Trực Khang xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

09:04, 10/04/2015

Xã Trực Khang (Trực Ninh) là vùng quê thuần nông, xa trung tâm huyện, kinh tế chậm phát triển nên cuộc sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn. Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, huy động sức mạnh nội lực của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế.

Đồng chí Bùi Xuân Thành, cán bộ văn hóa xã Trực Khang cho biết: Là địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng người dân nơi đây luôn coi trọng đời sống văn hóa tinh thần. Đảng ủy xã Trực Khang đã có nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, UBND xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ chỉ tiêu xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Cùng với việc phát động đăng ký thi đua xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hóa trong các xóm, UBND xã tổ chức tuyên truyền rộng rãi các tiêu chí xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa trên đài truyền thanh, pa nô, khẩu hiệu; lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của các đoàn thể, các CLB ở địa phương. Đến nay, việc thực hiện các quy ước nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội của xã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng ăn uống linh đình trong các đám cưới, đám tang, mừng thọ và hiện tượng mê tín dị đoan đã giảm hẳn. Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn xã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cả 14 xóm của xã đã xây dựng được hương ước, quy ước nếp sống văn hóa. Việc xây dựng cơ sở vật chất như: xây dựng hệ thống cấp nước sạch, xây dựng NVH xóm, xây dựng trường học, làm đường bê tông phục vụ đời sống, sinh hoạt đều có sự đóng góp của nhân dân. Những năm qua, nhân dân cùng nhau tự nguyện góp hàng tỷ đồng cùng ngày công lao động, hiến đất xây dựng, sửa chữa, bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng các thiết chế văn hóa... Toàn xã đã bê tông hóa được 90% đường làng, ngõ xóm; 95% hộ dùng nước sạch trong sinh hoạt; tỷ lệ gia đình văn hóa của xã đạt trên 85%. Quan tâm đến các hoạt động văn hóa - thể thao, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, UBND xã đã hỗ trợ kinh phí, vận động người dân các xóm và con em xa quê đóng góp tiền, hiến đất để xây dựng NVH xóm. Đến nay, cả 14 xóm đã quy hoạch được quỹ đất để xây dựng NVH xóm với diện tích từ 200-500m2. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa chủ yếu bằng nguồn đóng góp của nhân dân và sự hỗ trợ của UBND xã. NVH xã được hoàn thành với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Các thiết chế văn hóa dần được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng đã nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Nhiều CLB, tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập. Hiện tại, 14 xóm đều có CLB thể dục dưỡng sinh. Ngoài CLB dưỡng sinh của người cao tuổi, xã còn các CLB, nhóm thể thao khác như bóng đá thanh, thiếu niên, cầu lông, bóng bàn của khối cán bộ, công chức xã thường xuyên luyện tập, nâng cao sức khỏe. Đội văn nghệ xã có gần 20 thành viên, nhiều năm liền tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện. Để phát triển phong trào, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Vào ngày lễ, tết, xã tổ chức các cuộc thi giao lưu văn nghệ, cầu lông, bóng đá… Trên địa bàn xã có 2 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là Đền Trần, làng Nam Trực và Từ đường họ Đồng, làng Lạc Chính. Xã thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của di tích lịch sử - văn hóa của địa phương, từ đó công tác xã hội hóa bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương được nâng cao. Ngoài ra, công tác tổ chức các lễ hội trên địa bàn luôn thực hiện theo quy ước nếp sống văn minh trong lễ hội, đảm bảo các nghi lễ trang trọng, tiết kiệm, khôi phục các trò chơi dân gian truyền thống góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của làng quê.

Thời gian tới, xã Trực Khang tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phát động và khơi dậy ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa; hoàn thiện các thiết chế văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự đoàn kết của nhân dân để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com