Âm vang tiếng hát Chèo ngày xuân

09:03, 06/03/2015

Đêm biểu diễn phục vụ nhân dân làng Mộc Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã để lại ấn tượng không thể phai trong lòng các nghệ sĩ diễn viên Nhà hát Chèo Nam Định. Theo lịch của Ban tổ chức, 20h chương trình biểu diễn mới bắt đầu nhưng từ 19h khán giả ở các lứa tuổi đã ngồi chật kín sân. Trên sân khấu, các nghệ sĩ, diễn viên cảm nhận được sự mến mộ của khán giả với nghệ thuật Chèo. Người dân như được đắm mình trong làn điệu dân ca đằm thắm, trữ tình qua những điệu “Mời trầu”, không gian tâm linh với các giá hát văn và múa hát hầu đồng, đồng thời hồn nhiên bày tỏ cảm xúc của mình với các nhân vật qua các trích đoạn chèo cổ như “Hoàng Phi xử án tham quan” trong vở “Nhất Chính Ỷ Lan”, “Cháy nhà ra mặt chuột” trong vở “Nghêu sò ốc hến” hay vở chèo ngắn “Chí Phèo - Thị Nở”… Bà Đỗ Thị Thân (63 tuổi), ở tổ dân phố Tây Kênh, Thị trấn Cổ Lễ chia sẻ: Với người làng Mộc Kênh, chèo vẫn là món ăn tinh thần được đặc biệt yêu thích. Mỗi khi các nghệ sĩ Nhà hát Chèo về làng biểu diễn, nhân dân đều háo hức chào đón. Em Phạm Thị Hiền, học sinh lớp 7, Trường THCS Trực Chính (Trực Ninh) đến xem chương trình từ rất sớm và mong muốn nghệ thuật Chèo sẽ được triển khai trong những hoạt động ngoại khóa ở nhà trường trong thời gian tới.

Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Nam Định biểu diễn trích đoạn chèo “Hoàng Phi xử án tham quan” trong vở chèo “Nhất Chính Ỷ Lan”.
Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Nam Định biểu diễn trích đoạn chèo “Hoàng Phi xử án tham quan” trong vở chèo “Nhất Chính Ỷ Lan”.

NSƯT Diệu Hằng, quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định cho biết: Trong khó khăn của loại hình nghệ thuật hát kịch hiện nay, nghệ thuật Chèo vẫn thu hút được khán giả bởi Chèo có sức sống lâu bền trong nhân dân vì là sản phẩm tinh thần của người nông dân. Từ lời hát, giai điệu, diễn xuất âm nhạc, đạo cụ, trang trí trong nghệ thuật Chèo đều rất gần gũi với cuộc sống của người nông dân. Xem các nhân vật trong các tích Chèo, vở diễn Chèo, ta thấy bóng dáng của những mẫu người trong đời sống thực ở các làng quê. Những động tác của các nhân vật trong nghệ thuật Chèo thể hiện sự giản đơn nhưng phóng khoáng, bay bổng trong tâm hồn của người lao động. Nội dung các tích chèo cổ đều toát lên ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhiều cảnh đời thực của nông dân sống trong chế độ phong kiến bị đè nén, áp bức được thể hiện qua những lời thoại mang tính đả kích tầng lớp cường hào, địa chủ, tham quan… Những nghệ sĩ thông qua nghệ thuật diễn xuất linh hoạt khi độc thoại, lúc lại đối thoại dưới các hình thức ẩn dụ, nói lái, nói bóng, dẫn dắt người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bên cạnh đó, người dân lao động quanh năm vất vả, đến với sân khấu Chèo là một hình thức để họ được giải tỏa tâm lý, để được đồng cảm, gắn kết với nhau hơn. Với mong muốn chinh phục khán giả bằng chính sức sống của nghệ thuật chèo, Nhà hát Chèo Nam Định đã xây dựng các kịch mục phù hợp thị hiếu của từng nhóm khán giả. Bên cạnh các trích đoạn chèo cổ như: “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Thị Mầu lên chùa”, “Súy Vân giả dại”, “Xã trưởng mẹ Đốp”... Nhà hát cũng thành công trong biên soạn, dàn dựng 13 giá hát văn và múa hát chầu đồng trong đạo tứ phủ - một loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo của quê hương. Những năm qua, Nhà hát Chèo đã tuyển chọn được nhiều diễn viên, nhạc công được đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật chèo, bao gồm cả hát, múa, diễn, từng bước trẻ hoá đội ngũ và mang đến cho sân khấu sự tươi tắn, mới mẻ. Với phương châm “Người hát chèo sẽ tìm đến khán giả", Nhà hát Chèo Nam Định thường xuyên tổ chức diễn lưu động tới các vùng quê, các lễ hội, các trường học. Đặc biệt, vào dịp đầu xuân mới hằng năm, Nhà hát Chèo đều kín lịch biểu diễn. Từ mùng 4 Tết Ất Mùi 2015, Nhà hát đã đi biểu diễn ở các địa phương trong tỉnh như: xã Giao Hải (Giao Thủy), Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Đền Am (Nam Trực) và một số lễ hội của huyện Vụ Bản… Tại các điểm diễn, ngoài việc biểu diễn các trích đoạn trong các vở: “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Nhất Chính Ỷ Lan”, năm nay Nhà hát Chèo phục dựng vở “Tống Trân - Cúc Hoa” để phục vụ khán giả. Dù là vở diễn cổ, với câu chuyện cổ nhưng nội dung lại đề cập đến những chủ đề quen thuộc với đời sống hôm nay như ca ngợi: tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung; phê phán thói tham lam danh vọng tiền tài của tầng lớp trưởng giả...

Sức xuân cùng tiếng trống, các làn điệu Chèo của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo tỉnh đang âm vang khắp các làng quê đã góp phần bồi đắp tâm hồn, tình cảm yêu thương, nhân ái, khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn của mỗi con người trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com