Sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng ở Vụ Bản

05:09, 30/09/2017

Vụ Bản là vùng đất cổ, có bề dày truyền thống văn hóa và cách mạng. Bởi vậy trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo, đa dạng hóa hoạt động văn hóa văn nghệ, góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

Toàn huyện hiện có 18 CLB văn nghệ và hàng chục đội văn nghệ ở các xã, thị trấn, mỗi CLB, đội văn nghệ có từ 15-30 thành viên. Nhiều đội văn nghệ hoạt động sôi nổi; tiêu biểu như ở các xã: Hợp Hưng, Kim Thái, Cộng Hòa, Vĩnh Hào, Liên Minh, Minh Tân, Trung Thành. Về thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, chúng tôi chứng kiến các thành viên đội văn nghệ đang luyện tập các tiết mục chuẩn bị cho Tết Trung thu ở NVH thôn. Chị Hoàng Ánh Tuyết đang dàn dựng các tiết mục của đội văn nghệ cho biết: Do tập hợp được những người có năng khiếu về văn nghệ ở nhiều lứa tuổi tham gia, nên đội có thể biểu diễn đa dạng các thể loại từ chèo, nhạc trẻ, nhạc cách mạng đến các vũ điệu... Chị Tuyết là giáo viên dạy nhạc ở Trường THCS Cộng Hòa cùng với chị Nguyễn Thị Lý giáo viên dạy nhạc Trường THCS Trung Thành đã tổ chức nhiều buổi bồi dưỡng kiến thức về nhạc lý cho các thành viên trong đội. Bên cạnh đó NVH thôn Thiện Vịnh vừa được xây mới theo chuẩn NTM với đầy đủ trang thiết bị, sân khấu..., là cơ sở cho đội văn nghệ thôn duy trì luyện tập thường xuyên. Thành lập năm 2010, đội văn nghệ hát quan họ thôn Bối La, xã Cộng Hoà được nhiều người biết đến bởi có nhiều giọng ca trẻ. Anh Thanh Phong, thành viên của đội cho biết: Các thành viên đến với CLB bằng niềm đam mê ca hát. Định kỳ mỗi tháng một lần CLB tổ chức sinh hoạt, thảo luận về kỹ thuật hát nhằm lột tả hết “cái hồn” của quan họ. Bên cạnh đó, đội thường xuyên giao lưu với các CLB văn nghệ trên địa bàn xã vào dịp Tết, lễ hội tại di tích đền thờ Cường Bạo Đại Vương, mừng thọ người cao tuổi. Ở xã Hợp Hưng, để khuyến khích phong trào văn nghệ phát triển, hằng năm, xã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn vào dịp lễ, tết với các chủ đề như: “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương đổi mới”, “Trung thu cho em”… Đến nay cả 14 thôn trong xã đều thành lập đội văn nghệ hoạt động theo phương thức xã hội hóa, biểu diễn phục vụ nhân dân vào các ngày lễ, tết. Các đội, CLB văn nghệ ở xã Hợp Hưng tự sáng tác các tiết mục văn nghệ lấy đề tài từ cuộc sống lao động sản xuất của nhân dân, góp phần tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã. Nhiều thôn trong xã có phong trào văn nghệ phát triển mạnh như: Vụ Nữ, Đồng Lạc, Tiên Chưởng, Nội Chế, Lập Vũ… Thôn Vụ Nữ có đội hát chèo truyền thống. Được sự giúp đỡ về kinh phí của con em xa quê hương, Phòng VH-TT huyện đã mời các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Nam Định về tập huấn nghệ thuật hát chèo cho đội chèo làng Vụ Nữ. Lớp tập huấn đã thu hút 30 học viên là các thành viên trong đội và các hạt nhân năng khiếu về nghệ thuật chèo. Các học viên được các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Nam Định truyền dạy các làn điệu chèo cổ, hát xẩm, hát văn, hoạt cảnh, giá đồng, ca cảnh với nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi quê hương, đất nước, phong trào xây dựng NTM. Qua quá trình tập luyện, đến nay bên cạnh các làn điệu chèo cổ, các thành viên trong đội còn cải biên, sáng tác lời mới cho các làn điệu chèo, dàn dựng các hoạt cảnh chèo phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương, như: “Vui hội làng”, “Mừng quê hương đổi mới”…

Tiết mục hát văn “Mẫu Cửu Trùng Thiên” của đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Vụ Bản giành HCV Liên hoan văn nghệ quần chúng toàn tỉnh năm 2017.
Tiết mục hát văn “Mẫu Cửu Trùng Thiên” của đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Vụ Bản giành HCV Liên hoan văn nghệ quần chúng toàn tỉnh năm 2017.

Huyện Vụ Bản còn lưu giữ nhiều loại hình văn nghệ dân gian như hát văn, hát trống quân, hát dân ca gắn với các di tích, lễ hội. Sức lan tỏa của nghệ thuật hát chầu văn hiện nay là một tín hiệu đáng mừng bởi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Huyện Vụ Bản được coi là một trong những trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ hầu đồng gắn với nghệ thuật hát chầu văn. Từ nhiều năm nay, các làn điệu chầu văn đã được các thế hệ người dân ở vùng đất Phủ Dầy gìn giữ, phát triển. Hằng năm, vào ngày mùng 4-3 âm lịch, hội thi hát chầu văn trong lễ hội Phủ Dầy được tổ chức tại phủ Tiên Hương và phủ Vân Cát. Không gian văn hóa tâm linh đã góp phần đưa vẻ đẹp của hát văn có dịp lan tỏa tới du khách thập phương và đến gần hơn với cộng đồng. Để tổ chức tốt hội thi, Ban tổ chức lễ hội đã xây dựng quy chế thi chặt chẽ, các cung văn dự thi phải hát các bài hát văn cổ, trang phục phù hợp… Ở xã Kim Thái hiện nay vào mỗi dịp lễ hội Phủ Dầy có hàng chục cung văn tham gia hát. Đặc biệt, trước đây ở xã Kim Thái còn có cả một phả hệ cung văn gồm các cung văn Trần Văn Quý, Trần Văn Hỳ, Trần Văn Khắc, Trần Văn Sinh, Trần Văn Tiến, Trần Thị Thái… Nghệ nhân Trần Viết Trường, xã Kim Thái tham gia dạy các lớp hát văn tại phủ Tiên Hương và đến nay ông đã đào tạo được hơn 20 nghệ nhân hát văn trẻ. Ông Trường cho biết: Trong các cuộc thi hát văn ở Phủ Dầy, có tới 60% thí sinh là những người tuổi trẻ và có bài bản về hát văn. Như vậy, hát văn vẫn có nguồn kế cận khá dồi dào để tiếp tục gìn giữ giá trị chuẩn mực trong các buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… Ở xã Thành Lợi, phong trào văn nghệ của xã thể hiện rõ nhất ở lễ hội làng Quả Linh. Bên cạnh các trò chơi truyền thống, suốt những ngày diễn ra lễ hội là các chương trình văn nghệ tại sân khấu nổi ở ao làng do các thành viên CLB văn nghệ người cao tuổi và thanh niên làng Quả Linh biểu diễn như thi thơ, hát trống quân, thi hát văn… Hát trống quân là hình thức hai bên hát đối đáp nhau hoặc hát liên tục một bài ca theo nhịp trống giục và sự hò reo cổ vũ của người dân, ai đối đáp không được hoặc không hát nối tiếp được phải nhường cho người khác vào thay. Hát trống quân không chỉ diễn ra vào dịp lễ hội tháng 3 mà còn vào dịp Tết Trung thu hằng năm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, quyền Giám đốc Trung tâm VH, TT và DL huyện Vụ Bản cho biết: Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển đã góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất và đời sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương. Đến nay, tỷ lệ làng, xóm trong huyện đạt danh hiệu văn hóa chiếm 89,6%, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 82%. Để duy trì và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, thời gian tới, Trung tâm VH, TT và DL huyện Vụ Bản sẽ xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động phù hợp để khuyến khích nhiều người cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy các giá trị văn nghệ truyền thống của địa phương. Thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn nghệ. Quan tâm bồi dưỡng, phát huy vai trò và đóng góp của các CLB văn nghệ, hạt nhân văn nghệ dân gian để phong trào nghệ thuật có sức sống lâu bền trong nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com