Những di tích thờ danh nhân văn hóa ở Ý Yên

09:05, 06/05/2016
Là vùng đất giàu truyền thống hiếu học, huyện Ý Yên có 7 vị Hoàng giáp với các “làng khoa bảng” như Tam Đăng (xã Yên Thắng), La Ngạn (xã Yên Đồng), Thượng Đồng (xã Yên Tiến)… Để tưởng nhớ và vinh danh công lao các bậc hiền tài, đỗ đạt cao, có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước, nhân dân và con cháu các bậc đại khoa đã dựng từ đường, đình, đền thờ phụng. Trong số 36 di tích lịch sử - văn hóa của huyện đã được Nhà nước xếp hạng bảo vệ, tôn tạo, có nhiều di tích thờ các danh nhân văn hóa của quê hương, tiêu biểu như: Đền Phạm Xá (xã Yên Nhân), từ đường Phạm Văn Nghị (xã Yên Thắng), từ đường Khiếu Năng Tĩnh (xã Yên Cường), từ đường họ Lã (xã Yên Tiến)…
Từ đường thờ Phạm Văn Nghị, thôn Tam Quang, xã Yên Thắng được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 1996.
Từ đường thờ Phạm Văn Nghị, thôn Tam Quang, xã Yên Thắng được công nhận là di tích cấp tỉnh năm 1996.
Đến thăm từ đường thờ Phạm Văn Nghị, thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, chúng tôi được nghe cụ Phạm Văn Đản (90 tuổi) là hậu duệ đời thứ 22 của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị kể chuyện về tinh thần ham học của ông. Hoàng giáp Phạm Văn Nghị sinh năm 1805, quê ở xã Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng). Là con của một cụ đồ nghèo, nhưng nhờ chăm chỉ học, nên ông lần lượt đỗ Tú tài (1826), Cử nhân (1837) và Hoàng giáp (1838), nên được người đời gọi là Hoàng giáp Tam Đăng. Sau khi đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ, ông từng giữ các chức: Tu soạn Hàn Lâm, rồi được bổ nhiệm làm Tri phủ, đốc học tỉnh Nam Định, làm quan ở Quốc sử triều đình Huế, rồi giữ chức Thượng biện Hải Phòng. Trong thời gian làm quan, ông vẫn vừa học vừa đào tạo nhân tài cho đất nước. Học trò của ông nhiều người đỗ đạt cao như: Tam nguyên Trần Bích San, Tam nguyên Nguyễn Khuyến, Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi… Được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền, con cháu dòng họ đã nhiều lần phát tâm công đức trùng tu tôn tạo nhằm gìn giữ giá trị kiến trúc gốc của từ đường. Từ đường hiện có 2 tòa làm theo kiểu chữ “Đinh”. Tiền đường 3 gian, hậu cung 1 gian kiến trúc theo phong cách truyền thống của dân tộc. Ngoài các đại tự, bài phú, tại di tích còn lưu giữ 3 mỏm đá cảnh được tạo thành thế “tam sơn”, là di vật của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Từ đường Khiếu Năng Tĩnh, xã Yên Cường thờ Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh. Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh là một học giả uyên thâm, một nhà giáo lỗi lạc làm tới chức quan Tế tửu Quốc tử giám. Tên tuổi của ông gắn liền với tác phẩm “Tân biên Nam Định tỉnh dư địa chí lược” được đánh giá cao về mặt lịch sử và khoa học. Sau khi Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh qua đời (1915), con cháu dòng họ và học trò đã tu sửa ngôi nhà của ông thành nơi thờ tự. Đến nay, con cháu dòng họ Khiếu đã 5 lần tu sửa, tôn tạo, đảm bảo nguyên trạng kiến trúc công trình. Từ đường Khiếu Năng Tĩnh có 2 tòa, gồm tiền đường 3 gian và hậu cung 1 gian. Cách nhà thờ khoảng 1km về phía bắc là khu lăng mộ của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, cạnh mộ có dựng tấm bia đá ghi “Tiến sĩ tham tri Khiếu tiên chi mộ”. Được sự quan tâm của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và con cháu dòng họ, khu lăng mộ Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh đã được mở rộng, làm đường vào lăng mộ khang trang. Từ đường họ Lã, xã Yên Tiến thờ cụ Phó bảng Lã Xuân Oai và các vị tổ của dòng họ. Phó bảng Lã Xuân Oai là người có công trong việc tổ chức khai khẩn lập nên tổng Tam Đồng tại vùng đất Nho Quan (Ninh Bình) và là một sĩ phu yêu nước theo phái chủ chiến, chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và sự nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn. Từ đường họ Lã gồm 3 gian chính và 3 gian nhà khách được làm từ đầu thế kỷ XX, có tứ trụ, mê cốn, lợp ngói nam, có bờ bảng, đấu nóc kiểu truyền thống. Từ đường hiện còn một đại tự khắc gỗ, sơn son thếp vàng với 4 chữ “Lã thị từ đường” là hiện vật kỷ niệm lúc sinh thời Lã Xuân Oai đã kính cẩn khắc. Đôi câu đối sơn son từ thế kỷ XIX có nội dung ca ngợi công đức, nền nếp của tông tộc dòng họ Lã ở địa phương. Hai bài chế của Vua Tự Đức ban khen với nội dung: “Biết mưu toan, biết hành sự, biết giữ gìn việc chính trị thật nên khen ngợi. Sự trong sáng, sự cẩn trọng, sự siêng năng đáng bậc quang sang”. Đền Phạm Xá, xã Yên Nhân là nơi thờ hai vị đại khoa là những người con quê hương là Phạm Đạo Phú và Phạm Đạo Bảo. Tiến sĩ Phạm Đạo Bảo sinh năm 1456, đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) đời Vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Phó đô Ngự sử và được cử đi trấn thủ Nghệ An. Tiến sĩ Phạm Đạo Phú sinh năm 1463, đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức 21 (1490). Phạm Đạo Phú là thành viên hội Tao Đàn nhị thập bát tú (Hội thơ do Vua Lê Thánh Tông sáng lập). Năm 1495 Phạm Đạo Phú được tham gia Hàn lâm viện với chức: Hàn lâm viện Kiểm thảo, sau ông được thăng tới chức Hình bộ tả Thị lang. Sau khi ông mất Vua Lê Thế Tông (1573-1599) truy tặng hàm: Tham tri, ban cho là Trung ý Trung đẳng thần. Theo truyền thuyết của địa phương, sau khi Tiến sĩ Phạm Đạo Phú, Phạm Đạo Bảo qua đời, năm 1592 nhân dân xã Phạm Xá đã lập đền thờ hai ông cùng với tổ họ Phạm tại gò Dủ Giải thuộc cánh đồng cát phía bắc làng Phạm Xá. Đến thời Nguyễn, nhân dân địa phương đã chuyển ngôi đền về vị trí hiện nay. Đời Vua Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), dưới sự chỉ đạo của tri phủ Nghĩa Hưng, ngôi đền đã được đại trùng tu theo kiểu tiền đao hậu đốc, gồm tiền đường 3 gian, trung đường 2 gian và hậu cung 1 gian, bộ khung bằng đá xanh kết hợp với gỗ lim, mái lợp ngói nam. Trải qua thời gian, phong cách kiến trúc đó vẫn được nhân dân gìn giữ cho đến ngày nay. Thời gian qua, các địa phương, dòng họ có di tích thờ danh nhân văn hóa quê hương đã phát huy giá trị di tích góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Mặc dù là từ đường dòng họ nhưng vào những ngày lễ lớn của dân tộc, hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã Yên Thắng thường tổ chức dâng hương, giáo dục truyền thống tại từ đường Phạm Văn Nghị. Tại từ đường Khiếu Năng Tĩnh, hằng năm diễn ra lễ kỵ vào ngày mùng 6 tháng tư âm lịch. Trong ngày này, con cháu sau khi dâng hương ai có thành tích học tập xuất sắc sẽ được vinh danh tại di tích; qua đó, phát động khuyến khích phong trào khuyến học, khuyến tài. Tại di tích lịch sử quốc gia Đền Phạm Xá, xã Yên Nhân, Trường THCS Yên Nhân thường xuyên có các hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích, thân thế sự nghiệp của hai vị đại khoa Phạm Đạo Phú và Phạm Đạo Bảo.
 
Việc quan tâm bảo tồn phát huy giá trị các di tích thờ danh nhân ở Ý Yên đã góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, hiếu học của quê hương, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ quyết tâm học tập xây dựng quê hương giàu đẹp./.
 
Bài và ảnh:  Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com