Vở chèo "Trần Quốc Toản ra quân" - dấu ấn tinh thần trong những năm chống Mỹ cứu nước

04:03, 21/03/2015

Vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” (tác giả Hoài Giao, đạo diễn Đoàn Bá) do Đoàn Chèo Nam Hà (nay là Nhà hát Chèo Nam Định) dàn dựng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với ý nghĩa cổ vũ phong trào "Ba đảm đang". Hiệu quả và giá trị nghệ thuật của vở diễn (sau được chuyển thành phim sân khấu) thực sự là dấu ấn tinh thần trong những năm chống Mỹ cứu nước, có ý nghĩa góp phần cổ vũ khối đại đoàn kết dân tộc đồng lòng, đồng sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm phong trào "Ba đảm đang", hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với 3 nữ nghệ sĩ, những người đảm nhiệm vai diễn trong vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” cách đây nửa thế kỷ. Đó là NSƯT Kim Liên (vai Thế Tử), nghệ sĩ Thúy Ngân (vai Trần Quốc Toản) và nghệ sĩ Hồng Lê (vai cô gái làng Vân).

Từ trái sang phải: Nghệ sĩ Hồng Lê, NSƯT Kim Liên, nghệ sĩ Thuý Ngân (nguyên diễn viên Đoàn Chèo Nam Hà) tham gia vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân” năm 1965.
Từ trái sang phải: Nghệ sĩ Hồng Lê, NSƯT Kim Liên, nghệ sĩ Thuý Ngân (nguyên diễn viên Đoàn Chèo Nam Hà) tham gia vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân” năm 1965.

NSND Lê Huệ, nguyên Phó Đoàn Chèo Nam Hà cho biết: Đầu năm 1966, sau khi hợp nhất hai tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Nam Hà, Đoàn Chèo Nam Hà chính thức được sáp nhập. Vở chèo "Trần Quốc Toản ra quân" là vở diễn đầu tiên của tập thể diễn viên Đoàn Chèo Nam Hà. Tuy có đề tài lịch sử, nhưng đặt trong bối cảnh đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, vở chèo có chủ đề tư tưởng và tính thời sự sâu sắc. Bị thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam, tháng 8-1964, đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ngày 22-3-1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Sau đó phong trào đã được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”. Ở tỉnh ta, những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, phong trào "Ba đảm đang" đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được sức mạnh tổng hợp của phụ nữ từ nông thôn tới thành thị, trên mọi lĩnh vực hoạt động, công tác góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chính vì vậy, trước hào khí cả một dân tộc “Tất cả hành quân, tất cả thành chiến sĩ”, trong khi dàn dựng  vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân”, đạo diễn Đoàn Bá đã quyết định chọn các nữ nghệ sĩ để đóng vai chính, nhân vật trung tâm nhằm cụ thể hoá phong trào “"Ba đảm đang”, cổ vũ kịp thời cuộc kháng chiến vệ quốc, giải phóng dân tộc.

 Hai nhân vật của vở chèo có tích truyện lịch sử là Trần Quốc Toản và Thế Tử do diễn viên trẻ Kim Liên và Thuý Ngân thể hiện. Thế Tử là nhân vật “phản diện” đối lập với tính cách, phẩm chất anh hùng nguyện xả thân vì Tổ quốc của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Thể hiện tốt vai diễn này, đòi hỏi các diễn viên “nữ đóng nam” phải có giọng hát khoẻ, sáng, đài từ đẹp, lối diễn sáng tạo, linh hoạt nhằm lột tả “cái hồn” tính cách nhân vật và chủ đề tư tưởng của vở diễn. Để đạt được hiệu quả nghệ thuật cao nhất, ngoài sự chỉ bảo ân cần của đạo diễn, nghệ sĩ Kim Liên và Thuý Ngân quyết tâm luyện tập, dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận tìm ra cách diễn phù hợp, giản dị.

Khi vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” ra mắt công chúng, gây tiếng vang lớn, được đem đi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Thái Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh… Ngày 20-12-1968, bốn nữ diễn viên của Đoàn Chèo Nam Định là Kim Liên (vai Thế Tử), Thuý Ngân (vai Trần Quốc Toản), Hồng Lê (vai cô gái làng Vân), Thuý Nga (vai Hề đồng) với trích đoạn trong vở chèo “Trần Quốc Toản ra quân” đã vinh dự được diễn phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.

Năm 1971, sức hấp dẫn của vở chèo đã tạo ấn tượng sâu sắc với đạo diễn, NSND Bạch Diệp. Thời kỳ đó, Đoàn Chèo Nam Hà và Đoàn Chèo Hải Phòng cùng dàn dựng vở “Trần Quốc Toản ra quân”. Khi dựng thành bộ phim sân khấu, NSND Bạch Diệp đã chọn Đoàn Chèo Nam Hà (ngoài chất lượng nghệ thuật, Nam Hà là quê hương khởi nghiệp của vương triều Trần) để thể hiện ý tưởng. Trong quá trình dựng phim, đạo diễn Bạch Diệp đã sắp xếp cảnh quay, bố cục lại, bổ sung một số chi tiết cho phù hợp với nghệ thuật điện ảnh như: xây dựng hoàn toàn mới trường đoạn Bình Than dài 30 phút; sử dụng ngôn ngữ chèo nhằm tái hiện nhân cách và phẩm chất anh hùng của Trần Quốc Toản trong hoàn cảnh lịch sử đỉnh cao về “võ công văn trị” của nước Đại Việt thời Trần. Về thiết kế mỹ thuật, hoạ sĩ Đào Đức đã nghiên cứu, phác thảo bối cảnh Bình Than vừa giữ được “chất” chèo, vừa tạo được hiệu quả nghệ thuật cho người xem. Đoạn kết của bộ phim được đạo diễn Bạch Diệp phát triển thêm chi tiết cảnh luyện quân ở Giảng Võ đường thể hiện tinh thần thượng võ của quân, dân nhà Trần.

Để có những thước phim đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, ngoài vai trò của đạo diễn NSND Bạch Diệp, hoạ sĩ Đào Đức, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh còn phải kể đến sự đóng góp to lớn của tập thể diễn viên, nhạc công Đoàn Chèo Nam Hà. Trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt, ê kíp dựng phim đã làm việc không kể ngày đêm trong điều kiện khó khăn bộn bề. Diễn viên Thuý Ngân phải mang theo con gái đầu lòng 4 tuổi lên tận nơi làm phim tại Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội); diễn viên Kim Liên có hai con nhỏ, chồng đi bộ đội. Công việc quay phim lại thường diễn ra vào ban đêm vì phải lồng tiếng trực tiếp mới đảm bảo được chất lượng âm thanh. Để quay được cảnh phim có độ dài từ 2 đến 5 phút, các diễn viên phải tập luyện hàng chục lần với đạo diễn và kỹ thuật viên âm thanh. Nghệ sĩ Thúy Ngân kể: Hưởng ứng phong trào "Ba đảm đang", các nữ nghệ sĩ Đoàn Chèo Nam Định nói riêng và chị em phụ nữ khắp các thành thị và nông thôn, ở bất kỳ ngành, nghề nào, ở bất kỳ lứa tuổi nào đều nhiệt liệt hưởng ứng, vì nó đáp ứng đúng nguyện vọng thiết tha của chị em muốn cống hiến nhiều hơn cho cách mạng, muốn phát huy khả năng phục vụ của mình. Thời kỳ này, tất cả chị em phụ nữ đều ý thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Tổ quốc trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù hung ác càng cần phải rèn luyện phẩm chất cách mạng cao quý, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất và phải ra sức phấn đấu để nâng cao năng lực và trình độ đảm nhiệm sản xuất và công tác. Nơi hậu phương, những người mẹ, người vợ không những vẫn phải lo thu xếp gia đình ngăn nắp, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan mà còn tình nguyện hiến dâng cho Tổ quốc những người con thân yêu nhất, đấu tranh thắng tình cảm mềm yếu, ghé vai gánh gánh nặng gia đình, bảo đảm sản xuất, nuôi dạy con thơ, săn sóc cha mẹ già, để khuyến khích chồng, con yên tâm đi chiến đấu.

Năm 1971, bộ phim sân khấu “Trần Quốc Toản ra quân” hoàn thành, được công chiếu phục vụ nhân dân, nhất là những nơi “túi bom, vựa đạn”, chiếu dưới hầm, trong địa đạo phục vụ bộ đội. Những bức thư từ chiến trường gửi ra cho Đoàn Chèo Nam Định và cho diễn viên Kim Liên, Thuý Ngân ngày càng nhiều. Nhớ về những năm tháng hoạt động nghệ thuật sân khấu chèo thời kỳ đánh Mỹ cứu nước, NSƯT Kim Liên kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động; trong đó, có một bức thư trở thành “kỷ vật” vô giá đối với nghệ sĩ. Nội dung bức thư có đoạn: “… Chị Kim Liên quý mến! Em là Nguyễn Thị Toan, quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Sau khi xem bộ phim “Trần Quốc Toản ra quân”, em rất thích nhân vật Thế Tử do chị đóng. Bộ phim đã cho em nhiều suy nghĩ. Chị ơi, đất nước có chiến tranh, Tổ quốc đang cần thế hệ thanh niên chúng em ra trận, cầm súng đánh quân thù. Em là con gái út, có hai anh trai tình nguyện vào Nam chiến đấu. Xem chị diễn, em càng căm phẫn trước thái độ hèn kém của nhân vật Thế Tử chỉ “thích đọc sách ở nhà, ăn một con gà, ăn ba bát miến” và khâm phục tinh thần yêu nước của người anh hùng tuổi nhỏ tài cao Trần Quốc Toản. Em quyết định làm đơn đi thanh niên xung phong. Tổ quốc thiêng liêng đang vẫy gọi chúng em…”.

Vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân” là vở chèo có đề tài lịch sử, đã tái hiện sinh động những chiến công hiển hách về võ công, văn trị của nước Đại Việt thời đại vương triều Trần, đạt giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, vừa mang tính nhân văn, vừa có tính thời sự, tiêu biểu nhất của các thế hệ tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ diễn viên, nhạc công Đoàn Chèo Nam Hà (nay là Nhà hát Chèo Nam Định) đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo đóng góp một phần tiếng hát, lời ca vào sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com