Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

07:05, 02/05/2013

Xã Hải Nam (Hải Hậu) là vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây, vào tháng 7-1931, tổ Đảng Hội Khê Ngoại đã tổ chức treo cờ Đảng trên cây gạo trước đền Hội Khê Ngoại để cổ vũ tinh thần đấu tranh của hơn 100 nông dân Hải Nam, buộc lý trưởng làng Hội Khê phải giảm thuế thân, thuế điền. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân xã Hải Nam đã kiên trì bám đất, bám làng, đùm bọc, nuôi dưỡng cán bộ, đảng viên, chiến đấu ngoan cường, cùng với nhân dân Hải Hậu làm nên các chiến thắng vang dội cầu Đôi, Đông Biên, Tang Điền, Văn Lý… Tổng kết các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã Hải Nam đã có 7 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 184 liệt sỹ, 58 thương binh, hàng trăm bệnh binh... Để tỏ lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, tháng 7-2009 Đảng bộ và nhân dân xã Hải Nam đã xây Biểu tượng treo cờ Đảng tháng 7-1931 và Nhà truyền thống xã Hải Nam trên khuôn viên rộng 600m2 ngay khu trung tâm xã. Hằng năm, đây là nơi diễn ra các hoạt động kỷ niệm, tri ân những người đã hy sinh vì quê hương, đất nước, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ở phường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định), hằng năm, vào ngày 14-4, Đảng uỷ, UBND, Ủy ban MTTQ phường, các ngành, đoàn thể, cùng cán bộ và nhân dân tổ dân phố số 9, 12 đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh tại bia tưởng niệm Hàng Thao. Nơi đây, ngày 14-4-1966 máy bay giặc Mỹ đã ném bom, giết hại dã man 77 người (trong đó có nhiều trẻ em), 135 người bị thương, 240 ngôi nhà bị sập… Sau chiến tranh, để ghi lại tội ác của đế quốc Mỹ, Nhà nước đã cho xây dựng khu tưởng niệm ngay trên mảnh đất đổ nát hoang tàn đó (nay là số 17 Hàng Thao). Ngày 29-4-1979 khu tưởng niệm đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng “Di tích lịch sử - văn hoá”. Lễ dâng hương hằng năm là dịp để mỗi người dân “đời đời kiếp kiếp, khắc cốt ghi tâm” tội ác của kẻ thù, nhắc nhở thế hệ trẻ nêu cao tinh thần cảnh giác đối với các thế lực thù địch, cùng nhau phấn đấu xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Học sinh xã Hải Nam (Hải Hậu) thường xuyên tham gia giữ gìn môi trường Nhà truyền thống của xã.
Học sinh xã Hải Nam (Hải Hậu) thường xuyên tham gia giữ gìn môi trường Nhà truyền thống của xã.

Cùng với Bia tưởng niệm Hàng Thao, các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến trên địa bàn Thành phố Nam Định, là tài sản vô giá của một thời kỳ lịch sử oai hùng để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tiêu biểu như: Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm, Khu chỉ huy của Nhà máy LH Dệt Nam Định, Hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định… Khu chỉ huy sở Nhà máy LH Dệt Nam Định thời kỳ chống Mỹ cứu nước được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia là một chứng tích khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng của giai cấp công nhân Thành Nam, có giá trị giáo dục lịch sử to lớn. Gia đình bà Hoàng Thị Hồng, 74 tuổi, ở số nhà 19C, tổ 11, phường Cửa Bắc là một trong 7 hộ dân hiện đang sống ở khu vực di tích Khu chỉ huy sở Nhà máy LH Dệt Nam Định thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Là công nhân Nhà máy LH Dệt Nam Định từ năm 1963, bà Hồng đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nhà máy. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ - mặc dù giặc ném bom, bắn tên lửa, rốc két tàn phá các cơ sở công nghiệp dệt, song cán bộ, công nhân viên Nhà máy LH Dệt Nam Định vẫn vững vàng trong phong trào “tay thoi, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “đội bom mà sản xuất”, “địch đánh ngày ta sản xuất đêm”, “địch đánh cả đêm, ta sản xuất cả ba ca”. Vào năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh đánh phá miền Bắc, Nhà máy LH Dệt Nam Định phải sơ tán đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để tiếp tục sản xuất, chỉ để lại cơ sở B2 với một phần ba máy móc và 4.610 cán bộ, nhân viên bám trụ chiến đấu và sản xuất tại Thành Nam. Nhà máy đã xây dựng hàng loạt hệ thống nhà hầm, giao thông hào, hố cá nhân, bao gồm cả trụ sở chỉ huy của Đảng ủy, Ban giám đốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Quân sự của nhà máy để tránh bom đạn, duy trì sản xuất và chủ động chiến đấu. Giặc Mỹ đã hai lần ném bom vào khu vực chỉ huy sở ngày 3-6-1967 và ngày 6-6-1967. Lần đầu chúng ném 8 quả bom loại 220 (gần 985kg). Lần thứ hai chúng phóng một tên lửa. Ban lãnh đạo nhà máy vẫn bám trụ ở nơi đây suốt những năm chống Mỹ cứu nước (1965-1975), đặc biệt là những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ (từ tháng 7-1965 đến tháng 1-1973).

Nhằm phát huy truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc, trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, tạo điều kiện để các thế hệ hôm nay được biết thêm về những chiến công và sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh đi trước. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước hạn hẹp nên công tác bảo vệ, chống xuống cấp các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến vẫn gặp khó khăn vì các di tích này hầu hết đã xuống cấp nghiêm trọng. Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích nói chung và di tích lịch sử cách mạng kháng chiến nói riêng, cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân, các cấp, ngành cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử, văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo đối với từng di tích. Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân để từng bước tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, trong đó cần ưu tiên cho việc chống xuống cấp di tích. Đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ di tích. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân sinh sống tại các khu vực có di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến trở thành người chủ thực thụ, biết nâng niu, trân trọng các di tích để bảo vệ di tích./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com