Nhớ một thời "Tiếng hát át tiếng bom"

10:04, 28/04/2015

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những hình ảnh về một thời “Tiếng hát át tiếng bom”, về những đóng góp của các nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ bằng lời ca, tiếng hát sẵn sàng xung kích lên đường tới các chiến trường “Túi bom, vựa đạn”, phục vụ bộ đội truyền “ngọn lửa” sức mạnh đến với đồng bào, đồng chí thật xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

NSND Lê Huệ, nguyên Trưởng Đoàn Chèo Nam Hà nhớ lại: Năm 1968, giữa lúc cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc XHCN ngày một ác liệt, theo yêu cầu của chiến trường, Đoàn Chèo Nam Hà đã thành lập “Đội văn công xung kích" gồm 13 đồng chí: Lê Huệ, Đình Hãng, Quyền Thanh, Đồng Ích, Mạnh Tường, Phùng Hường, Quang Thiệu, Duy Cổn, Mai Sen, Thu Hương, Lệ Hằng, Kim Chung và Thuý Nga (do đồng chí Lê Huệ làm đội trưởng) đi vào biểu diễn dọc tuyến lửa Khu Bốn rồi sang biểu diễn ở tỉnh Khăm Muộn, đến Bộ Tư lệnh 559 tỉnh Sa-va-na Khét và Đoàn 565 ở Nam Lào. Đội văn công lên đường từ đầu tháng 4-1968 và đến cuối tháng 12-1968 mới trở về.

NSND Lê Huệ, nguyên Trưởng Đoàn Chèo Nam Hà tham gia đội văn công xung kích trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
NSND Lê Huệ, nguyên Trưởng Đoàn Chèo Nam Hà tham gia đội văn công xung kích trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, anh chị em diễn viên, nhạc công trong đoàn hăng hái vào chiến trường phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Lúc đó, mỗi nghệ sĩ chỉ vài bộ trang phục, nhạc cụ và sân khấu biểu diễn do thành viên trong đoàn tự thiết kế, cắt may. Các nghệ sĩ trong đoàn đều có chung một suy nghĩ và sẵn sàng chấp nhận gian khó, có thể hy sinh nơi chiến trường, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó, phục vụ nhân dân, bộ đội. Hơn 9 tháng hành quân trên dãy Trường Sơn, các diễn viên, nghệ sĩ trong đoàn đã nhiều lần đối mặt với mưa bom, bão đạn của địch. Thời tiết khắc nghiệt, núi rừng hiểm trở, nhiều nghệ sĩ bị sốt rét. Ấy vậy nhưng mọi người đều động viên nhau, hăng say luyện tập và dàn dựng các tiết mục mới để phục vụ các chiến sĩ và đồng bào địa phương. NSND Lê Huệ tâm sự: Trong những ngày phục vụ bộ đội thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 559, chúng tôi hiểu rằng chiến trường cần súng đạn và cũng cần có cả tiếng hát để động viên bộ đội ngoài mặt trận. Do đó, anh chị em trong đoàn luôn sẵn sàng đến những nơi chiến trường ác liệt nhất, phục vụ bộ đội ta. Và anh chị em trong đoàn đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân, chiến sĩ Đoàn 559. 13 nghệ sĩ chiến trường của Đoàn Chèo Nam Hà đã biểu diễn hàng trăm buổi, sau mỗi tiết mục và kết thúc buổi diễn, đoàn được các chiến sĩ, nhân dân địa phương, động viên khích lệ bằng những tràng vỗ tay và những nụ cười mến mộ. Phục vụ trên chiến tuyến, nơi mưa bom, lửa đạn, sân khấu biểu diễn của các nghệ sĩ cũng thật đơn giản, chỉ một khu đất nhỏ là đã có thể múa hát, biểu diễn. Rồi trên đường hành quân, sân khấu được dựng ngay gốc cây trong rừng, dưới hầm, hay hát múa tại lán chỉ huy. Mỗi tên đất, tên làng, các trận địa mà đoàn đi qua và biểu diễn phục vụ, anh chị em nghệ sĩ đã chứng kiến sự quả cảm, kiên cường của bộ đội ta, trong đó có nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nơi trận địa. Trước cảnh tượng đó, anh chị em trong đoàn nhắc nhau: “Phải hát thật hay, múa thật đẹp, biểu diễn bằng cả trái tim để xứng với sự hy sinh của các chiến sĩ”. Nhiều khi, đoàn vừa đặt chân đến trận địa, thật xúc động khi các chiến sĩ, bộ đội ta đã ngồi kín vỗ tay đón chào và chờ đợi các tiết mục biểu diễn của đoàn. Anh chị em nghệ sĩ quên đi sự mệt mỏi, chẳng kịp hóa trang, cất cao tiếng hát và hóa thân vào những vai diễn, trích đoạn chèo cổ phục vụ chiến sĩ nơi tiền tuyến. Rồi ngay cả lúc đang hành quân, tới một trạm gác, biết anh em là những văn công thuộc đất chèo Nam Hà, anh chị em bộ đội, thanh niên xung phong ùa tới, yêu cầu các nghệ sĩ hát tặng mấy điệu hát văn, bởi họ chỉ được nghe các tiết mục hát văn của anh chị em trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ những năm 1960, những tiết mục múa hát chầu văn của Đoàn Chèo Nam Hà như: “Gái đảm Nam Hà”, “Đài sen dâng Bác”, “Tiễn anh lên đường”, “Gửi anh một khúc hát văn”… đã thu hút cảm tình của biết bao khán giả xa gần. Tên tuổi của các nghệ sĩ: Kim Mã (tức Chu Văn - tác giả), Kim Liên, Đăng Truyền - hát văn; Thế Tuyền vừa đàn nguyệt vừa hát; Quyền Thanh, Quang Thiệu - gõ dân tộc đã nức tiếng trong lòng khán, thính giả. Chính vì vậy, khi được trực tiếp xem anh chị em nghệ sĩ Đoàn Chèo Nam Hà biểu diễn, những người lính, các anh chị thanh niên xung phong ngày ngày đối diện với mọi hiểm nguy trước bom đạn của kẻ thù, họ say sưa xem và nghe các nghệ sĩ biểu diễn bằng cả con tim. Đó cũng là động lực để 13 nghệ sĩ trong đoàn được tiếp thêm sức mạnh, quên đi mệt nhọc, vượt đường núi xa xôi, hiểm trở để đến với các chiến sĩ và đồng bào ta nơi tiền tuyến.

Năm 1973, Đoàn Chèo Nam Hà lại tổ chức một chuyến đi vào biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ ở những vùng mới giải phóng của tỉnh Quảng Trị. Và sau Chiến thắng lịch sử 30-4-1975, trong niềm vui chung của quân, dân cả nước, Đoàn Chèo Nam Hà đã ý thức được sự có mặt của Đoàn ở những vùng mới giải phóng để phục vụ đồng bào chiến sĩ. Dàn kịch mục mà đoàn mang đi cũng khá phong phú: “Trần Quốc Toản ra quân”, “Tấm Cám”, “Quan Âm Thị Kính”, “Đôi ngọc lưu ly” và những tiết mục ngắn như “Anh lái xe và cô chống lầy”, “Đường về trận địa”… Tháng 10-1975, điểm diễn đầu tiên của đoàn là Tổng kho Long Bình, Biên Hoà, sau đó đoàn đã biểu diễn tại quận 10 và sau đó là Thủ Đức, Hố Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Mỹ Tho, Đà Lạt, Gia Lai - Kon Tum, Phan Rang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com