Phương Định bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa

09:04, 17/04/2015

Xã Phương Định (Trực Ninh) là vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó có 2 di tích cấp quốc gia là: Đền, chùa Cổ Chất, làng Lộng Khê; đền, chùa Cự Trữ, thôn Cự Trữ và 2 di tích cấp tỉnh là: Đền, chùa Văn Hiến, thôn Văn Hiến; đền, chùa Lộ Xuyên, làng Lộ Xuyên.

Theo thần phả lưu lại (được sao lại vào đời vua Tự Đức năm 1863) chùa Cổ Chất thờ 3 vị công thần thời Lý là Nguyễn Công Tham, Nguyễn Công Văn và Nguyễn Công Phan đã có công đánh giặc, chiếm thành, khai hoang mở đất giúp dân. Tổng thể kiến trúc chùa Cổ Chất bao gồm các hạng mục: Tam quan, chùa, đền, phủ, nhà tổ cùng các công trình bổ trợ được phân bổ hợp lý trên một khuôn viên rộng rãi. Chùa Cổ Chất được xây theo hình chữ đinh. Tòa tiền đường gồm 3 gian được làm theo kiểu chồng diêm ba tầng, các tầng trên thu nhỏ dần. Trên các tầng có bài trí tượng “tứ vị Bồ tát, bát vị Kim cương”. Hai bên tiền đường bài trí hai pho tượng Hộ pháp. Tòa tiền đường là công trình được xây dựng vào thời Nguyễn với vật liệu hoàn toàn bằng gạch vữa, trần xây cuốn vòm. Tam bảo chùa gồm 8 gian xây dọc; cả 8 bộ vì đều được làm bằng gỗ lim theo kết cấu chồng rường giá chiêng. Gánh đỡ mỗi bộ vì là 4 cây cột gỗ lim, các cây cột đều được đặt trên chân tảng đá cổ bồng. Toàn bộ các cấu kiện gỗ ở đây như câu đầu, xà đai, con rường, đố lụa đều được chạm khắc họa tiết hoa sen, lưỡng long chầu nguyệt... Kỹ thuật chạm cũng đa dạng, nét chạm sâu, chi tiết, tinh tế. Nối liền với sau tam bảo là gác chuông chùa được xây hai tầng tám mái, bốn mặt thông phong, tạo cửa cuốn vành mai. Sàn tầng được lát bằng gỗ lim. Các đầu đao được uốn cong thanh thoát, nhẹ nhàng. Phía nam chùa là ngôi đền Cổ Chất được xây dựng vào đời Vua Gia Long năm 1809. Ngôi đền được xây theo bình đồ kiến trúc tiền chữ nhất, hậu chữ đinh bao gồm tiền đường 5 gian, trung đường 5 gian, hậu cung 3 gian xây. Hệ thống gỗ lim được chạm khắc họa tiết tứ linh, hổ phù, lá lật. Liền cạnh phía đông chùa là phủ Mẫu được xây dựng vào đời Tự Đức năm 1857.

Di tích lịch sử - văn hóa đền, chùa Cổ Chất, làng Lộng Khê, xã Phương Định.
Di tích lịch sử - văn hóa đền, chùa Cổ Chất, làng Lộng Khê, xã Phương Định.

Tại di tích lịch sử chùa Cự Trữ, các hạng mục kiến trúc ngôi chùa có sự kết hợp đan xen của các giai đoạn khác nhau, bắt đầu từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) cho đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ngôi chùa là nơi bảo tồn, lưu giữ những thuần phong mỹ tục, những đường nét kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống. Trải qua thời gian, toàn bộ khu di tích vẫn được nhân dân quan tâm, thường xuyên tôn tạo nên vẫn giữ được sự bền vững cùng tính nguyên bản của các sắc thái hoa văn. Tổng thể chùa Cự Trữ được xây theo bình đồ kiến trúc hình chữ sơn, hai bên là đền thờ Đức Ông và phủ Mẫu. Tiền đường chùa Cự Trữ được xây theo kiểu tam sơn. Tiền đường gồm có 4 gian, 3 cửa ra vào cuốn vành mai. Toàn bộ công trình này được làm bằng gạch vữa, xây cuốn vòm, đổ trụ vuông. Tam bảo chùa được làm nối liền tiền đường, ngăn cách bởi một máng nước. Tam bảo gồm 6 gian, đề tài chạm khắc tại các cấu kiện gỗ ở đây là rồng, hoa lá, mặt hổ phù. Tại tam quan chùa còn được bảo lưu gần như nguyên vẹn các lớp hoa văn họa tiết mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII. Trên các trụ, kèo, xà dọc, câu đầu vẫn là các đề tài quen thuộc như rồng chầu, lá hỏa, tiên nữ cưỡi rồng xen lẫn cảnh dân gian, mang dáng dấp của một cuộc sống thôn dã bình dị như hình tượng người mẹ vừa cho con bú vừa cho lợn ăn, người nông dân chăn trâu, cò bắt mồi, cua ẩn mình dưới lá... Những đề tài chạm khắc này không chỉ bổ trợ, tôn thêm vẻ đẹp cho công trình mà còn thể hiện sự phong phú về ngôn ngữ, tư tưởng và ước mơ về một cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Không chỉ là di tích có giá trị về lịch sử, kiến trúc, đền, chùa Cổ Chất và đền, chùa Cự Trữ còn là những di tích liên quan đến lịch sử cách mạng. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là nơi đi lại, hoạt động của các cán bộ cách mạng. Thời kỳ chiến tranh khốc liệt, năm 1951-1952 nơi đây bố trí nhiều căn hầm bí mật của dân quân du kích và diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của các di sản văn hoá đối với đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Phương Định luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Công tác kiểm tra, tu bổ được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tham gia tích cực nhằm phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân. Trong 5 năm qua, di tích lịch sử đền, chùa Cự Trữ và đền, chùa Cổ Chất được Chương trình mục tiêu chống xuống cấp di tích của Bộ VH, TT và DL đầu tư 100 triệu đồng cho công tác bảo tồn. Năm 2014, từ nguồn kinh phí của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân địa phương, tại di tích lịch sử chùa Cự Trữ, đã được tiến hành trùng tu tôn tạo lại các hạng mục xuống cấp, mở rộng khuôn viên, xây thêm đình thờ tổ làng với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Hằng năm nhân dân địa phương và khách thập phương còn đóng góp hàng tỷ đồng để nâng cấp, tôn tạo các đồ thờ tự trong chùa, vườn hoa, cây cảnh... Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, xã còn quan tâm phát huy giá trị các di tích thông qua việc thực hiện có hiệu quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội gắn với các di tích. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn xã đã thực hiện đúng quy định, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước, quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương. Được sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các lễ hội được tổ chức trang trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ATGT, vệ sinh cảnh quan môi trường được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, dự lễ hội truyền thống. Tại di tích lịch sử đền, chùa Cổ Chất, vào ngày 15-3 âm lịch diễn ra lễ hội truyền thống của địa phương. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu và có nhiều trò chơi dân gian như: cờ tướng, đấu vật, bơi chải... Trong lễ hội tại di tích lịch sử đền, chùa Cự Trữ có khu trưng bày sinh vật cảnh và gian thơ ca ngợi quê hương, đất nước và phản ánh nhiều mặt đời sống sinh hoạt của làng quê, tại lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo hăng hái thi đua lao động sản suất./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com