Đa dạng các loại hình nghệ thuật truyền thống ở Nghĩa Hưng

06:04, 25/04/2015

Huyện Nghĩa Hưng là vùng đất còn lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: chèo, cải lương, cà kheo, múa rối, múa tứ linh, trống trắc… Chào mừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5, từ đầu tháng 4 các CLB, các đội văn nghệ trên địa bàn huyện đều sôi nổi tập luyện các tiết mục xây dựng các chương trình văn nghệ. Các địa phương có truyền thống về hát chèo như: Thị trấn Rạng Đông và các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Hùng, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Nghĩa Lâm, Nghĩa Lợi đều dàn dựng được các trích đoạn chèo hay để biểu diễn phục vụ nhân dân.

Một buổi luyện tập của phường múa rối nước xã Nghĩa Trung.
Một buổi luyện tập của phường múa rối nước xã Nghĩa Trung.

Những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhiều xã, thị trấn ở huyện Nghĩa Hưng đã khôi phục và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống. CLB đàn hát dân ca người cao tuổi xã Nghĩa Hùng với 18 hội viên, được thành lập từ năm 2009, đã dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ đại diện cho xã tham dự hội diễn văn nghệ của huyện và từng giành nhiều giải cao; trong đó năm 2014, đã đoạt giải A thể loại hát văn với bài “Đảng là cuộc sống của tôi”. Đội văn nghệ thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh từ lâu nổi tiếng với các làn điệu cải lương và trích đoạn trong các vở diễn, tích cổ như: "Tống Trân - Cúc Hoa", "Thoại Khanh - Châu Tuấn”. Ngoài các trích đoạn sân khấu cổ, đội văn nghệ Hải Lạng còn dàn dựng nhiều vở cải lương với chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Các vở diễn “Bà mẹ sông Hồng”, “Lửa phi trường” của đội biểu diễn đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Nghệ thuật múa rồng ở thôn Đông Tĩnh, xã Hoàng Nam có bề dày truyền thống gần 100 năm. Sau một thời gian bị gián đoạn, đầu năm 2010, đội múa rồng của thôn đã được thành lập và hoạt động trở lại. Với sự giúp đỡ kinh phí của con em xa quê và các thành viên đóng góp, đội đã trang bị dụng cụ, trang phục để hoạt động. Đội múa rồng của thôn Đông Tĩnh đã tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và của huyện như: biểu diễn trong các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm của Đảng, của đất nước, mừng thọ các cụ cao tuổi, tham gia biểu diễn tại đại hội TDTT. Nghệ thuật múa rối nước ở xã Nghĩa Trung xuất hiện từ những năm 1950. Năm 2004, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng quyết tâm khôi phục nghệ thuật rối nước truyền thống của các nghệ nhân, phường rối nước Nghĩa Trung được thành lập với hơn 20 thành viên. Các nghệ nhân của phường rối nước Nghĩa Trung đều là nông dân và gia đình có truyền thống múa rối. Do đó, những kỹ năng điều khiển các con trò được các nghệ nhân phối hợp nhuần nhuyễn theo các giai điệu chầu văn, chèo góp phần truyền tải nội dung và ý nghĩa của tích diễn một cách sâu lắng. Hiện nay, phường rối nước Nghĩa Trung có hơn 20 tích trò cổ, tiêu biểu như: “Thạch Sanh chém trăn tinh”, “Câu ếch”, “Chọi trâu” “Lê Lợi hoàn gươm”, “Múa tứ linh”… Ngoài các tích trò cổ, các nghệ nhân của phường còn sáng tạo các tích trò mới như: “Múa hát văn”, “Hoa bướm”, “Lời ru của mẹ”, các đề tài liên quan đến đời sống đương đại như: ATGT, phòng, chống HIV/AIDS…

Một buổi luyện tập của phường múa rối nước xã Nghĩa Trung
Hai thành viên đội cà kheo xã Nghĩa Thắng luyện tập tiết mục đi kheo đấu vật.

Phường rối Nghĩa Trung có một số đặc trưng riêng so với các phường rối nước khác như: Con rối sư tử của các phường khác chỉ có phần đầu, nhưng ở phường rối nước Nghĩa Trung có cả thân, vì vậy khi điều khiển cần sự khéo léo hơn; Tễu giáo đầu của phường rối Nghĩa Trung thường to hơn và diễn cả tích trò mở đầu trong khi rối Tễu ở các phường rối khác thường nhỏ và chỉ ra giới thiệu ngắn gọn tích trò. Phường rối nước Nghĩa Trung nhiều lần đại diện cho tỉnh dự thi và giành giải nhì Liên hoan múa rối nước các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ năm 2005. Năm 2006, phường rối nước Nghĩa Trung lại đoạt giải nhì Liên hoan múa rối nước về đề tài đương đại ở Bảo tàng dân tộc do Quỹ văn hóa Thụy Điển - Việt Nam tài trợ. Tham gia Liên hoan Múa rối dân gian toàn quốc lần thứ nhất tại Hải Dương vào cuối năm 2011, phường rối nước Nghĩa Trung đã được Ban Tổ chức trao giải A cho tiết mục “Múa hát Văn” và giải B cho tiết mục “Hoa bướm”. Ở xã Nghĩa Thắng, nghệ thuật biểu diễn cà kheo bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất của các ngư dân ven biển. Trước kia, vùng đất này là những vũng lầy, người dân đã nghĩ cách dùng cà kheo nối dài đôi chân ra biển, ra đầm để cất te, quăng chài. Trải qua nhiều thế hệ gìn giữ và phát triển, đến nay đội cà kheo Nghĩa Thắng với gần 30 thành viên đã sáng tạo được nhiều bài biểu diễn độc đáo, hấp dẫn như: múa kiếm, đánh gậy, đá bóng, múa sư tử, kéo co, đấu vật…, cất te, thả lưới, quăng chài… Cà kheo biểu diễn ở Nghĩa Thắng được thực hiện trên những cây kheo cao gần 5m, được lựa chọn kỹ càng từ những cây tre thẳng, đều, dẻo dai, chịu lực tốt. Đội cà kheo của xã Nghĩa Thắng đã đi phục vụ, biểu diễn tại nhiều lễ hội lớn trong cả nước, biểu diễn vào các dịp lễ, tết, ngày hội thể thao văn hóa huyện...

Để tiếp tục gìn giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa nghệ thuật của địa phương. Các xã, thị trấn cần quan tâm tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ, tạo điều kiện về nơi tập luyện và hỗ trợ kinh phí cho các CLB văn hóa, văn nghệ hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com