Xuân Trường phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở

07:06, 04/06/2016
Thực hiện công cuộc xây dựng NTM, các xã, thị trấn của huyện Xuân Trường đã tập trung các nguồn lực, đặc biệt là huy động sự đóng góp của nhân dân trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở như: NVH, sân thể thao, thư viện, bảo tàng được các địa phương quan tâm cải tạo, xây dựng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
 
Quán triệt các văn bản chỉ đạo và thực hiện Đề án “Phát triển văn hoá nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” từ huyện đến các xã, thị trấn trong huyện được kiện toàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp xây dựng và phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở. Trong 5 năm qua, nhân dân các thôn, xóm đã ủng hộ hàng chục tỷ đồng, hiến hàng nghìn m 2 đất để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa. Cùng với nguồn kinh phí xã hội hoá, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các thôn, xóm, TDP xây dựng NVH, phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT ở địa phương với mức từ 10-30 triệu đồng/NVH. Đến nay, cả 20 NVH xã, thị trấn trong huyện đã được xây dựng; 10/20 xã, thị trấn có sân vận động, khu thể thao trung tâm xã; 241/312 thôn, xóm, TDP có NVH đạt chuẩn NTM (trong đó có 83 NVH được xây mới). Ngoài ra, cả 20 xã, thị trấn trong huyện đều có bưu điện văn hóa xã là điểm giao dịch thông tin liên lạc, tham khảo các loại sách báo của nhân dân; 100% các trường từ tiểu học trở lên có thư viện trường học. Hệ thống thư viện huyện, tủ sách pháp luật các xã, thị trấn, tủ sách NVH các thôn, xóm, TDP được quan tâm đầu tư kinh phí để bổ sung các đầu sách, báo, tạp chí và hoạt động nền nếp phục vụ nhu cầu đọc, nghiên cứu của cán bộ và nhân dân. Nhiều NVH xóm như: NVH làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng; NVH xóm Đông Thịnh, xã Xuân Ninh; NVH TDP số 5, Thị trấn Xuân Trường; NVH xóm 2, xã Xuân Hoà; NVH xóm 13, xã Xuân Kiên; NVH xóm 2, xã Xuân Tiến; NVH xóm 11, xã Thọ Nghiệp; NVH xóm 4, xã Xuân Phương... được trang bị tủ sách có từ 100-200 đầu sách, tạp chí… Hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở Xuân Trường được xây dựng đồng bộ đã tạo điều kiện để phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT quần chúng ở các xã, thị trấn trong huyện phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hàng trăm tổ, đội, CLB văn nghệ quần chúng ở các xã, thị trấn; mỗi tổ, đội, CLB văn nghệ có từ 15-30 người, gồm các nhạc công, diễn viên không chuyên là hạt nhân văn nghệ ở địa phương hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí, mua sắm trang thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn. Các thành viên trong tổ, tốp, CLB văn nghệ quần chúng ở huyện đều có khả năng sáng tác, dàn dựng những kịch mục, tiểu phẩm sân khấu ngắn, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, thưởng thức văn hóa văn nghệ của nhân dân. Hằng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Xuân Trường được tổ chức với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nhạc công của các xã, thị trấn và cơ quan trong huyện. Xã Xuân Ninh là địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh. Tiêu biểu như: CLB chèo Hưng Nhân, CLB văn nghệ Nghĩa Xá, đội văn nghệ xung kích, đội chơi nhạc cụ dân tộc Lạc Quần và 33 tổ, tốp văn nghệ ở các xóm… Các CLB văn nghệ của xã đều xây dựng quy chế hoạt động, tự mua sắm trang phục và các trang thiết bị cần thiết để hoạt động, biểu diễn phục vụ nhân dân vào các ngày lễ, tết, các dịp kỷ niệm lớn của đất nước. CLB chèo xã Xuân Châu có 30 thành viên đã xây dựng được nhiều chương trình biểu diễn gồm các tiết mục hát chèo, hát chầu văn..., nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm. Bên cạnh đó, CLB thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn về hát chèo cho thanh, thiếu niên trong xã. CLB sinh hoạt định kỳ vào chiều thứ 7 hằng tuần, cùng nhau sáng tác, dàn dựng các tiết mục hoạt cảnh sân khấu và các ca khúc mới có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, ca ngợi những điển hình tiên tiến trong công cuộc đổi mới đất nước. CLB hát văn Hành Thiện, xã Xuân Hồng hiện có hơn 50 hội viên là những người hát văn, chơi đàn và những người yêu thích nghệ thuật hát văn. CLB là nơi những người đam mê nghệ thuật hát văn cùng trao đổi, nghiên cứu, sưu tầm các lời điệu hát văn cổ; đào tạo và truyền dạy, đồng thời quảng bá, giới thiệu nghệ thuật hát văn tới công chúng. Phong trào văn nghệ quần chúng ở Xuân Trường phát triển, đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân; đồng thời phát huy hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nhà văn hoá xóm 9, xã Xuân Đài.
Nhà văn hoá xóm 9, xã Xuân Đài.
Cùng với việc đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở như: NVH, sân thể thao, thư viện, bảo tàng…, các cấp uỷ Đảng, chính quyền huyện Xuân Trường còn quan tâm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống tại các thiết chế văn hoá cổ ở mỗi địa phương như: đình, đền, chùa, từ đường… Toàn huyện có hơn 100 đền, chùa; 800 từ đường, trong đó, có 33 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước công nhận xếp hạng; trong đó có 10 di tích cấp quốc gia, 23 di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu như: Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng); Đền Xuân Bảng (Xuân Hùng); Chùa Xuân Trung (Xuân Trung); Đền An Cư (Xuân Vinh); Đền, chùa Thọ Vực (Xuân Phong); Đền, chùa Kiên Lao (Xuân Kiên)… Thời gian qua, các địa phương trong huyện đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá với kinh phí hàng trăm tỷ đồng; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm. Hằng năm, lễ hội tại các di tích được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống, thực hiện đúng Quy chế tổ chức lễ hội. Trong các lễ hội, ngoài phần lễ với các nghi thức tế, rước là phần hội với các trò chơi dân gian độc đáo. Nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống được bảo tồn, phát huy như: thi bơi chải đứng, chơi cờ người, tổ tôm điếm, thổi cơm thi trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng; rước, tế, đấu vật trong lễ hội Đền Xuân Bảng, xã Xuân Hùng; thi làm cỗ, đánh cờ, tổ tôm điếm trong lễ hội Đền Xuân Hy, xã Xuân Thủy; bơi chải cạn, múa rối nước trong lễ hội Chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh; thi đấu vật, bơi chải, côn quyền, múa kiếm trong lễ hội đền An Cư, xã Xuân Vinh; cúng lợn ỉ, bánh dầy, đi cà kheo, múa sư tử trong lễ hội Đền và Chùa Kiên Lao, xã Xuân Kiên; đấu vật, leo cầu ngô, bắt vịt, thi làm cỗ, hát chèo trong lễ hội Đền và Chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong; rước kiệu, múa sư tử, bơi chải, đánh cờ, tổ tôm điếm trong lễ hội Đền và Chùa An Đạo; lễ hội Đền Liêu Đông, xã Xuân Tân; chạy địch thủy - địch hỏa, thi làm cỗ, làm bánh, đu tiên trong lễ hội Đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng… Công tác bảo tồn, khai thác giá trị các di sản văn hóa dân gian ở Xuân Trường đang được thực hiện rất tích cực, góp phần vào việc phát huy bản sắc dân tộc và những bài học về lịch sử, truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông.
 
Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Xuân Trường tiếp tục chăm lo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, dịch vụ văn hóa công cộng để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở về công tác xây dựng đời sống văn hóa; gắn việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020. Các địa phương có di tích lịch sử - văn hóa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hoá nhằm nâng cao ý thức của toàn dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa; tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com