Phát huy vai trò của bảo tàng, nhà truyền thống trong giáo dục thế hệ trẻ

09:05, 13/05/2016

Đến Bảo tàng tỉnh vào những ngày này, chúng tôi được chứng kiến buổi tham quan, giáo dục truyền thống của thầy và trò Trường THCS Quang Trung (TP Nam Định). Dưới sự hướng dẫn, thuyết minh của cán bộ Bảo tàng tỉnh, các em học sinh chăm chú lắng nghe về lịch sử - văn hóa cách mạng của tỉnh qua các giai đoạn; tìm hiểu về  tín ngưỡng thờ Mẫu - loại hình Di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng ở tỉnh; các tác phẩm điêu khắc đá phản ánh nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt có niên đại từ thế kỷ XIII-XX… Kết thúc buổi tham quan, các em học sinh tham gia thi tìm hiểu kiến thức lịch sử trên màn hình chiếu, tìm hiểu nghệ thuật viết thư pháp, các trò chơi dân gian truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ như: kéo co, chơi ô ăn quan, bịt mắt đánh trống…

Học sinh Trường THCS Quang Trung (TP Nam Định) tìm hiểu nghệ thuật viết thư pháp tại Bảo tàng tỉnh.
Học sinh Trường THCS Quang Trung (TP Nam Định) tìm hiểu nghệ thuật viết thư pháp tại Bảo tàng tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 bảo tàng công lập, 2 bảo tàng được thành lập theo hình thức xã hội hóa và trên 50 nhà truyền thống của các địa phương, ngành, trường học. Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, NVH, CLB”, thời gian qua công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử thông qua hoạt động của hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống ở tỉnh ta bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH, TT và DL, Sở GD và ĐT xây dựng kế hoạch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tổ chức các hoạt động tham quan, học tập cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống và các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo, Bảo tàng tỉnh đã đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm tạo dấu ấn và thu hút khách tham quan như: thành lập tổ giáo dục, đầu tư phương tiện, trang thiết bị, mi-crô, loa, màn chiếu, phương tiện phục vụ các đoàn học sinh các trường học trên địa bàn thành phố đến tham quan, tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, cách mạng của quê hương. Trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có gần 10 nghìn lượt khách tham quan bao gồm các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đó có hơn 6.000 học sinh, sinh viên của 20 cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Nam Định đến tham quan Bảo tàng tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Thực hiện đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, NVH, CLB”, đã có nhiều trường ở các cấp học đăng ký các chương trình hoạt động ngoại khóa cho học sinh tại bảo tàng như tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, múa rối nước, thi cắm hoa, cắm trại; hướng dẫn học sinh tham quan, học tập các nội dung trưng bày về lịch sử xã hội tỉnh Nam Định với các chủ đề: “Nam Định - Mảnh đất ghi đậm dấu ấn người Việt cổ”, “Văn hóa thời Lý trên đất Nam Định”, “Hành cung Thiên Trường qua hệ thống di sản văn hóa thời Trần”, “Sưu tập hiện vật thời Lê, Nguyễn”, “Dấu ấn Thành Nam xưa”, “Nhà máy Dệt Nam Định”, “Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”… Ngoài các hoạt động tại chỗ, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh đến tham quan các nhà truyền thống, nhà lưu niệm, khu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh để giúp học sinh có cái nhìn tổng thể, sâu sắc hơn về những giá trị lịch sử - văn hóa quê hương. Với Bảo tàng tỉnh, đối tượng phục vụ trong Đề án không chỉ dừng lại ở học sinh mà hướng đến tất cả các tầng lớp nhân dân góp phần phát triển du lịch, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ và gìn giữ những giá trị di sản văn hóa. Để phát huy hiệu quả của hệ thống nhà bảo tàng, nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh, Bảo tàng tỉnh hỗ trợ về nhân lực, phương pháp thiết kế, tổ chức trưng bày, bàn giao hướng dẫn thuyết minh cho các bảo tàng cấp huyện và nhà truyền thống, nhà lưu niệm các ngành, các địa phương trong tỉnh như: Bảo tàng huyện Ý Yên, Bảo tàng huyện Hải Hậu, Nhà tưởng niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Nhà truyền thống Bộ CHQS tỉnh. Ngoài ra còn có hệ thống nhà truyền thống cấp xã như: nhà truyền thống xã Hải Trung, Hải Anh, Hải Phú, Hải Minh (Hải Hậu); xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng); xã Đồng Sơn (Nam Trực); xã Trực Đại (Trực Ninh); xã Liên Minh (Vụ Bản)… Bảo tàng huyện Ý Yên trung bình mỗi tháng thu hút khoảng 500 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, học tập nghiên cứu. Bảo tàng được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2005, có diện tích 500m2 với trên 200 hiện vật được trưng bày.

Các em học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Sơn (TP Nam Định) tham quan tại Bảo tàng tỉnh.
Các em học sinh Trường Tiểu học Lê Hồng Sơn (TP Nam Định) tham quan tại Bảo tàng tỉnh.

Để tăng số lượng hiện vật phục vụ khách tham quan, bảo tàng đã huy động các xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hiến tặng các hiện vật có giá trị lịch sử - văn hoá, xã hội như: Mũi tên đồng thời nhà Lê được khai quật ở quần thể di tích làng Ngô Xá, xã Yên Lợi; tượng Phật A Di Đà thời Lý được phục chế và bệ sen thời Trần... Từ năm 2013 đến nay, huyện tiếp tục đầu tư nâng cấp bảo tàng với kinh phí trên 3 tỷ đồng để phục vụ nhân dân tới tham quan, tìm hiểu. Ở huyện Hải Hậu, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng VH-TT phối hợp với Phòng GD và ĐT tổ chức cho học sinh tham quan, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng huyện và các nhà lưu niệm, nhà truyền thống tại các xã, thị trấn. Ban giám hiệu các nhà trường xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên quản lý, hướng dẫn học sinh tham quan. Ngoài Bảo tàng huyện, nhiều nhà truyền thống còn thu hút đông đảo học sinh, nhân dân đến tham quan như: nhà truyền thống các xã Hải Trung, Hải Anh… Nhà truyền thống xã Hải Trung có nội dung trưng bày ngoài bố cục truyền thống gồm 3 phần: giới thiệu về cảnh quan, địa lý, thổ nhưỡng, lịch sử trước cách mạng, lịch sử cách mạng, nhà truyền thống còn nêu bật những sự kiện tiêu biểu, những nét văn hoá đặc sắc của địa phương. Hằng năm vào các dịp lễ, các ngày kỷ niệm truyền thống của đất nước, địa phương, tại nhà truyền thống xã thường tổ chức các hoạt động như: kể chuyện truyền thống, nói chuyện chuyên đề về lịch sử Đảng bộ xã cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và học sinh do cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, giáo viên hoặc những người am hiểu về lịch sử - văn hoá của xã đảm nhiệm. Nhà truyền thống Hải Anh được bố trí tại 3 gian tiền đường của đền thờ thuỷ tổ, bên trong là cung thờ, bên ngoài là nơi trưng bày trên 400 hiện vật. Hằng năm, người Quần Anh đi làm ăn, sinh sống ở khắp nơi về lễ tổ, dự hội, lễ Tết đều được tham quan, giới thiệu về lịch sử, truyền thống của quê hương. Điều đáng mừng là thời gian qua, các bảo tàng tư nhân như: Bảo tàng đồng quê của bà Ngô Thị Khiếu, xã Giao Thịnh (Giao Thủy), Bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông Vũ Đình Lưu (TP Nam Định) đều được người dân xây dựng bằng nhiều tâm huyết và hoạt động khá hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân địa phương, du khách thập phương và các em học sinh, sinh viên.

Trải nghiệm thực tế tại các bảo tàng, nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh đang là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần rèn luyện kỹ năng sống, bổ sung kiến thức lịch sử hỗ trợ các bài lý thuyết trên sách vở, thông qua đó, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, hình thành những công dân ưu tú của tương lai./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com