Khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Trung thu

05:09, 29/09/2017

Những ngày này, không khí đón Tết Trung thu đang rộn rã ở khắp các địa phương trong tỉnh. Các cơ sở làm bánh, đồ chơi Trung thu truyền thống tăng năng suất lao động để kịp phục vụ khách hàng. Các CLB văn nghệ, đội múa tứ linh hăng say luyện tập các tiết mục để biểu diễn vào đêm hội trăng rằm. Các ngành, các địa phương quan tâm tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần khơi dậy nét đẹp văn hóa của Tết Trung thu truyền thống cho thế hệ trẻ.

Về thăm làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực), chúng tôi cảm nhận Tết Trung thu đã tới rất gần. Ở các cơ sở sản xuất đèn ông sao trong làng, các phương tiện tấp nập vào ra vận chuyển sản phẩm đi khắp các tỉnh, thành phố. Gia đình anh Phạm Văn Việt ở xóm 7 đã gắn bó với nghề làm đèn ông sao gần 30 năm. Trong căn nhà khang trang của anh bừa bộn dây kim tuyến đủ màu, dây sợi, hồ bột, những chiếc đèn ông sao thành phẩm hoặc đang được hoàn thành. Những cụ già mải mê ngồi cắt sợi, chị em tay thoăn thoắt ngồi phết hồ dán, thanh niên thì bốc xếp vận chuyển đèn ông sao cho khách. Nói chuyện với chúng tôi nhưng chuông điện thoại của anh Việt reo liên hồi vì có khách gọi lấy thêm hàng. Anh Việt cho biết, năm nay, gia đình anh dự kiến sẽ “xuất xưởng” 3-4 vạn đèn đến khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Vũ Văn Kháng, xóm 4 chia sẻ: Những năm trước, do thị hiếu của trẻ em thích những đồ chơi hiện đại nên việc tiêu thụ đèn ông sao khó khăn. Năm nay việc tiêu thụ sản phẩm có nhiều tín hiệu khả quan hơn chứng tỏ nhu cầu của thị trường rất lớn. Bởi vậy những gia đình làm nghề không chỉ vui vì bán được sản phẩm mà còn hạnh phúc vì nét văn hóa truyền thống dịp Tết Trung thu vẫn được gìn giữ. Cũng ở làng Báo Đáp, nghề làm trống bỏi đang có dấu hiệu “hồi sinh”. Ông Nguyễn Đức Hưởng sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 đời làm những món đồ chơi truyền thống đã chứng kiến hơn 60 năm thăng trầm của nghề làm trống bỏi. Dịp Trung thu, nhiều thương lái biết đến gia đình ông Hưởng đã về đặt hàng để tiêu thụ ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Với mong muốn duy trì nghề làm trống bỏi, ông đã nhận dạy miễn phí hàng chục người ở khắp các địa phương. Những người tới học đều được ông chỉ bảo tận tình, giúp đỡ cả về nguyên liệu để học và hướng tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm vào dịp Tết Trung thu, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đều mời ông Nguyễn Đức Hưởng trực tiếp hướng dẫn làm trống bỏi cho thiếu nhi. Mỗi dịp lên Thủ đô, ông đều tới các phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Mã, Hàng Giấy… để tìm hiểu thị trường. Hình ảnh những chiếc trống bỏi được bày vào mẹt, người bán vừa quảng cáo “trống bỏi Báo Đáp” vừa quay chiếc trống bỏi trên tay đã thu hút nhiều người đến mua nên những người làm nghề như ông cảm thấy ấm lòng.

Nghệ nhân hướng dẫn học sinh làm đèn ông sao tại Bảo tàng tỉnh.
Nghệ nhân hướng dẫn học sinh làm đèn ông sao tại Bảo tàng tỉnh.

Xã Quang Trung (Vụ Bản) nổi tiếng với nghề làm bánh kẹo truyền thống. Trải qua bao thăng trầm, bánh Trung thu của người dân xã Quang Trung vẫn giữ được hình thức và hương vị truyền thống. Ông Nguyễn Xuân Thu (73 tuổi), người làm bánh lâu năm ở xã Quang Trung cho biết: “Lúc ra khuôn, bánh dẻo hiện rõ những hoa văn chìm nổi, khuôn mặt áo bánh dẻo mịn, bánh ngọt đậm, thơm dịu; cùi bánh nướng phải mịn màng, khi nướng phải bắt màu, họa tiết phải sắc nét; khi ăn phải cảm nhận được vị giòn ở cùi nhưng vẫn thơm ngậy bên trong nhân... đó mới là bánh Trung thu của người dân xã Quang Trung”. Hiện, cả xã có hơn chục nhãn hàng bánh trung thu như: Tiến Thành, Minh Hằng, Ngọc Quang, Hanh Hiền... Các sản phẩm bánh của Quang Trung hiện nay đang được xuất bán trong tỉnh và các tỉnh miền Bắc, miền Trung.

Chuẩn bị cho dịp Tết Trung thu, các đội múa tứ linh, CLB văn nghệ ở các địa phương trong tỉnh tăng cường luyện tập để biểu diễn. Ở xóm Khai Quang, xã Trực Đại (Trực Ninh) nghệ thuật múa lân có từ lâu. Trong những ngày chuẩn bị Tết Trung thu, hơn 40 thành viên của đội duy trì tập luyện tại NVH của xóm vào các buổi tối. Nếu như ở các CLB múa lân chuyên nghiệp, các diễn viên chỉ đóng một vai, thì ở đội múa lân xóm Khai Quang, mỗi thành viên trong đội đều có thể diễn nhiều vai. Ở xóm Bến, xã Thành Lợi (Vụ Bản) vào dịp Tết Trung thu, các bậc cao niên trong làng lại tất bật công việc làm rồng mây. Quy trình làm rồng mây đòi hỏi sự công phu, khéo léo của nghệ nhân từ khâu chọn nguyên liệu đến khi hoàn thành. Ông Vũ Văn Hiền, đội trưởng đội rồng xóm Bến, xã Thành Lợi cho biết: Để hoàn thiện một con rồng mây, phải cần 2 người làm chính và 10 người phụ trong 2 ngày. Rồng mây xóm Bến có độ óng ả, mượt mà màu xanh của lá, nhìn có “hồn” và rất thật. Điều mừng là ở xóm Bến hiện nay vào mỗi dịp Trung thu đều quy tụ đông đảo lớp trẻ phụ giúp và học cách làm rồng… Sau những ngày lao động, người dân nơi đây lại háo hức chờ đợi đến dịp Tết Trung thu để được thưởng ngoạn những màn múa rồng đặc sắc. Các nghệ nhân làm rồng ở xóm Bến đã phát huy nét tài hoa, độc đáo của cha ông, tạo ra những con rồng độc đáo, có giá trị nghệ thuật. Họ không chỉ lưu giữ tinh hoa văn hoá của quê hương mà còn là người truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ở huyện Mỹ Lộc, nhiều địa phương có đội múa tứ linh, trong đó tiêu biểu là xã Mỹ Hưng có 2 đội múa rồng; xã Mỹ Thắng có 3 đội múa lân, sư, rồng; xã Mỹ Phúc có 1 đội múa rồng, xã Mỹ Hà có 1 đội múa sư tử…; mỗi đội có từ 30-50 thành viên. Những ngày này, các đội múa tứ linh ở Mỹ Lộc đang chuẩn bị các trang phục, đạo cụ và hăng say luyện tập các kỹ thuật múa mới để biểu diễn vào Tết Trung thu. Trong đó, đội múa lân làng Mỹ, xã Mỹ Thắng đã thuê thầy dạy múa lân chuyên nghiệp từ tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn các thành viên tập luyện. Hiện nay, đội múa lân làng Mỹ đã múa được các bài như: “Lân chầu”, “Lân sư giao đấu”…

Để khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Trung thu, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa như: Tìm hiểu Tết Trung thu xưa và nay, cắm trại thu, giao lưu văn nghệ… Từ 2 năm nay, tại Bảo tàng tỉnh mỗi dịp Tết Trung thu đều tổ chức các hoạt động tìm hiểu “Trung thu xưa và nay” cho học sinh trên địa bàn thành phố. Tham gia buổi ngoại khóa này, các em được xem triển lãm với nhiều tranh ảnh về các trò chơi dân gian và được các nghệ nhân làng nghề hướng dẫn thực hành làm các sản phẩm Trung thu truyền thống như: Làm bánh dẻo, làm đèn ông sao, trống ếch, trống bỏi, nặn tò he… Hoạt động vui Tết Trung thu nhằm khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc cũng được tổ chức tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Tham gia vào “Lễ hội trăng rằm” tại trường, các em được cùng bạn bè cắm trại, bày mâm ngũ quả, chơi các trò chơi như múa sư tử, rước đèn ông sao và đèn kéo quân, chơi đố vui có thưởng với chú Cuội và chị Hằng…

Tết Trung thu là dịp khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống thông qua các món đồ chơi như đèn lồng, trống bỏi, bánh nướng, bánh dẻo... Các hoạt động vui chơi được tổ chức đa dạng, kế thừa những tinh hoa của Tết Trung thu truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com