thực hiện quy chế, quy ước nếp sống văn hóa trong việc cưới của Thị trấn Quất Lâm quy định: Khi đôi nam nữ đi đăng ký kết hôn và xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân gia đình 2 bên phải mời đại diện của gia đình làm việc với UBND thị trấn để làm bản cam kết không vi phạm các quy định chung, không làm cỗ lấy phần, không dùng thuốc lá để tiếp khách... Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn đã có 21 đám cưới đều tổ chức theo đúng quy định của thị trấn và quy ước của tổ dân phố. Ở xã Giao Long, bí thư chi bộ, xóm trưởng trực tiếp đến các gia đình có đám cưới tuyên truyền quy chế nếp sống văn hóa để gia đình hiểu và thực hiện. Ở một số xã trong huyện như: Giao Tiến, Hoành Sơn, Giao Nhân, Đoàn Thanh niên còn hỗ trợ gia đình tổ chức lễ cưới các thiết bị âm thanh, trang trí, chương trình văn nghệ, người dẫn chương trình... Ở huyện Vụ Bản, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên gương mẫu chấp hành và vận động gia đình tổ chức cưới theo NSVM. Hiện nay, hơn 70% số đám cưới trên địa bàn huyện được tổ chức theo NSVM, trong đó số gia đình cán bộ, đảng viên chiếm tỷ lệ 90%... Một số nét đẹp văn hóa đã hình thành trong các đám cưới ở Vụ Bản như: trước đám cưới, cô dâu, chú rể đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương, trồng cây lưu niệm. Tại Thành phố Nam Định, khi xe đưa đón dâu qua Quảng trường 3-2, mọi người dừng lại thắp hương trước Tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo... Ở các địa phương khác trong tỉnh đám cưới vẫn lưu giữ những mỹ tục như: mẹ chồng trao nón cho con dâu, thắp hương bái yết gia tiên...

Tuy nhiên ở một số nơi trong tỉnh vẫn còn hiện tượng tổ chức lễ cưới linh đình, dài ngày, gây lãng phí thời gian, tiền bạc. Hình ảnh thường gặp ở một số đám cưới hiện nay là sự pha tạp lai căng giữa truyền thống và hiện đại như trang phục, âm thanh, vũ công, dẫn chương trình. Một số đám cưới ở thành phố lại tổ chức theo nghi thức, kiểu cách phương Tây, làm mờ nhạt yếu tố văn hóa truyền thống. Chúng tôi có dịp chứng kiến một đám cưới ở một vùng quê với sân khấu hoành tráng, người dẫn chương trình ăn mặc bảnh bao rồi tuôn một tràng thơ dung tục ghép tên cô dâu chú rể nhằm gây cười... Các bậc cao niên hai họ chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm, khách đến dự hôn lễ vừa cười vừa ngại ngùng, trong khi cô dâu chú rể đỏ mặt với quan khách. Có thể thấy những phát sinh gây lãng phí mới nổi trong việc cưới hiện nay không phải chuyện hiếm gặp như: Tình trạng sử dụng hoa tươi thái quá, nhiều gia đình cạnh đường giao thông còn dựng rạp cưới lấn chiếm lòng lề đường, gây cản trở giao thông... Thời gian gần đây, rộ lên việc nhiều gia đình trước khi tổ chức đám cưới cho con được thầy bói phán phải đón dâu 2 lần để tránh xung khắc, ly tán. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, việc đón dâu hai lần thực chất là quan niệm mê tín dị đoan không những tốn thời gian mà kinh phí tổ chức cũng bị đội lên gấp đôi, gây phiền toái cho hai bên gia đình cô dâu chú rể.

Để tiếp tục thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nêu cao vai trò làm chủ, ý thức tự giác của nhân dân. Đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, nêu cao vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo và thực hiện NSVM. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tránh các hủ tục, mê tín dị đoan trong việc cưới. Tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện NSVM để ngày cưới ở các gia đình thực sự hạnh phúc, an toàn, tiết kiệm./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com