Xin đừng "nông thôn hóa thành thị"!

09:04, 24/04/2015

Nghe được cuộc điện thoại báo tin mẹ bị mệt, anh Khoa vội về quê đưa mẹ ra phố dưỡng bệnh. Thật không may, ngày anh Khoa đón mẹ ra cũng là ngày hàng xóm sát nhà anh tổ chức đám cưới cô con gái.

Nói là “không may” bởi vì mẹ anh bị bệnh mất ngủ dài ngày và bị cảm cúm, cần được nghỉ ngơi trong khi đám cưới nhà bên không giống các đám cưới thanh lịch, lãng mạn như vẫn diễn ra ở thành phố mà ồn ào, náo nhiệt giống các đám cưới ở quê nhiều hơn. Mặc dù có điều kiện về kinh tế nhưng gia đình họ không thuê nhà hàng mà tổ chức tại nhà cho… ấm cúng, tình cảm. Nhà ở ngay đầu ngõ nên gia đình tận dụng, cho bắc ngay chiếc rạp chạy dài hơn hai chục mét, chiều rộng choán gần hết mặt ngõ, chỉ để hơn nửa mét làm lối đi lại cho người qua đường. Về khách mời, bất kể thân, sơ, gia chủ “hào phóng” mời tất cả các hộ trong tổ dân phố đến dự tiệc cưới, gọi là “trước lạ, sau quen” để tăng cường sự đoàn kết. Rạp cưới bắc từ sáng hôm trước; từ lúc đó đến tận chiều hôm sau, chương trình ca nhạc, ka-ra-ô-kê “Tình thắm duyên quê”; khách mời đến ăn uống vào ra tấp nập… cứ ầm ĩ, náo loạn cả khu dân cư. Rồi chuyện không vui cũng xảy ra vào khoảng mười giờ rưỡi tối hôm trước: Chắc là không chịu nổi âm lượng bức bối, kéo dài của dàn âm thanh “khủng” cùng tiếng rít chói tai từ chiếc mi-crô mỗi khi chĩa vào hướng loa của đám thanh niên đang hát ka-ra-ô-kê, một người đàn ông dáng bặm trợn ở bên kia đường chạy sang quát: “Mấy thằng nhà quê kia có im mồm cho tao ngủ không?”. Đám thanh niên tóc vàng, tóc đỏ cũng không vừa, lớn tiếng cự lại. Lời qua tiếng lại, suýt nữa thì xảy ra xô xát nếu không có mấy cụ cao niên thay mặt gia đình nhà có đám cưới đứng ra xin lỗi người đàn ông nọ.

Trước cảnh tượng xô bồ, ầm ã từ đám cưới nhà hàng xóm, anh Khoa định đóng chặt các cửa lại để cho mẹ được nghỉ ngơi nhưng bà tỉnh táo ngăn lại: “Con đừng như vậy. Hàng xóm người ta có việc, mình làm thế họ cho là thiếu thiện chí, sẽ không tốt cho quan hệ láng giềng. Rồi dư luận sẽ giúp họ tự điều chỉnh”. Mấy hôm sau, hàng xóm nhà anh Khoa đến thăm bà; trong câu chuyện đều tỏ sự bất bình với cách hành xử thiếu văn hóa: từ việc bắc rạp qua đường cản trở giao thông, đến việc mở loa đài ầm ĩ, làm đảo lộn cuộc sống của người xung quanh trong đám cưới nọ. Bà mẹ anh Khoa cũng nhẹ nhàng góp chuyện: “Quê tôi trước đây nhà nào có đám cưới cũng ồn ào như vậy các bác ạ - khổ nhất là nạn loa đài! Nhưng rồi mọi người bảo nhau thực hiện quy ước nếp sống văn hóa nên giờ việc cưới đã đi vào nền nếp”.

Có mặt ở đó, nghe bà mẹ anh Khoa nói vậy, tôi bỗng cảm thấy xấu hổ: Xưa nay, người ta nói văn minh đô thị chứ đâu có nói văn minh nông thôn (!). Hóa ra thành phố tôi đang sống vẫn còn cách thức tổ chức đám cưới và cách hành xử không được văn minh, lịch sự như ở nông thôn hiện nay. Thật đáng trách cho những người với tư tưởng cố hữu với cách hành xử ích kỷ, hẹp hòi cá nhân mà không nghĩ đến những người sống xung quanh mình, không tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ của văn minh đô thị. Xin họ đừng “nông thôn hóa thành thị”!./.

Đức Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com