Cất vó tôm

07:06, 14/06/2013

Mùa hè là thời điểm thích hợp nhất để cất vó tôm. “Tôm mùa hạ, cá mùa đông” (!). Tôm mùa này do dồi dào thức ăn, khí hậu ấm nóng dễ sinh sôi, phát triển nên con nào con nấy béo chắc, thịt săn ngọt.

Ảnh minh hoa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Trước đây ở quê, nhà nào cũng có vài chục chiếc vó tôm. Gọng vó được làm từ những cây tre bánh tẻ dẻo dai, giắt trên gác bếp, tránh mối mọt, lâu ngày bồ hóng ám chuyển màu nâu vàng. Những chiếc màn xô cũ không dùng nữa đã ngả màu cháo lòng được các bà, các chị cắt thành những miếng hình vuông, khâu viền bốn cạnh rồi buộc chỉ vào bốn góc, mắc vào gọng vó. Cần cất vó là cây điền thanh già, thẳng, chắc mà nhẹ, được đóng cái đinh nhỏ ở đầu cần để giữ vó khi cất không bị tuột rơi xuống nước. Người kỹ tính còn dựng cần cất vó vào tường chứ không để nằm dưới đất vì “kiêng” nếu có người bước qua tôm sẽ không ăn (!). Trước khi đi cất vó tôm, bao giờ mẹ cũng chuẩn bị một hũ cám rang thơm phức trộn với mẻ và hoa hồi nghiền nhỏ làm mồi. Theo chân mẹ đi thả vó, lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng hăng hái nhận “chân” bỏ mồi. Mẹ vừa đặt vó xuống là bọn trẻ đã nhanh nhẹn vo tròn một viên mồi bằng hạt ngô ném vào giữa vó. Mỗi chiếc vó thả cách nhau chừng 3m. Thả vài chục chiếc vó mỗi lượt mất khoảng chừng mươi phút, sau đó quay trở lại thu hoạch mẻ tôm đầu tiên. Mẹ nhẹ nhàng và nhanh gọn cất vó lên khỏi mặt nước. Trong lòng vó mấy con tôm, con tép nhảy lao xao; có mẻ kéo được cả con tôm chà khua đôi càng nghều ngào, tôm trứng búng mình tanh tách. Nhiều khi, có cả một chú cua kềnh cũng bò vào ăn cám, nên mỗi khi đi cất vó tôm ai cũng đeo thêm cái giỏ bên hông để bỏ cua. Tôm, tép thì được trút vào chiếc rổ đan "mau" miệng rổ đã cài ngang vài cành lá tre, để ngăn chúng nhảy ra ngoài và giữ tôm được tươi lâu hơn. "Tôm nha nhá, cá rạng đông" (!). Chỉ cần thả vó từ chiều mát đến chập choạng tối đã cất được lưng rổ tôm. Có buổi ham cất, mẹ sai chúng tôi về nhà lấy chiếc đèn hoa kỳ ra soi để cất tiếp. Khi thu vó về, dù đã mệt "bã" người nhưng bao giờ mẹ cũng cẩn thận ra cầu ao giũ sạch bùn đất rồi mới chổng ngược từng chiếc vó lên phơi. Cứ sau vài bận cất vó là phải nấu bột hoặc cháo làm hồ, quét vào giữa vó để dụ tôm đến ăn nhiều hơn. Tôm, tép cất về, mẹ đổ ra sàng, nhặt hết rong rêu, cấn cát rồi rửa sạch, phân ra từng loại. Tép cho vào cối đá bỏ muối, giã nhuyễn làm mắm, hôm nào được nhiều thì đem phơi khô làm thực phẩm dự trữ, phòng khi mưa to gió lớn thì mang tép ra sốt cà chua hoặc chưng mắm. Mẹ cũng rang vội ít tôm để bữa tối hôm ấy, các con xì xụp thưởng thức món tôm tươi ngọt lịm, chắc mẩy, ăn với nước rau muống luộc. Bây giờ, đồng ruộng phun thuốc trừ sâu nhiều, con tôm, con cá tự nhiên ở các hồ ao, sông, ruộng ngày càng ít. Thỉnh thoảng về quê, bất chợt bắt gặp người đi cất vó, lòng lại rưng rưng nhớ về tuổi thơ lam lũ với bao kỷ niệm ngọt ngào./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com