Trực Ninh huy động các nguồn lực bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa

07:04, 23/04/2016
Trên địa bàn huyện Trực Ninh có 33 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh, tiêu biểu như: Chùa Cổ Lễ (Thị trấn Cổ Lễ), Đền - Chùa Cự Trữ, Đền - Chùa Cổ Chất (xã Phương Định), Ba đồn binh thời Trần (xã Trung Đông), Chùa Ninh Cường (xã Trực Cường)... Những năm qua, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Nhiều di tích có nguy cơ xuống cấp đã được bảo tồn, tôn tạo đúng nguyên trạng, phát huy giá trị giáo dục lịch sử - văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân.
Chùa Lương Hàn, xóm Đông 2, xã Việt Hùng được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1998.
Chùa Lương Hàn, xóm Đông 2, xã Việt Hùng được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1998.
Được sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng VH-TT huyện phối hợp với Huyện Đoàn, Phòng GD và ĐT… triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Hằng tháng, các trường tiểu học và THCS ở các xã, thị trấn có di tích phân công học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về di tích nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương. Hội Sinh vật cảnh các xã, thị trấn đảm nhận trồng và chăm sóc, bảo vệ cây xanh tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa. Hằng năm, các xã, thị trấn đều kiện toàn ban quản lý di tích, lập kế hoạch bảo vệ và quản lý những cổ vật, di sản gắn với di tích đồng thời đề ra các giải pháp thúc đẩy công tác xã hội hóa, khuyến khích các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để tu bổ di tích. Với các di tích là chùa, thực hiện phong trào “Ba an toàn” về ANTT, Ban đại diện Phật giáo huyện đã vận động tăng ni, tín đồ phật tử tăng cường đầu tư các thiết bị bảo vệ an toàn tài sản ở các chùa như: khóa chống trộm, lắp đặt máy báo động, camera... Đặc biệt, các chùa đã có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đồ thờ tự, vật thể quý hiếm như đăng ký với cơ quan pháp luật và phân công người trông coi, bảo vệ. Nhiều xã như: Trực Nội, Trung Đông, Liêm Hải, Trực Cường, Trực Tuấn, Trực Thuận, Việt Hùng… đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc. Xã Trực Tuấn hiện có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gồm: Đền - Chùa Nam Lạng, thôn Nam Lạng và Từ đường họ Ninh, thôn Văn Lãng. Đền - Chùa Nam Lạng đã được trùng tu khuôn viên với kinh phí hàng trăm triệu đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Đền hiện vẫn giữ kiến trúc kiểu chữ Nhị, gồm tiền đường 5 gian, chính tẩm 3 gian. Hệ thống 4 cột đá ở phía tường sau được chạm trổ công phu, phía trên chạm nổi hình rùa, ly đang tư thế chạy, chính giữa chạm rồng bay, phượng múa, nét chạm tinh xảo, uyển chuyển. Trên thành máng đá chạm rồng chầu mặt nguyệt. Xã Trực Cường có 17 ngôi miếu thờ thành hoàng, 1 di tích lịch sử cấp quốc gia là Đền - Chùa Phúc Ninh. Hằng năm, xã đều tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của di tích, từ đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương. Đến nay, Đền - Chùa Phúc Ninh đã được xây dựng mới nhà khách, đường vào di tích và các công trình phụ trợ với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng do nhân dân và khách thập phương đóng góp. Xã Trực Thuận có 2 di tích được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là Đền Tam Thôn và Đền Thôn 8 thờ Triệu Quang Phục. Hằng năm, nhân dân và du khách thập phương đã phát tâm công đức ủng hộ trùng tu 2 di tích với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Trong đó, Đền Tam Thôn đã được trùng tu với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Xã Liêm Hải có di tích lịch sử văn hóa. Đền - Chùa Dưa và di tích cấp quốc gia đền Tuân Lục. Di tích Đền - Chùa Dưa mới được trùng tu, tôn tạo với tổng trị giá 1,2 tỷ đồng, trong đó nhân dân công đức 1 tỷ đồng. Đền Tuân Lục dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đến nay vẫn giữ được nguyên trạng. Ở xã Phương Định, trong 5 năm qua, di tích lịch sử Đền, Chùa Cự Trữ và Đền - Chùa Cổ Chất được Chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích của Bộ VH, TT và DL đầu tư 100 triệu đồng cho công tác bảo tồn, cùng sự đóng góp của nhân dân địa phương đã tiến hành trùng tu tôn tạo lại các hạng mục xuống cấp, mở rộng khuôn viên, xây thêm đình thờ tổ làng với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Cụm di tích lịch sử - văn hóa Đền - Chùa làng Sa Đê, xã Trực Nội được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vẫn bảo lưu được một số hạng mục kiến trúc gốc như: Nghi môn, sân và đền. Năm 2013, Ban quản lý cụm di tích đã vận động nhân dân và các dòng họ trùng tu, tôn tạo các hạng mục mở rộng diện tích cụm di tích, xây nhà tổ, khơi thông hai giếng cổ của đền - chùa với tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Ở các di tích cấp tỉnh khác như nhà thờ họ Bùi, thôn Ngọc Giả, xã Trực Đạo, nhà thờ Dương Tam Kha, Thị trấn Cổ Lễ cũng được con em trong dòng hộ ủng hộ mỗi di tích khoảng 50 triệu đồng nâng cấp, tôn tạo khuôn viên, mua sắm các đồ thờ tự…
 
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, thời gian tới, các địa phương có di tích trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hoá nhằm nâng cao ý thức của toàn dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chung tay bảo tồn giá trị các di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương./.
 
Bài và ảnh:  Viết Dư


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com