Những người "giữ lửa" phong trào văn nghệ ở Hải Hậu

05:10, 07/10/2017

Là điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước, đến nay phong trào văn nghệ quần chúng ở Hải Hậu phát triển mạnh với đa dạng các loại hình nghệ thuật như: hát chèo, chầu văn, kịch, ca - múa - nhạc đương đại... Đạt được kết quả đó bởi phong trào văn nghệ ở Hải Hậu luôn có những hạt nhân tâm huyết trong việc gìn giữ, “truyền lửa” nghề cho những người đam mê nghệ thuật.

Đến Trung tâm VH, TT và DL Hải Hậu, chúng tôi chứng kiến anh Nguyễn Minh Thành, cán bộ phụ trách văn nghệ quần chúng đang say sưa dàn dựng các tiết mục chuẩn bị đại hội công đoàn cơ quan. Sở hữu giọng hát hay, tiếng đàn “ngọt”, anh Minh Thành là cán bộ trẻ xông xáo, nhiệt tình đến từng xã, thị trấn bồi dưỡng nhạc lý cho những người yêu nghệ thuật. Là cán bộ Trung tâm VH, TT và DL huyện và là hội viên bộ môn Âm nhạc - múa Hội VHNT tỉnh, anh Thành luôn trăn trở phát triển phong trào văn nghệ ở cơ sở. Anh thường xuyên đến các xã, thị trấn hướng dẫn nhạc lý cho các CLB văn nghệ. Từ nhiều năm nay, anh đã mở lớp dạy đàn piano và thanh nhạc, nhiều học trò của anh đã có những thành công nhất định trên con đường âm nhạc như em Lâm Bích Diệp, sinh viên Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội - Giải Nhì Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh năm 2017; các em Phạm Nhật Lệ và Hạ Băng Tâm, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương... Để tạo sân chơi cho những người đam mê âm nhạc, anh Thành cùng một số hạt nhân yêu nghệ thuật đã thành lập Hội âm nhạc Hải Hậu với 234 nhạc công và gần 30 ca sĩ không chuyên tham gia. Hội được chia thành 4 miền: Thịnh Long, Cồn, Yên Định, Hải Phong và tổ chức sinh hoạt 3 tháng một lần với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Tiết mục “Về miền đất thiêng” do Lâm Bích Diệp, xã Hải Hà biểu diễn đạt giải A tại Hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Hải Hậu năm 2017.
Tiết mục “Về miền đất thiêng” do Lâm Bích Diệp, xã Hải Hà biểu diễn đạt giải A tại Hội diễn văn nghệ quần chúng huyện Hải Hậu năm 2017.

Anh Phạm Thanh Tưởng ở xã Hải Hà là cộng tác viên lâu năm của Trung tâm VH, TT và DL Hải Hậu. Với thế mạnh hát dòng nhạc thính phòng, anh đại diện cho huyện tham gia nhiều liên hoan, hội diễn và đạt kết quả cao; tiêu biểu như: Huy chương Vàng tại Hội diễn văn nghệ quần chúng tỉnh (năm 2011, 2017), Huy chương Vàng Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Công an tỉnh năm 2015. Vừa qua, tại Hội diễn Văn nghệ quần chúng huyện Hải Hậu, Thanh Tưởng đã giành giải A với bài hát “Người là niềm tin tất thắng”. Thời gian gần đây, tuy bận công việc nhưng anh vẫn thu xếp thời gian cùng luyện tập, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về thanh nhạc cho đội văn nghệ xã Hải Hà; qua đó, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của đội văn nghệ xã.

Ông Đinh Thạch Biên, xã Hải Châu là người có công “giữ lửa” nhịp chèo quê hương với 35 năm làm đội trưởng đội chèo. Đến nhà, chúng tôi thấy ông đang say sưa hướng dẫn một số thanh niên cách căng dây đàn nhị cho âm thanh chuẩn khi biểu diễn. Hiện nay, ông Đinh Thạch Biên là người biểu diễn được nhiều điệu chèo cổ và chơi thành thạo các nhạc cụ như sáo, nhị, đàn bầu, đàn nguyệt. Những năm tháng tuổi thơ theo cha là cụ Đinh Văn Tỉnh cùng đội chèo địa phương tập luyện và biểu diễn trong các lễ hội làng đã hun đúc trong ông tình yêu đặc biệt với nghệ thuật chèo. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, 9 năm chiến đấu tại các mặt trận Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Tây Nguyên, ông Biên được coi là “cây văn nghệ” của đơn vị C3, Trung đoàn 49. Sau mỗi trận đánh ác liệt, những phút giải lao, mỗi lần tiếng sáo của ông cất lên, các chiến sĩ trong đơn vị lại được tiếp thêm niềm tin yêu, lạc quan để bền trí đánh giặc. Năm 1976, xuất ngũ trở về địa phương, ông Biên được giao phụ trách Đài truyền thanh của xã, kiêm đội trưởng đội văn nghệ. Niềm say mê với nghệ thuật chèo là động lực khiến ông tận tuỵ tập hợp các nhạc công, tìm kiếm và truyền nghề cho diễn viên trẻ. Để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tuyên truyền, vừa chỉ huy dàn nhạc, ông Biên còn sáng tác gần 30 vở chèo ngắn, hoạt cảnh với nhiều đề tài. Những vở diễn do ông sáng tác phản ánh những vấn đề hiện thực trong đời sống, trong đó xây dựng thành công những gương sáng, nhân tố mới trên các mảng đề tài. Thương binh, liệt sĩ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, công tác dân số - KHHGĐ...

Về xã Hải Thanh, trong không gian tràn ngập tiếng đàn, sáo, ông Nguyễn Văn Tơn (64 tuổi), xóm Nguyễn Chẩm, đang say sưa hướng dẫn các học viên hát các làn điệu chèo cổ. Từ năm 2000, ông đã đứng ra mở lớp với mong muốn thế hệ trẻ có thêm hiểu biết, đam mê gìn giữ những làn điệu dân ca truyền thống. Buổi đầu mở lớp, do ít người biết đến nên các học viên chủ yếu là người trung tuổi ở địa phương. Đến nay, mỗi lớp học của ông thu hút hàng chục người ở đủ lứa tuổi, ngành nghề. Còn ở xóm Nguyễn Hoằng, xã Hải Thanh, lớp học nhạc cụ dân tộc, hát chầu văn do ông Phạm Thanh Hoài (64 tuổi) “đứng lớp” cũng thu hút hàng chục người. Từng là nhạc công Đoàn văn công 351 cùng các đồng đội vượt qua “mưa bom, bão đạn” đem lời ca, tiếng hát để cổ vũ, động viên bộ đội chiến đấu chống kẻ thù, năm 1976, trở về quê hương với tỷ lệ thương tật 46%, ông đã mở lớp dạy đàn, hát dân ca cho những người có niềm đam mê. Đến nay, hàng chục lứa học trò của ông đã trở thành hạt nhân văn nghệ ở các địa phương trong và ngoài huyện.

Đồng chí Đinh Văn Nam, Giám đốc Trung tâm VH, TT và DL Hải Hậu cho biết: Trên địa bàn huyện, còn nhiều hạt nhân văn nghệ có khả năng tập hợp, tổ chức, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, vừa sáng tác kịch bản, đạo diễn và biểu diễn; tiêu biểu như các bác: Hoàng Cần (Hải Phú), Đăng Hoà (Hải Cường), Thanh Hứa (Thị trấn Cồn), Phạm Uy (Hải Trung)… Góp phần làm nên chất lượng của phong trào là các thế hệ diễn viên, nhạc công ở khắp các thôn, xóm. Đây là những “Giọng hát hay, tay đàn giỏi” từng nhiều lần đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật cấp tỉnh và khu vực; tiêu biểu như các “diễn viên không chuyên”: Công Sáu, Anh Hồng, Thu Hương, Huy Công, Thanh Nga, Thế Tài... Hằng năm, Trung tâm VH, TT và DL huyện phối hợp với các đơn vị trong huyện tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, thu hút đông đảo người đam mê nghệ thuật tham gia, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ âm nhạc của người dân.

Những nhân tố tích cực trong phong trào văn nghệ quần chúng ở Hải Hậu đã góp phần duy trì, phát triển các CLB, đội văn nghệ ở đa dạng các loại hình. Qua đó khẳng định cách làm văn nghệ từ “gốc” ở Hải Hậu đã thực sự phát huy tính tích cực trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các hộ dân trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com