Tập trung khai thác và phát triển tiềm năng du lịch

06:05, 24/05/2013

Tỉnh ta có điều kiện tự nhiên và những yếu tố nguồn lực, tiềm năng thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch biển. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch ở khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung và ở tỉnh ta nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng; mới dừng ở việc khai thác những tiềm năng sẵn có, quy mô hạn chế, chưa tạo được những sản phẩm du lịch có chất lượng và sức cạnh tranh cao.

Năm 2012, tổng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch của tỉnh ước đạt gần 1 triệu 840 nghìn lượt, tăng 8,2% so với năm 2011. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 305,7 tỷ đồng, tăng 33,4% so với năm 2011. Ba tháng đầu năm 2013 đón khoảng 720 nghìn lượt khách, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2012. Du lịch đã góp phần thúc đẩy một số lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận lao động. Từ nhiều năm nay, du lịch biển của tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của du khách. Tại các khu du lịch biển của tỉnh, hiện đã có gần 300 khách sạn, nhà nghỉ, ki-ốt với hơn 2.000 buồng, phòng đáp ứng nhu cầu của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Thời gian qua, các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng đã tích cực đầu tư cải tạo, nâng cấp trang thiết bị nội thất đạt tiêu chuẩn. Các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch khá đa dạng và luôn được chú trọng duy trì nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư xây dựng khách sạn chất lượng cao, khu resort, biệt thự nghỉ dưỡng cũng đang gấp rút được thi công để sớm đưa vào phục vụ khách du lịch. Ban quản lý các khu du lịch cùng chính quyền địa phương tập trung triển khai dự án xây dựng các tuyến đường dân sinh, kè khu vực bãi tắm, sửa chữa hệ thống điện chiếu sáng, cung cấp nước sạch, tăng cường công tác cứu hộ, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, quản lý tốt công tác kinh doanh dịch vụ, làm lành mạnh môi trường văn hoá du lịch. Tiêu biểu là khu du lịch biển Quất Lâm (Giao Thủy), cơ sở vật chất và các hoạt động dịch vụ phát triển nhanh, an ninh trật tự được đảm bảo, chất lượng các dịch vụ phục vụ du khách ngày càng tốt hơn, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong, ngoài tỉnh và cả khách quốc tế về tham quan, du lịch, nghỉ mát, tắm biển. Kết cấu hạ tầng khang trang, đường 51B vào khu du lịch được mở rộng, nâng cấp hiện đại; 2km kè biển kiên cố, 3 trục đường rải nhựa với chiều dài hơn 4km, đường trục số 4 đang được thi công với tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng; 112 ki-ốt, 42 nhà nghỉ, khách sạn với 890 phòng nghỉ tiện nghi, đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Doanh thu về du lịch năm 2012 đạt 67 tỷ đồng, tăng 24,07% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng số lượt khách đến tham quan du lịch năm 2012 ước đạt 240.000 lượt người, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2011, bằng 104% kế hoạch; giải quyết việc làm cho 1.500 lao động trực tiếp và gián tiếp. Trong quý I năm 2013, du lịch  biển Quất Lâm đã đón gần 55.000 lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2012. Tập đoàn Bắc Hà đang triển khai thực hiện dự án khu resort và vui chơi giải trí Bắc Hà tại khu du lịch Quất Lâm với tổng mức vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đang được thử nghiệm tại xã Giao Xuân và sẽ nhân rộng ra 5 xã vùng đệm. Năm 2012, toàn tỉnh có thêm 7 khách sạn, nhà nghỉ mới được xây dựng, đầu tư nâng cấp với số vốn đầu tư khoảng 90 tỷ đồng, nâng tổng số cơ sở kinh doanh du lịch toàn tỉnh lên 533 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có 306 cơ sở kinh doanh lưu trú với 3.989 buồng phòng; 17 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, còn lại là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và mua sắm du lịch. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh về cơ bản đã hoàn tất với việc đưa vào sử dụng quốc lộ 21 và tỉnh lộ 490C2, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình…, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian đi lại của du khách tới Nam Định.

Hội thi diều sáo khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2013 tại Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ). Ảnh: PV
Hội thi diều sáo khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2013 tại Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ).

Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự phát triển du lịch ở khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung và ở tỉnh ta nói riêng chưa tương xứng với tiềm năng; mới dừng ở việc khai thác những tiềm năng sẵn có, quy mô hạn chế, chưa tạo được những sản phẩm du lịch có chất lượng và sức cạnh tranh cao; thiếu sự phối hợp, liên kết chặt chẽ ở tầm vĩ mô giữa các địa phương trong vùng và thiếu chiến lược cụ thể nhằm gắn du lịch đồng bằng sông Hồng với các vùng du lịch cả nước trong xu thế hội nhập quốc tế. Cũng như các địa phương trong khu vực, ngành du lịch tỉnh ta có chung một thực trạng là phát triển thiếu tính quy hoạch; đầu tư cho phát triển du lịch thấp, chưa tạo được nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Xét về cơ cấu khách du lịch thì chỉ có 30% lượng khách có khả năng chi trả cao cho nhu cầu ăn nghỉ, tham quan, mua sắm, còn lại 70% là khách du lịch lễ hội, đi lại trong ngày. Điều này cho thấy, dù lượng khách đến tham quan các điểm du lịch trong tỉnh đông, nhưng hiệu quả hoạt động du lịch dịch vụ lại rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả của du lịch Nam Định thấp là do cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật du lịch còn yếu và thiếu đồng bộ; kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và trình độ nghiệp vụ cán bộ, lao động ngành còn nhiều bất cập. Các khách sạn, nhà nghỉ thiếu các dịch vụ phục vụ “chất lượng cao” như sân tennis, bể bơi, phòng tập đa năng; các cơ sở kinh doanh du lịch chưa có các mặt hàng, sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, dẫn đến hiệu quả hoạt động du lịch chưa cao, doanh thu du lịch còn hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở tỉnh ta vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể là, đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên làm công tác du lịch chưa được đào tạo chuyên sâu, thiếu tính chuyên nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các loại hình du lịch, lữ hành khi tuyển chọn nhân viên, vì muốn tiết kiệm chi phí nhân công nên chủ yếu thuê lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Bên cạnh đó, nguyên nhân do công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được coi trọng, khiến khách du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế thiếu thông tin để tiếp cận, khai thác hiệu quả thị trường du lịch Nam Định.

Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013 là dịp để ngành Du lịch tỉnh ta cùng các địa phương trong khu vực định hướng, tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường liên kết vùng, tạo sự đa dạng và khác biệt về sản phẩm du lịch khu vực đồng bằng sông Hồng với các khu vực khác trong nước cũng như các quốc gia khác. Theo đó, năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013 bao gồm một chuỗi 66 sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể thao được tổ chức trong suốt năm, thu hút sự tham gia của 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam và Quảng Ninh, do Thành phố Hải Phòng đăng cai. Để tổ chức thành công năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013 và bảo đảm phát huy bền vững những kết quả đạt được, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch; tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho từng địa phương và cả vùng. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về du lịch cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác du lịch; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tăng cường nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đảm bảo trật tự an ninh, vệ sinh môi trường, VSATTP. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực triển khai hoạt động xúc tiến du lịch, cung cấp thông tin về du lịch Nam Định tới các doanh nghiệp và khách du lịch trong nước và quốc tế.

Để thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2015 thu hút khoảng 2,3 triệu lượt khách, thu nhập từ du lịch dự kiến đạt 29,2 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 11 nghìn lao động, tỉnh ta đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh gồm: tuyến du lịch từ Thành phố Nam Định - Nam Trực - Nghĩa Hưng - biển Thịnh Long (Hải Hậu); tuyến Thành phố Nam Định - Vụ Bản - Ý Yên; tuyến Giao Thủy - Hải Hậu - Nghĩa Hưng… với các sản phẩm du lịch lễ hội, tham quan các di tích cách mạng, các công trình kiến trúc tôn giáo tiêu biểu, các điểm du lịch lịch sử sinh thái, nghỉ mát. Xây dựng tuyến du lịch liên vùng nối Nam Định với các tỉnh duyên hải phía Đông Bắc, các tỉnh miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Hồng; các tuyến du lịch ven biển, tuyến du lịch đường sông, đường biển. Đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối hệ thống các di tích lịch sử - văn hoá tại tỉnh ta trong mối liên hệ với các địa danh thuộc các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội... thông qua việc xây dựng quy hoạch tổng thể, các kế hoạch, chương trình phát triển các khu, tuyến điểm du lịch mang tính chuyên đề; thực hiện hợp tác tổ chức các sự kiện du lịch văn hóa cấp vùng, tuyên truyền quảng bá cho sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của cả vùng./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com