Ghi nhận qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ở Ý Yên

07:07, 13/07/2013

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từ năm 1998 đến nay, cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở huyện Ý Yên luôn quan tâm, chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng xã hội hoá các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

Trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 5, Ban chỉ đạo của huyện đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, phù hợp trong từng giai đoạn các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Các phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng (thôn, xóm), tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, đạt chuẩn văn hóa, “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng giáo xứ, giáo họ tiên tiến; xây dựng chùa tinh tiến, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội… đã đi vào đời sống hằng ngày của các tầng lớp nhân dân trong huyện. MTTQ và các đoàn thể đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" gắn với việc thực hiện "Quy chế dân chủ ở cơ sở” và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thu hút nguồn lực, thực hiện xã hội hoá về văn hoá, làm cơ sở cho các hoạt động văn hoá ngày càng sinh động, phong phú. Đến nay, cả 342 thôn, xóm trong huyện đã xây dựng quy ước, hương ước thôn, xóm. Hằng năm vào dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11), các địa phương trong huyện đã tiến hành bình xét công khai, dân chủ và tổ chức trao giấy chứng nhận cho các gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; thường xuyên quan tâm biểu dương, khen thưởng kịp thời các gia đình văn hóa tiêu biểu. Toàn huyện có hơn 50 nghìn hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá; 13.945 hộ được công nhận danh hiệu Gia đình hiếu học; 247 làng văn hóa; 103 trường học, 30 trạm y tế, 46 cơ quan đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa. Trong đó, toàn huyện có 8 xã, thị trấn có 100% thôn, xóm, trường học, trạm y tế đạt danh hiệu "Làng văn hóa", "Đơn vị có nếp sống văn hóa" là các xã: Yên Ninh, Yên Đồng, Yên Trung, Yên Phong, Yên Minh, Yên Hồng, Yên Phúc, Yên Thành. Thông qua thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tư tưởng, đạo đức và lối sống trong cộng đồng nhân dân đã có chuyển biến tích cực, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp được đề cao trong gia đình và cộng đồng. Tinh thần yêu nước, yêu quê hương, tính năng động, sáng tạo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện ngày càng được nâng lên, nhất là ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, chủ động nắm bắt khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, đã tạo ra nguồn nội lực to lớn góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Quán triệt chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội nhằm tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, TDTT ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng thiết chế nhà văn hóa (NVH). Đến nay, toàn huyện đã có 10 NVH xã, thị trấn; hơn 200 NVH thôn, xóm. Các NVH được xây dựng khang trang, có khuôn viên rộng phục vụ nhân dân tham gia các hoạt động TDTT.

Di tích Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2013.
Di tích Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng (Ý Yên) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2013.

Là vùng quê giàu trầm tích văn hóa với nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, di sản văn hoá dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác bảo tồn di tích và các loại hình nghệ thuật truyền thống ở Ý Yên từng bước được khôi phục và phát triển. Toàn huyện có 32 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 12 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Huyện Ý Yên còn là “đất trăm nghề”, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng nghề sơn quang Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mỗi làng nghề truyền thống không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh, mà còn là những sản phẩm văn hoá có giá trị bản địa độc đáo. Huyện Ý Yên cũng là “cái nôi” của nghệ thuật chầu văn và hát xẩm, gắn với tên tuổi của hai cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, xã Yên Phú và Đào Thị Sại, xã Yên Đồng. Bên cạnh các làn điệu dân ca, nghệ thuật ca trù, xẩm, Ý Yên cũng nổi tiếng với các làng chèo cổ. Hiện nay, cả huyện có trên 50 tốp, đội văn nghệ quần chúng ở cả 35 xã, thị trấn; trong đó có hơn 20 đội chèo truyền thống. Tuy không được cấp kinh phí duy trì hoạt động nhưng được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương với các hình thức hỗ trợ cụ thể, thiết thực như: tập huấn chuyên môn, tổ chức các hội thi nghệ thuật hát chèo… các tiết mục chèo đặc sắc vẫn được phát trên hệ thống phát thanh từ huyện đến cơ sở. Với bề dày truyền thống của loại hình nghệ thuật cổ truyền, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc nói chung và bộ môn nghệ thuật truyền thống nói riêng ở huyện Ý Yên khá phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) ở huyện Ý Yên còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Nhận thức về văn hoá của một số cấp uỷ, chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa  toàn diện. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" phát triển chưa đồng đều. Tỷ lệ gia đình, làng, xóm, cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hoá chưa cao, các thiết chế văn hoá  cơ sở ở một số địa phương còn thiếu, lạc hậu và việc khai thác, sử dụng chưa hiệu quả. Một số hủ tục trong việc cưới, việc tang, trong hoạt động lễ hội còn chậm được khắc phục. Hiện tượng mê tín, dị đoan, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn kịp thời, một số giá trị văn hoá truyền thống chưa được phát huy đầy đủ. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), thời gian tới, huyện Ý Yên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tổ chức thực hiện có chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, tập trung xây dựng xóm, thôn, cơ quan, đơn vị, gia đình văn hoá. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của cộng đồng vào việc đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá, triển khai nhiều phong trào hành động sâu rộng trong xã hội nhằm tạo dựng môi trường văn hoá lành mạnh./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com