Đặc sắc giá trị lịch sử, kiến trúc của các di tích lịch sử - văn hoá ở Yên Nghĩa

07:04, 09/04/2016
Xã Yên Nghĩa (Ý Yên) là vùng đất cổ. Từ lâu, hình ảnh làng quê với “Cây đa, giếng nước, sân đình” đã trở thành nét văn hoá đặc sắc của người dân nơi đây. Trên địa bàn xã hiện có trên 20 di tích gồm: đình, đền, chùa, phủ có giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Tiêu biểu như: Đình Ruối, Chùa Chuối, Đình làng Nhân Nghĩa...
 
Di tích lịch sử - văn hóa Đình Ruối, thôn Ngọc Chuế được Bộ VH, TT và DL công nhận xếp hạng năm 1992. Đình thờ Kiến quốc phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt cùng chồng là Đinh Công Tuấn. Theo cuốn Từ điển Kiến quốc công Lương phu nhân do Lê Tung - người làng Yên Cừ, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) soạn vào đầu thế kỷ XVI: Năm 1407, tướng giặc Minh là Mộc Thạch sai quân lấy đất núi Bô, phá tháp Chương Sơn xây từ đời Lý để đắp thành Cổ Lộng giữa cánh đồng Lai Cách (nay là xã Yên Thọ). Đầu năm 1426, khi mới tiến quân ra Bắc, nghĩa quân Lam Sơn chủ trương tiến công tiêu diệt hàng loạt thành trì của giặc Minh như: Xương Giang, Chí Linh, Cổ Lộng... Thành Cổ Lộng là dinh lũy Giao Châu hậu vệ - một trung tâm trọng yếu của giặc Minh thống trị và đàn áp khu vực nam châu thổ sông Hồng. Tại đây, địch án ngữ hai đường giao thông thủy, bộ, then chốt là sông Đáy và đường bộ Thiên Lý từ Bắc vào Nam. Khi quân Minh đóng quân ở thành Cổ Lộng, Lương Thị Minh Nguyệt cùng chồng mở quán rượu ở ven thành, hằng ngày, vợ chồng bà vẫn thường xuyên theo dõi tình hình giặc. Khi biết tin Lê Lợi khởi nghĩa, bà đã tìm đường vào Lam Sơn báo cho nghĩa quân mọi tình hình giặc Minh ở Cổ Lộng. Sau khi kiểm tra tình hình, Lê Lợi cử Lê Lễ, Lê Thạch dẫn 5.000 quân ra bao vây tiến công thành Cổ Lộng. Công cuộc tiến công thành Cổ Lộng vô cùng gian khổ quyết liệt. Đến năm 1427, giặc Minh bị tiêu diệt với công đầu thuộc về vợ chồng nữ tướng anh hùng Lương Thị Minh Nguyệt. Sau khi dẹp xong giặc, Lê Lợi lên ngôi vua (tức Vua Lê Thái Tổ) niên hiệu Thuận Thiên năm Mậu Thân (1428). Bà Lương Thị Minh Nguyệt có công lớn giúp Vua Lê đánh giặc nên đã được vua mời vào cung để ban chức tước, bổng lộc nhưng bà từ chối, chỉ xin ruộng để chia cho người dân trong làng. Ngày 25-11 năm Thuận Thiên thứ nhất (tức năm 1443) Lương Thị Minh Nguyệt cùng chồng qua đời và được Vua Lê Lợi sai quân đưa về tế lễ theo lệ Tước Vương và ban cho 100 mẫu ruộng để dùng vào việc tế tự, cho lập đền thờ tại thôn Ngọc Chuế. Đến đời Vua Thành Thái năm thứ 13 (1902) đền được đại trùng tu thành đình. Đình nằm cạnh đường liên xã, phía trước đình là một dậu bằng những cây ruối cổ thụ trông giống như những bức tường chạy dài, nối tiếp nhau nên nhân dân địa phương gọi là Đình Ruối. Hằng năm, cứ vào ngày 10-11 âm lịch, nhân dân địa phương lại nô nức mở hội để tưởng nhớ Kiến quốc phu nhân Lương Thị Minh Nguyệt. Lễ hội được diễn ra gồm nhiều hoạt động nổi bật như: Lễ yên vị nhà thờ tổ, lễ rước bánh vưng lên đền, lễ Chiếu văn, lễ rước Thánh về đình, lễ dâng hương... Đặc biệt, lễ hội rước Thánh về đình được tổ chức long trọng và trang nghiêm. Trong đó, đi trước gồm có kiệu ông và kiệu bà. Kiệu ông do 6 nam khiêng, còn kiệu bà do 6 nữ khiêng, theo sau là 6 kiệu thờ thành hoàng làng của các thôn. Trong khuôn khổ của lễ hội Đình Ruối, du khách còn có dịp tìm hiểu những nghi thức tế lễ cổ truyền mang đậm dấu ấn lịch sử thời Lê và thưởng thức các món ăn chay tượng trưng cho các món ăn bà Minh Nguyệt từng bán cho giặc Minh như: bánh giầy, bánh chưng, bánh mật, bánh gai…
Tam môn Đình Ruối cùng đôi rồng bằng đá cổ thời Lê.
Tam môn Đình Ruối cùng đôi rồng bằng đá cổ thời Lê.
Cùng với Đình Ruối, các di tích ở Yên Nghĩa không chỉ là những di sản văn hoá mang đậm giá trị lịch sử mà còn là những công trình có nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Đình làng Nhân Nghĩa, thôn Nhân Nghĩa là nơi thờ phụng, tri ân công đức của thành hoàng làng đã có công bảo vệ quê hương, đất nước, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đến nay, Đình Nhân Nghĩa vẫn giữ được kiến trúc gốc với 2 gian, gồm: tiền đường và hậu cung. Tiền đường thiết kế với những bộ vì làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Gánh đỡ là các cây cột bằng gỗ lim. Hệ thống vì kèo, các xà nách nghé bẩy được các nghệ nhân chạm khắc công phu với đề tài tứ linh và tứ quý. Xà dọc được chạm lưỡng long chầu nguyệt có những lớp đao mác nhiều tầng tiêu biểu của phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Tất cả các con rường được chạm khắc công phu chủ yếu là họa tiết hình rồng tạo sự uy nghiêm, linh thiêng cho nơi đặt bài vị. Chùa Chuối, thôn Ngọc Chuế có nhiều hạng mục công trình được tạo độc đáo đó là các pho tượng ở chùa và một số mảng chạm ở cột trụ, xà nách, hệ thống cửa... Về tổng thể, chùa được thiết kế mang đậm nét văn hóa Phật giáo dân tộc theo lối “Tiền Phật, hậu Thánh”, “Nội công ngoại quốc”. Chùa có 3 gian phần lớn làm bằng gỗ lim. Từ ngoài nhìn vào, chùa được nâng cao dần trong kiến trúc và trải rộng ra, đồ sộ theo một trục chính khiến tổng thể công trình có thế vươn lên. Hiện chùa còn giữ được khá đầy đủ nguyên trạng ban đầu. Trước chùa là ao tròn tượng trưng cho nhật, nguyệt, có lan can bao quanh, ở giữa là con đường dẫn vào chùa. Điều đặc biệt nhất ở chùa Chuối là công trình còn bảo tồn nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ, nhất là những mảng chạm khắc rất tinh xảo đã góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc. Những đề tài chạm khắc này không chỉ bổ trợ, tôn thêm vẻ đẹp cho công trình mà còn thể hiện sự phong phú về ngôn ngữ, tư tưởng và ước mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.
 
Những di tích lịch sử ở Yên Nghĩa ngày nay vẫn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương. Với ý thức gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, những năm qua nhiều di tích lịch sử nơi đây đã được nhân dân trùng tu, tôn tạo. Tại các điểm di tích đều thành lập ban quản lý, ban bảo vệ di tích để gìn giữ phát huy những giá trị lịch sử của quê hương./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com