Mẹ ru con

07:07, 19/07/2013

Trưa hè mát rượi, gió reo vui trên những ngọn tre xa tít, rung rinh. Trưa nắng, đường làng vắng tanh vắng ngắt. Có lẽ giờ này, chỉ còn những chú bò được bác nông dân cột tạm dưới gốc cây nào đó là chưa ngủ. Đôi mắt chú bò non tròn xoe xoe hình như cũng mở to hơn để đón lấy hơi gió mát lành dưới gốc cây. Thỉnh thoảng có lẽ để “ngáp ruồi” chú cũng hục hoặc, khe khẽ nhấc cái đầu lên mặt đất. Lũ chó chắc “ngại” nắng đã chạy trốn vào trong hè, nằm khoanh tròn, cố thu nốt cái đuôi vào góc hè, sợ chủ phát hiện sẽ “đuổi” ra khỏi nhà. Cuối xóm, dưới nếp nhà ngói cũ, giữa trưa hè tiếng trẻ con khóc lanh lảnh. Có lẽ em bé khó chịu trong người. Hoặc có thể do mẹ em bận đi đâu đó chưa về để cho em ngủ. Trên tay bố, em bé khóc ngằn ngặt. Bố không làm cách gì dỗ được, chuyển sang cho bà. Bà nội nhìn vào miệng hơi sữa của cháu, hàm răng đen vẫn còn đều từng chiếc bặp bặp miệng. Cháu tôi gắt ngủ đây mà. Để bà ru cháu ngủ nhé. Ngủ rồi mẹ sẽ về ngay. Bà bế cháu rung rung khe khẽ đi lại trong nhà. Bỏ miếng trầu thơm ra khỏi miệng bà bắt đầu ru. “Con ơi con ngủ cho lành, để mẹ gánh nước rửa  bành cho voi. Muốn coi lên núi mà coi, coi bà Triệu tướng cỡi voi đánh cồng… À ả à, ả à ơi”. “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh. Ai lên xứ Lạng cùng anh. Bõ công bác mẹ sinh thành ra em. Tay cầm bầu rượu nắm nem. Mải vui quên hết lời em dặn dò”… “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. Mịt mù khói toả ngàn sương. Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Tiếng ru “xao xuyến” xóm nhỏ, đánh thức buổi trưa. Tiếng ru dừng lại, quấn quýt trên ngọn cây, ấp ôm mái ngói, lan dài rộng rãi mãi khắp cánh đồng đang vào thì con gái. Tiếng ru bao bọc cùng với độ “rung rung” của cánh tay, em bé mắt buồn riu riu. Thỉnh thoảng bé mỏi người, rướn bụng trên tay bà. Cứ như thế, qua miệng vẫn còn thơm mùi trầu mùi thuốc ngọt ngọt của bà, những địa danh, những đồng ruộng, những câu chuyện, những tình cảm cứ qua những ả à ời, ả à ơi đến tai bé. Xóm nhỏ im phăng phắc, có lẽ không chỉ em bé, nhiều người cũng muốn nghe được những lời ru của bà. Xóm nhỏ lâu lắm rồi không được nghe những lời ru như thế. Để dỗ trẻ con bây giờ có nhiều cách lắm, vứt cho một món đồ chơi, cho ngậm cây kẹo, cho xem ti vi. Nhà ai “tâm lý” hơn thì mở đĩa thiếu nhi cho con xem… Các bà mẹ trẻ hầu như không biết ru con, không nhớ được những câu tục ngữ, ca dao để vận thành lời ru. Tiếng ru của bà, vì thế giữa trưa hè trở thành “đặc sản” át tiếng ti vi, át tiếng ồn ào. Đường quê lặng lẽ không trở mình. Hình như làng quê cũng sợ, em bé giật mình rồi khóc, bà lại vất vả. Làng quê lặng lẽ hơn để nghe rõ tiếng bà ru. Làng quê nghe rõ những bài hát ru trải dài rộng rãi từ những miền xa xôi của đất nước rồi len vào mãi giấc mơ của bé. Bố từ trong nhà nhón chân không lại hỏi, con bé ngủ chưa bà? Bà cười hiền hỏi bố? Theo con, con bé có ngủ không? Bố he hé mắt nhìn. Ồ, con bé ngủ thật rồi này mẹ. Mẹ “giỏi” quá. Bà đáp lại bố. Con bé ngủ vì nghe mẹ hát ru đó chứ.

Mẹ bước vào nhà mang theo bóng nắng mùa hè. Mẹ vội vàng ào lại bên cạnh bé. Con bận việc, về muộn một chút. Để con cho cháu ngủ mẹ nhé. Bà giơ ngón tay suỵt suỵt nho nhỏ. Con bé nó ngủ được một lúc rồi. Con rửa ráy mặt mũi đi rồi vào ăn cơm, nằm nghỉ. Hôm nay mẹ cho con bé ra võng ngủ với mẹ cho thoáng. Nằm quạt điện nhiều cũng không tốt cho trẻ con. Gió quạt thốc vào mặt nhiều, coi khéo con bé lại bị ho. Nhưng mẹ, mẹ làm sao mà cháu ngủ được thế? Buổi trưa nó quấy lắm mà. Bố lại gần mẹ, vì mẹ vừa ru vừa rung rung như thế này này. Bố vừa nói vừa nâng nâng cánh tay. Mẹ ngượng nghịu, vậy mai mẹ dạy con mấy “bài” để con “trị” cháu mẹ ạ… Nếp nhà ngói cũ ngả màu dìu dịu trong nắng trưa, một thứ màu rất dịu dàng./.

Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com