Ăn cỗ ở quê

09:01, 23/01/2015

Chủ nhật tuần trước, tôi về quê ăn cỗ đám giỗ đầu bố chồng cô em gái. Quê tôi nghèo, vùng đồng trũng nên việc làm cỗ mấy chục năm nay vẫn giản đơn, chẳng thay đổi mấy. Trong mâm cỗ, ngoài thịt gà, giò nạc, giò pha, mấy đĩa xào, nộm, các món nấu bao giờ cũng có bát ninh, bát mọc nấu miến. Có khác là đĩa xôi trước kia giờ được thay bằng đĩa bánh dày đỗ nhân ngọt mang hơi hướng hàng hóa. Vì là người ở xa về nên tôi được đón tiếp rất thịnh tình. Gắp vào bát tôi một miếng thịt gà ngon, một miếng giò nạc thái to, người đại diện gia chủ ân cần: “Thức ăn đây hoàn toàn là “tự túc, tự cấp”, đều là của nhà làm ra, bác ăn thử xem có được không?”. Tôi ấm lòng trước tình cảm nồng hậu của những người dân quê.

Vừa ăn, tôi vừa được mọi người cùng mâm cởi mở chuyện trò. Khi chuyện đã vãn, cũng là lúc khách ở các mâm bên cạnh lần lượt đứng dậy. Tôi để ý thấy các bà, các cô chia nhau phần thức ăn còn lại đem về. Nhìn mâm cỗ vẫn còn nhiều thức ăn, tôi thoáng nghĩ: “Hay quê mình có “lệ” ăn cỗ - lấy phần” nên ý nhị xin phép về trước.

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet

Để giải tỏa những nghi hoặc trong đầu về những điều “tai nghe, mắt thấy” khi nãy, trong lúc ngồi uống nước, tôi dè dặt hỏi một người bạn ở quê về tập tục “ăn cỗ - lấy phần”. Người bạn thấy tôi bỗng dưng “xăm soi” chuyện “tế nhị” trong cuộc sống sinh hoạt ở quê nên có ý lảng chuyện. Cô em tôi đứng cạnh thấy vậy liền xăng xái góp chuyện: “Anh sống ở phố lâu, ít về nên thấy lạ, chứ ở quê việc này là bình thường mà! Quê mình nghèo, không phải ngày nào trong bữa ăn nhà nào cũng có thịt, cá. Phụ nữ nông thôn có thói quen có thứ gì ngon đều nhường cho chồng con; khi đi ăn cỗ vẫn nghĩ đến con, cháu ở nhà. Với suy nghĩ, đằng nào cỗ cũng đã dọn ra rồi, ăn thế nào là do mình nên các bà, các chị chỉ ăn lấy “lệ”, còn lại lấy phần cho các cháu. Như vậy anh bảo, tập tục “ăn cỗ - lấy phần” đâu có phải là xấu (!)”.

Thì ra tập tục “ăn cỗ - lấy phần” xuất phát từ bản tính nhường nhịn của những người phụ nữ nông thôn. Nghe em gái nói vậy, tôi cứ phân vân: Việc “ăn cỗ - lấy phần” không phải là tập tục xấu nhưng cũng chẳng thể là tốt trong xã hội ngày càng văn minh. Tuy nhiên, ở góc độ tình cảm, tôi hình dung ra niềm vui của những đứa trẻ khi được nhận quà và niềm hạnh phúc của các bà mẹ có quà cho con mỗi khi đi đâu về. Tập tục “ăn cỗ - lấy phần” nảy sinh từ cuộc sống sinh hoạt cộng đồng ở các vùng quê xưa và được người dân trong cộng đồng chấp nhận. Hiểu được điều này, mới thấy trân trọng ý nghĩa nhân văn trong tập tục “ăn cỗ - lấy phần” của những người phụ nữ quê tôi./.

Đức Linh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com