Tinh thần Trần Nhân Tông và sức lan toả…

07:02, 16/02/2013

1. Năm mới Quý Tỵ (2013), 755 năm đản sinh Phật hoàng Trần Nhân Tông, 705 năm ngày Đức quân vương Trần Nhân Tông hoá Phật, một tin vui nức lòng muôn triệu con dân nước Việt: “Học viện Trần Nhân Tông (Trần Nhân Tông Academy) do Giáo sư Thomas Patterson, Đại học Harvard - Mỹ, làm Chủ tịch, lần đầu tiên trao giải thưởng quốc tế về Hoà giải và yêu thương mang tên Trần Nhân Tông. Giải thưởng được một Uỷ ban Quốc tế (gồm các học giả và chính khách danh tiếng) xét tặng và trao giải vào ngày 19-6 hằng năm.

Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn cho đất nước, quê hương ta, là cánh én báo hiệu mùa xuân Việt Nam hoà nhập sâu sắc với nhân loại.

2. Thế giới từng biết và yêu mến một đất nước - nhân dân Việt Nam anh hùng, thân thiện mong muốn làm bạn với mọi người. Thế giới sẽ và ngày càng biết đến một danh nhân văn hoá lỗi lạc, tinh hoa dân tộc Việt Nam: Đức quân vương - Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), mà ánh sáng tinh thần của người đã toả sáng và càng thêm toả sáng trong thời đại chúng ta.

Tinh thần Trần Nhân Tông, đó là tinh thần hoà giải - yêu thương - hướng thiện. Tinh thần ấy toát lên từ mỗi ý nghĩ, việc làm trong cuộc đời sôi nổi, phong phú hơn nửa thế kỷ của người.

Ảnh Internet.
Ảnh Internet.

“Đại Việt sử ký toàn thư”, “Tam tổ thực lục”, “Thánh đăng ngữ lục” từng ghi lại: Năm 1285, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt sai Thái tử Thoát Hoan mang 50 vạn quân sang xâm lược Đại Việt. Đội quân xâm lược của đế chế Nguyên - Mông hùng mạnh và hung bạo nhất mọi thời đại “đến như rơi trên trời xuống, đi như chớp giật” ấy, đã từng tung hoành khắp Á - Âu từ Thái Bình Dương đến thành Vơnidơ - Tây Bắc Địa Trung Hải, nay lại đe dọa sự tồn vong của dân tộc Đại Việt. Trần Nhân Tông khi ấy 28 tuổi, sắp bước vào tuổi tráng niên, vâng ý chỉ của Thượng hoàng Thánh Tông đã triệu tập hội nghị quân sự Bình Than và hội nghị bô lão cả nước tại điện Diên Hồng, cố kết lòng người, tạo nên sức mạnh Đại Việt, giáng những đòn sấm sét vào giặc ngoại xâm, buộc Thoát Hoan phải chui ống đồng, chạy dài về nước. Ba năm sau, vẫn Thoát Hoan thống lĩnh 30 vạn tinh binh, một lần nữa sang xâm chiếm Đại Việt. Lúc này Trần Nhân Tông tròn 30 tuổi, độ tuổi tam thập nhi lập, cũng là lúc người đã được Tuệ Trung thượng sỹ truyền tâm ấn, giác ngộ diệu lý nhà Phật. Nhưng ở ngôi Hoàng đế chí tôn, hàng triệu sinh linh Đại Việt đang hướng về người mong được sự giải thoát nhãn tiền, tránh khỏi sự huỷ diệt tàn khốc của vó ngựa Nguyên - Mông. Vì lòng thương yêu chúng sinh, không còn sự lựa chọn nào khác, người đã tìm con đường “cư trần lạc đạo”, tu Phật giữa chốn trần ai. Theo gương Phật tổ Như Lai “dĩ sát chỉ sát” (lấy việc diệt trừ giặc ác để chấm dứt chiến tranh), người đã chỉ huy quân dân Đại Việt chiến đấu ngoan cường. Và trong trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng, người đã cùng Thượng hoàng mang quân Thánh dục dũng nghĩa tiếp ứng cho Hưng Đạo vương, tung quân đánh lớn, góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng giang oanh liệt muôn đời bất hủ… Chưa đầy 10 ngày sau khi giặc thù rút chạy hết về nước, người ban lệnh đại xá thiên hạ, miễn giảm tô dịch cho toàn dân. Những nơi binh lửa tàn phá thì miễn giảm toàn phần. Đây là việc làm vô tiền khoáng hậu của một vị vua hiền hết lòng thương yêu nhân dân. Trong lịch sử chiến tranh đông tây, kim cổ chưa có vị thủ lĩnh nào chăm lo và thực hiện “khoan nới sức dân” nhanh đến thế. Sau đó, thể hiện lòng khoan dân rất mực, người còn cho phép chuộc lại nô tỳ, ruộng đất đã cầm cố. Mùa xuân năm Quý Mão (1303), khi trong nước mất mùa, đói kém, người đã mở hội Vô lượng pháp tại chùa Phổ Minh, đem vàng bạc, tiền lụa chẩn cấp cho dân nghèo.

Thực hiện hoà giải dân tộc, người đã không truy bức gắt gao những kẻ lỡ phạm tội. Sử ghi lại việc trong ngày chiến thắng, vua cùng Thượng hoàng đã cho đốt ngay hòm biểu xin hàng giặc Nguyên trước đây của những người sợ hãi dao động, mà quân ta bắt được. Đây là việc làm nhân ái của một Hoàng đế anh minh bỏ qua quá khứ coi sự đoàn kết của vua quan tướng lĩnh, sự tồn vong của xã tắc giang sơn là trọng. Lại nữa, trong nội bộ giới quan lại liêu thuộc, Trần Nhân Tông luôn chủ trương hoà giải, đoàn kết. Biết được sự xích mích, bất hoà của hai quan đại thần là Hàn lâm viện Đinh Củng Viên và Hành khiển Ty Lê Tòng Giáo, Trần Nhân Tông đã khuyên dạy cả hai vị gỡ mối hiềm khích, giao hảo với nhau. Qua việc này sử thần Ngô Sỹ Liên đã ngợi ca Trần Nhân Tông là ông vua trung hậu của nhà Trần trung hậu.

Không chỉ hoà giải dân tộc, mà Trần Nhân Tông còn chủ động hoà giải với các nước láng giềng. Với kẻ thù Đại Nguyên phương Bắc, thể hiện đạo lý nhân đạo khoan hồng của dân tộc, mỗi lần chiến thắng, người đều cho thả tù binh: Sau chiến thắng Tây Kết, người đã cho phóng thích 5 vạn tù binh. Sau chiến thắng Bạch Đằng, không những quân lính mà ngay đến các tướng lĩnh cao cấp của nhà Nguyên như Sầm Đoạn, Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ đại vương… ta bắt được người đều cho thả về nước. Sự việc này cùng với những tờ biểu lời lẽ khôn khéo mà kiên quyết nối lại hoà hiếu giữa hai nước, cùng với bài ca chúc thọ vua Nguyên, đã làm “dịu cơn ngứa trong tim” Hốt Tất Liệt, tránh cho đất nước khỏi cuộc can qua một lần nữa…

Tin tưởng Phật tính và cái Tâm Phật có trong tất thảy chúng sinh, khi đất nước yên bình, Trần Nhân Tông xuất gia lên danh sơn Yên Tử dốc lòng tu Phật, trở thành Trúc Lâm đệ Nhất tổ, giáo chủ đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, rồi sau đó vân du khắp nơi hoằng dương Phật Pháp. Bước chân hành cước của người đã đến tận kinh đô Chiêm Thành - Đồ Bàn. Người đã từng khất thực ở đây như một tỳ khưu phái Tiểu thừa bản địa. Vua Chiêm Chế Mân biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn người về nước… Diệu lý Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Trúc Lâm đại sỹ - Trần Nhân Tông được đúc kết trong “Cư trần lạc đạo phú”, “Đắc thủ lâm tuyền thành đạo ca” và các bài giảng Thiền của người đã dung hợp giáo lý Phật, Nho, Lão cùng đạo thờ Mẹ, Cha, kính hiếu Tiên tổ của người Việt, thống nhất trong cái Tâm bình đẳng, hướng thiện - người là nhà tư tưởng sáng tạo nhất của Tăng đoàn Đại Việt.

3. Cách đây trên bảy thế kỷ, kết tinh tinh hoa Đại Việt, Phật hoàng Trần Nhân Tông là đỉnh cao chói lọi của tấm lòng yêu thương - hoà giải - hướng thiện. Kỳ diệu thay những điều cốt tuỷ trong Thiền lý của người đến nay không những nguyên vẹn ý nghĩa, mà còn nảy nở sinh sôi những tầng nghĩa mới trong cuộc hợp lưu văn hoá Đông - Tây. Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chính kiến, đấu tranh phe phái ý thức hệ… diễn ra nóng bỏng từ Đông Bắc Á đến Nam Á, từ Bắc Phi đến Trung Đông, Nam Mỹ và trước những thách thức của suy thoái kinh tế, phân hoá giàu nghèo, chạy đua hạt nhân, thảm họa môi trường… hơn lúc nào hết nhân loại khát khao một lần hoà bình bền vững, một cuộc sống an lạc. Cơ sở đầu tiên để thực hiện ước vọng đó phải là hoà giải - yêu thương - hướng thiện, điều mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chủ trương và suốt đời theo đuổi… Học viện Trần Nhân Tông thật có lý khi khởi đầu từ năm 2013, hằng năm vào ngày 19-6, sẽ lựa chọn, tôn vinh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp hoà giải, yêu thương và hướng thiện bất kể sắc tộc, tôn giáo, màu da.

*

Có một bài thơ mà Phật hoàng Trần Nhân Tông ngự đề ở chùa thôn Cổ Châu trước khi lên am Ngọc Vân hoá Phật, tôi xem như Di chúc của người cho nhân loại. Bài thơ ấy như sau:

Thế số nhất sách mạc
Thời tình lưỡng hải ngân
Ma cung hồn quản thậm
Phật quốc bất thăng xuân

(dịch: Số đời mờ mịt chiêm bao
Tình người đôi mắt dạt dào thoảng qua
Lúc hồn quản tại cung ma
Là khi nước Phật la đà sắc xuân)

Theo nghĩa hiển ngôn - trần thế của bài thơ, Phật hoàng chỉ ra rằng: giữa cái mờ mịt hỗn mang của cõi đời xưa cũng vậy mà nay cũng vậy, chỉ tình người yêu thương trong sáng là còn lại mãi mãi. Và khi toàn nhân loại cũng như mỗi con người khống chế, hoá giải được cái ác, ngay từ nơi phát sinh ra nó, thì thế giới này sẽ là mùa xuân không cùng của nước Phật. Có lẽ tôi nghĩ mùa xuân không chỉ riêng Phật quốc, mà còn là Thiên đàng đối với Cơ đốc giáo, là cõi Thánh A la đối với Hồi giáo, là “lạc quốc” (chữ trong Kinh thi) của muôn người. Tinh thần Trần Nhân Tông là ở đó - nhân văn cao cả biết bao! Đẹp đẽ biết bao!

Thiên Trường - Xuân Quý Tỵ 2013
NGƯT  Đỗ Thanh Dương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com