Khai thác tiềm năng làng nghề trong phát triển du lịch

06:05, 17/05/2013

Tỉnh ta có nhiều làng nghề truyền thống, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể phong phú và độc đáo. Khai thác và phát huy tiềm năng văn hóa làng nghề trong phát triển du lịch gắn với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Làng nghề - di sản văn hoá và tiềm năng du lịch

Nam Định được coi là “đất trăm nghề”, trong đó có hơn 50 làng nghề truyền thống lâu đời, như: làng trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, Điền Xá; làng rèn Vân Chàng (Thị trấn Nam Giang); nghề đúc đồng Đồng Quỹ, xã Nam Tiến; nghề làm bánh kẹo ở Thượng Nông, xã Bình Minh; nghề làm đèn ông sao ở Báo Đáp, xã Hồng Quang; nghề mộc ở xã Nam Cường; trồng dâu nuôi tằm ở xã Nam Thắng; nghề làm nón ở thôn Rục Kiều, xã Nam Hùng; nghề dệt ở thôn Liên Tỉnh, Nam Hồng (Nam Trực); làng dệt Phương Định, Cổ Trữ, ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); sơn mài Cát Đằng, chạm khắc La Xuyên, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên), mây tre đan Vĩnh Hào (Vụ Bản)… Trải qua quá trình phát triển, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mỗi làng nghề truyền thống ở tỉnh ta không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh, mà còn mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo. Bởi lẽ, các sản phẩm đó là kết quả từ quá trình lao động, sáng tạo từ bàn tay, khối óc mang đậm dấu ấn tinh hoa văn hoá của đất và người Nam Định. Hơn 700 năm trước, khi xây dựng hành cung Tức Mặc (phủ Thiên Trường), các vị Vua Trần còn cho “thiết kế” các vùng đất chuyên trồng hoa, phục vụ trang trí cho hoàng cung. Cùng với thời gian, nghề trồng hoa, cây cảnh ở các làng, xã Vị Khê, Phù Long, Mỹ Tân, Vạn Diệp… xung quanh cung Tức Mặc xưa dần đi vào hướng chuyên canh. Hoa, cây cảnh trở thành sản phẩm hàng hoá trong các phiên chợ. Theo các nghệ nhân làng Vị Khê, trồng cây và chơi cây cũng là một nghệ thuật, phụ thuộc vào trình độ tay nghề của người làm vườn và thẩm mỹ của người chơi cây. Do đó, mỗi làng hoa đều có những đặc trưng riêng trong nghệ thuật tạo thế, tỉa cây. Xã Yên Ninh (Ý Yên) có hai làng nghề mộc thủ công mỹ nghệ truyền thống là La Xuyên và Ninh Xá nổi tiếng thu hút 2.500-3.000 lao động thường xuyên. Đình làng cả hai thôn Ninh Xá và La Xuyên cùng thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng. Vào đêm giao thừa hằng năm người dân làng nghề vẫn duy trì tục “lấy lửa đình”, thắp hương tưởng nhớ các vị tổ nghề. Trong các nghề truyền thống, “thương hiệu” đúc đồng Tống Xá (Ý Yên) đã nổi danh khắp cả nước về nghệ thuật đúc tinh xảo. Thành Nam xưa là một trung tâm thương nghiệp, có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng, với các phố phường nổi tiếng gắn với các nghề thủ công nghiệp, buôn bán sôi động chẳng kém Thăng Long, phố Hiến. Nhiều con phố được đặt tên theo các phường nghề, cho thấy sự phát triển về kinh tế - xã hội như: Phố Hàng Cấp xưa là nơi chuyên nghề dệt cấp - một thứ lụa quý dệt bằng tơ nõn, dệt lĩnh, the, gấm; phố Hàng Tiện, chuyên về mộc, chạm khắc; phố Hàng Khay nổi tiếng với mặt hàng sập gụ, tủ chè. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm tủ chè thường có bộ “lèo” là một dải hoa văn được khắc, đục tinh xảo ở ngoài cửa kính theo các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), các tích cổ Chiêu Quân cống Hồ, Trúc lâm thất hiền...

Hát văn trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2013.
Hát văn trong Lễ hội Phủ Dầy năm 2013.

Phát triển du lịch làng nghề gắn với bảo tồn di sản văn hoá

Phát triển làng nghề truyền thống ở tỉnh ta trong những năm qua đã đạt những kết quả tích cực, đã khai thác và phát huy tiềm năng văn hoá của làng nghề để phát triển du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác phát triển du lịch làng nghề ở tỉnh ta chưa tương xứng với “tiềm năng”. Thực tế các làng nghề trong tỉnh hiện mới chỉ quan tâm làm kinh tế từ phát triển nghề đơn thuần chứ chưa khai thác tiềm năng du lịch làng nghề. Các sản phẩm du lịch làng nghề ở tỉnh ta còn đơn điệu, thiếu tính độc đáo. Tỷ lệ khách du lịch đến tham quan các làng nghề còn thấp so với lượng khách du lịch đến tỉnh, thời gian lưu trú ngắn, hiệu quả từ các dịch vụ phục vụ khách hoặc bán các sản phẩm làng nghề còn ít. Công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm còn yếu. Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông và dịch vụ lưu trú du lịch ở địa bàn nông thôn phát triển chậm, ảnh hưởng đến phát triển du lịch làng nghề. Tại nhiều làng nghề truyền thống, tình trạng thiếu điện, nước sạch hoặc môi trường ô nhiễm, vệ sinh kém cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch. Một số làng nghề cơ khí như rèn, đúc đồng hoặc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan du khách muốn đến tham quan, song vì điều kiện ăn ở, sinh hoạt chưa đảm bảo nên các doanh nghiệp lữ hành chưa mặn mà với việc lập tour đưa khách đến. Bên cạnh đó, do hệ thống giao thông liên xã, liên thôn ở các làng nghề rất hạn chế, trong khi các doanh nghiệp lữ hành thường sử dụng ô tô loại từ 29 đến 45 chỗ ngồi, nên chưa đáp ứng được. Việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các làng nghề truyền thống cũng chưa được tốt, cảnh quan cũng đang bị "biến dạng" trước áp lực đô thị hoá ngày càng tăng. Bên cạnh đó, vấn đề bảo tồn những giá trị di sản văn hoá cổ truyền đang đối diện với nhiều khó khăn. Trước hết là công tác lưu trữ tư liệu về lịch sử hình thành, truyền thống phát triển ngành nghề trong các giai đoạn lịch sử, những đánh giá chuyên môn về giá trị đặc sắc của nghề, sản phẩm làng nghề… có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc. Tuy nhiên ở các làng nghề truyền thống tỉnh ta phần lớn “tư liệu” lịch sử này chỉ truyền miệng với các giai thoại, chuyện kể của người cao tuổi. Các nghệ nhân với những bí quyết và kinh nghiệm dân gian nắm bắt nhiều kỹ xảo, kỹ năng truyền thống đã cao tuổi và ngày một “vơi dần” trong khi công tác truyền dạy, sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn tư liệu chưa được quan tâm đúng mức cả ở cơ quan chức năng và chính các làng nghề khiến lớp lao động trẻ không được đào tạo cơ bản lại chưa nắm được “bí quyết” tổ nghề. Thực trạng đó dẫn tới giảm sút về độ tinh xảo mỹ thuật, các sản phẩm làm ra không tương xứng với nghề truyền thống, mất yếu tố độc đáo khiến một số làng nghề truyền thống bị mai một.

Để khai thác và phát huy tiềm năng di sản văn hoá làng nghề truyền thống, góp phần phát triển loại hình du lịch làng nghề, các cấp, các ngành chức năng cần có những giải pháp mang tính chiến lược, phù hợp với điều kiện thực tế của từng làng nghề. Trong đó, cần quan tâm nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tu bổ, tôn tạo cảnh quan môi trường; có chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc quy hoạch, giữ gìn bản sắc văn hoá làng nghề. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh, trong đó có sản phẩm du lịch làng nghề, đồng thời, tiến hành sưu tầm các tài liệu, hiện vật có giá trị về truyền thống của các làng nghề. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ thợ thủ công mỹ nghệ có trình độ thẩm mỹ, kiến thức khoa học, về truyền thống văn hoá nghề và làng nghề. Với giá trị văn hoá và tiềm năng to lớn, việc phát triển du lịch làng nghề gắn với mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc là nhiệm vụ cần có sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành và toàn xã hội./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com