Giá trị lịch sử và văn hoá của các sắc phong lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh

08:01, 20/01/2017

Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu trữ và bảo quản nguồn tư liệu Hán - Nôm phong phú, gồm nhiều loại hình như thần tích, sắc phong, địa bạ, gia phả, văn bia, văn chuông, hoành phi, câu đối… Trong đó tiêu biểu là hơn 30 đạo sắc phong thuộc niên đại các thời Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Các sắc phong ở Bảo tàng tỉnh đã góp phần bổ sung tư liệu về tên, tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử và là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian.

Đạo sắc phong là một loại văn bản pháp quy chính thống của Nhà nước phong kiến được xác nhận bằng ấn triện của nhà vua. Về cơ bản, sắc phong gồm hai loại: Sắc phong chức tước dùng để phong cấp, tưởng thưởng chức tước cho các công thần và sắc phong thần cho các thần linh hoặc những bậc hiển thánh được thờ cúng trong đình, đền, miếu, từ đường... Về hình thức, các sắc phong được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh in đậm dấu ấn tạo hình của thời kỳ lịch sử tương ứng. Có sắc phong trang trí với viền là các hình hoa chanh, tay leo, hồi văn chữ vạn, quy bối (mai rùa), kỷ hà (hình học), hình linh thú… Có những sắc phong không trang trí hoa văn mà chỉ có chữ viết cùng ấn triện được đóng bằng son. Đặc biệt, hình rồng chủ đạo trên nền các sắc phong mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của từng thời kỳ, với các cách thể hiện khác nhau như: long vân, long cuốn thuỷ, long cuốn hoả chầu...

Bảo quản các sắc phong tại Bảo tàng tỉnh.
Bảo quản các sắc phong tại Bảo tàng tỉnh.

Ở mỗi triều đại các sắc phong cũng khác nhau về kiểu chữ. Sắc phong thời Lê thường có chữ mềm mại theo các kỹ thuật của thư pháp; sắc phong thời Nguyễn thường chữ nhỏ hơn, nét bút cứng hơn… Một số sắc phong tiêu biểu được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh như: Sắc phong niên hiệu Đức Long 4 (1632) và các sắc phong cho 9 vị vua Trần có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6. Sắc phong niên hiệu Đức Long 4 (1632) do ông Bùi Văn Quang, thôn Nhì Giáp, xã Liên Minh (Vụ Bản) hiến tặng Bảo tàng tỉnh năm 2011 có đặc điểm hình chữ nhật, kích thước 133cmx46,2cm, giấy dó màu nhạt, vẽ trang trí hình rồng, mây, hoa văn chấm phủ nhũ bạc. Mặt sắc phong vẽ hình rồng ẩn trong mây kết hợp với hoa văn chấm. Đầu rồng ngoảnh về phía sau chầu chữ Thọ, có 3 đao hỏa nhọn, miệng ngậm châu long được vẽ cách điệu. Thân rồng uốn lượn, các vẩy được vẽ bằng các nét chấm, đuôi thon nhọn, có 5 móng. Sắc phong có 11 dòng chữ Hán, nét chữ to, rõ nét, đường nét mềm mại mang đặc trưng của thư pháp thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là một trong những sắc phong có niên đại sớm so với những sắc phong khác trên địa bàn tỉnh. Nội dung của sắc phong phong thêm 4 mỹ tự “Dục Đức Mậu công” cho Chương Khánh Công (Huy Gia Diên Ý Tuy Phúc Hoằng Hưu Diễn Khánh Dục Đức Mậu công Dụ Vương). Qua nghiên cứu nội dung sắc phong đã bổ sung một số luận điểm lịch sử về việc Chương Khánh Công là người giúp nhà Lê khôi phục hoặc có quan hệ họ hàng thân thích với vua Lê, được phong tước cao từ chức Công lên chức Vương. Các sắc phong cho 9 vua Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Thuận Tông) hiện lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh đã nêu rõ công lao, đức độ của các vị vua với dân với nước. Sắc phong Vua Trần Thái Tông có đặc điểm sắc giấy màu vàng trang trí hoa văn hình rồng lớn ẩn trong mây xen kẽ các hoa văn chấm; có 13 dòng với 153 chữ, kích thước chữ tương đối lớn theo kiểu nghệ thuật thư pháp. Dấu triện đỏ “Sắc mệnh chi bảo” nằm trên dòng ghi niên đại của sắc phong. Nội dung của sắc phong phong cho Thái Tông Hoàng đế là vị Hoàng đế văn võ toàn tài, lòng nhân sáng tỏ, đức nghĩa rạng ngời, ban huệ cho dân, rạng ngời tài trí; trước nối nghiệp cha ông, sau rộng ơn ban khắp, dựng xây cơ nghiệp, nhân đức thấm nhuần, thịnh trị dài lâu, lộc ân ban phát, giúp đời, giúp nước… Ban cho vương vị; vị quân vương nối ngôi phong cho vương vị (cho thần); lập thờ tại chính điện để vương phò giúp xã tắc… Qua nội dung sắc phong đã góp phần bổ sung tư liệu trung thực về tên, tuổi và công lao của vị vua đầu tiên nhà Trần. Vua Trần Thái Tông, tên thật là Trần Cảnh. Sau khi lên ngôi vua, ông đã có những đóng góp nổi bật mang nhiều ý nghĩa lịch sử trong việc củng cố chế độ trung ương tập quyền. Về lĩnh vực kinh tế, sản xuất nông nghiệp được mở rộng, công việc khai khẩn, đắp đê được quan tâm. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, quân dân Đại Việt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trần Thái Tông đã giành chiến thắng vang dội, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quật cường của dân tộc, đứng lên đồng lòng đoàn kết, đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc. Năm 2009, Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh bàn giao cho Bảo tàng tỉnh 1 đạo sắc phong cho Vua Trần Nhân Tông có niên đại ngày 10 tháng 8 niên hiệu Vĩnh Thịnh 6 (1710). Sắc phong có đặc điểm giấy dó màu trắng, mặt sau giấy dó màu vàng. Mặt trước vẽ rồng, đao mác lá hỏa, hoa văn chấm, có 18 dòng chữ Hán, nét viết to đậm rõ ràng, chữ “sắc” nằm trên hoa văn chấm. Dấu “Sắc mệnh chi bảo” mực đỏ, kiểu chữ Triện, nét khắc nhỏ tinh tế. Mặt sau sắc phong để trơn, phần bên phải có dòng chữ nhỏ “Mỹ Lộc, huyện Tức Mặc, xã Thượng Đẳng”, phía dưới dòng chữ trên có 3 chữ Hán viết tay vào giai đoạn sau: “Sắc Nhân Tông”, phía dưới là chữ “Tam”. Sắc phong cho đức Vua Trần Nhân Tông có nhiều mỹ tự đẹp như: Huyền vi tinh tế, là vị thần tiên, còn ban điều phúc, mọi sự tốt lành, cứu giúp muôn dân, trấn yên cơ nghiệp, sáng suốt quả cảm, giáo hóa rộng khắp… Nội dung sắc phong đã giúp các nhà nghiên cứu lịch sử có thêm nguồn tư liệu để khẳng định: Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, có công trong sự nghiệp trấn hưng đất nước, góp phần quan trọng vào việc lãnh đạo dân tộc trong hai lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông; là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm.

Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Sắc phong là một loại hình di sản văn hóa, là nguồn tài liệu quý hiếm có giá trị về nhiều mặt. Để gìn giữ và phát huy giá trị các sắc phong cổ, nhiều năm nay Bảo tàng tỉnh đã làm tốt công tác nghiên cứu sưu tầm, bảo quản, trưng bày phát huy giá trị các sắc phong. Các sắc phong sau khi được Bảo tàng tỉnh tiếp nhận đều được tư liệu hóa, dịch thuật, phiên âm và bảo quản theo các quy trình nghiêm ngặt. Với các sắc phong có dấu hiệu mục, rách, cán bộ Bảo tàng có chuyên môn nghiệp vụ sẽ tiến hành các khâu xử lý ẩm mốc, bồi dán, bọc giấy chuyên dùng để bảo vệ sắc phong. Để phát huy giá trị các sắc phong, vào dịp đầu xuân hằng năm, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Hội Cổ vật Thiên Trường tổ chức triển lãm trưng bày cổ vật, trong đó có các sắc phong ở Bảo tàng tỉnh./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com