Giá trị lịch sử văn hoá từ cuộc trưng bày “Thăng Long - Thiên Trường thời đại Trần thế kỷ XIII, XIV”

05:09, 14/09/2012

Hướng tới kỷ niệm “750 năm Thiên Trường - Nam Định”, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, vừa qua, tại Hà Nội, Sở VH, TT và DL tỉnh phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Hội Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, Hội Cây cảnh nghệ thuật Thăng Long tổ chức trưng bày chuyên đề “Thăng Long - Thiên Trường thời đại Trần thế kỷ XIII, XIV” và triển lãm cây cảnh nghệ thuật. Đây là một trong các hoạt động văn hóa có ý nghĩa căn cứ khoa học để tổ chức kỷ niệm “750 năm Thiên Trường - Nam Định”, góp phần khẳng định những giá trị lịch sử - văn hóa mang đậm bản sắc quê hương Nam Định.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia khẳng định: Qua các tài liệu, hiện vật tại cuộc trưng bày, đã tiếp tục khẳng định: Phủ Thiên Trường xưa đã được xây dựng thành một trung tâm quyền lực, kinh đô thứ 2 sau Thăng Long. Thế kỷ XIII, XIV, Thăng Long - Hà Nội có mối liên hệ mật thiết với Thiên Trường - Nam Định. Hành cung Thiên Trường là nơi ở của các Thái thượng hoàng, người có vai trò cao nhất trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước. PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật (Bộ VH, TT và DL) nhấn mạnh: Về phương diện chính trị, có thể coi hành cung Thiên Trường như một kinh đô thứ 2 của Đại Việt vào thế kỷ XIII, XIV. Hành cung Thiên Trường được vương triều Trần xây dựng để các Thượng hoàng nhà Trần lui về sinh sống, nhưng cũng là nơi các Vua Trần về chầu. Nói cách khác, hành cung Thiên Trường là trung tâm quyền lực thứ hai của Đại Việt vào thế kỷ XIII, XIV. Trên một số phương diện, trung tâm quyền lực tại hành cung Thiên Trường còn thực chất hơn trung tâm quyền lực kinh đô Thăng Long và gắn kết, liên hệ chặt chẽ với Thăng Long. Mặt khác, tại hành cung Thiên Trường, các quan của nhà Trần được rèn luyện, trau dồi, trước khi về Thăng Long làm nhiệm vụ. Về mặt quân sự, hành cung Thiên Trường - phủ Thiên Trường là hậu cứ, hậu phương quan trọng của nhà Trần… án ngữ đường ra biển Đông, đường vào phía Nam. Về phương diện xã hội, hành cung Thiên Trường là bước khởi đầu cho quá trình đô thị hóa của tỉnh Nam Định. Về phương diện giáo dục, vương triều Trần đã lập ra nhà học ở phủ Thiên Trường vào năm 1281. Chế độ thi cử tuyển chọn nhân tài của nhà Trần đã xác định 7 năm một lần và đặt ra học vị Tam khôi. Tại đây, các Vua Trần đã mở các khoa thi Thái học sinh. Vì thế, hành cung Thiên Trường còn giữ vai trò của một trung tâm giáo dục. Chính vì thế, Thiên Trường - Nam Định là một trung tâm văn hóa ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Khách tham quan phòng trưng bày các hiện vật của Bảo tàng Nam Định.
Khách tham quan phòng trưng bày các hiện vật của Bảo tàng Nam Định.

Với mối liên hệ mật thiết đó, cuộc trưng bày chuyên đề “Thăng Long - Thiên Trường thời đại Trần thế kỷ XIII, XIV” được tổ chức nhằm giới thiệu với đông đảo công chúng Thủ đô và khách tham quan về Thiên Trường xưa qua hàng trăm hiện vật, hình ảnh, tư liệu phát hiện tại Thăng Long - Hà Nội của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Viện Khảo cổ học Việt Nam. Các hiện vật trưng bày được bố cục làm 3 phần chính: “Thăng Long - Thiên Trường dưới triều Trần thế kỷ XIII, XIV qua lời dẫn sử liệu”, “Thăng Long - Thiên Trường dưới triều Trần qua hiện vật của các cuộc khai quật khảo cổ” và “Thăng Long - Thiên Trường dưới triều Trần qua các tác phẩm thơ văn”. Tại cuộc trưng bày, Bảo tàng Nam Định đã lựa chọn hơn 100 tài liệu, hiện vật được phát hiện tại các di tích liên quan đến hành cung Thiên Trường, bao gồm các vật liệu kiến trúc: gạch, ngói, ống cống thoát nước; mô hình kiến trúc, trang trí kiến trúc; các hiện vật là đồ dùng sinh hoạt như bát, đĩa, chum, thạp, chân đèn… Nhiều hiện vật phản ánh tổng quan hành cung Thiên Trường và căn cứ địa nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Tiêu biểu như bản trích sách “Đại Việt sử ký toàn thư” nói về sự kiện đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường (1262), sa bàn quy mô hành cung Thiên Trường, bản trích một số bài thơ ca ngợi vẻ đẹp Thiên Trường (thơ văn Lý - Trần) và ảnh về các di tích: Đền Trần; chùa Phổ Minh (phường Lộc Vượng, TP Nam Định); đền Lựu Phố thờ Thái sư Trần Thủ Độ; đền Bảo Lộc thờ An Sinh Vương Trần Liễu và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (xã Mỹ Phúc, Mỹ Lộc). Các nhà khoa học xã hội và nhân văn khẳng định không nơi đâu di sản văn hoá Trần lại phong phú và đậm dấu ấn như vùng đất Thiên Trường (Nam Định). Khác với kinh đô Thăng Long, trải qua bao biến thiên lịch sử, dấu vết kinh đô khó xác định, thì tại Nam Định, các nhà khoa học đã phát hiện khối lượng di vật khá phong phú tại các địa danh thuộc vùng đất Tức Mặc. PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam (Bộ VH, TT và DL) cho biết: Những năm qua, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Sở VH, TT và DL Nam Định, Ban Quản lý các công trình trọng điểm Nam Định và Bảo tàng Nam Định tiến hành thám sát, khai quật thăm dò nhiều vị trí trong khu di tích Tức Mặc - Thiên Trường (Nam Định). Các vị trí khai quật thăm dò chủ yếu ở khu vực Đền Trần và khu vực gò cao nằm ở phía tây liền khoảnh với khu vực Đền Trần. Tất cả các nơi được khai quật đều phát lộ di tích, di vật có niên đại thuộc nhiều thời kỳ khác nhau. Các di tích có giá trị và tập trung nhất thuộc khu vực Đền Trần (bao gồm các khu vực trong và khu gò cao ngoài Đền Trần, được phát lộ trong các năm 2006 và 2008-2009, có ý nghĩa khoa học, chứng minh đất Tức Mặc và đất Thiên Trường còn lưu giữ những mặt bằng kiến trúc quý hiếm có niên đại của thời Trần (thế kỷ XIII-XIV). Các dấu tích kiến trúc và các di vật phát lộ có ý nghĩa đặc biệt cho việc tôn vinh khu di tích thời Trần ở Nam Định. Do tính chất tương đồng giữa các dấu tích kiến trúc Trần ở Tức Mặc với kiến trúc Trần ở Thăng Long và là kiến trúc của các Vua Trần, càng thấy rõ hơn các dấu tích kiến trúc Trần ở 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) là nằm trong Cấm thành Thăng Long như Khảo cổ học và Sử học Việt Nam đã khẳng định. Bên cạnh các giá trị của kiến trúc, hệ di vật ở đây cũng điển hình cho thế kỷ XIII-XIV góp phần nghiên cứu và trưng bày các di vật của cung Trùng Hoa trong Bảo tàng Nam Định. Các di vật này sẽ được chỉnh lý khoa học góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử thời Trần ở Nam Định và Đại Việt, đồng thời trực tiếp chuẩn bị phục vụ cho việc trưng bày tại Bảo tàng Nam Định phát huy các giá trị tốt đẹp của khu di tích.

Cùng với đợt trưng bày chuyên đề, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long cũng diễn ra triển lãm giới thiệu 500 tác phẩm cây cảnh, đá, lũa nghệ thuật của các nghệ nhân Hội Cây cảnh nghệ thuật Thăng Long và các tỉnh: Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang. Cùng với Thăng Long - Hà Nội, vùng đất Thiên Trường xưa, Nam Định nay được coi là nơi xuất xứ của nghề trồng hoa, cây cảnh. Hơn 700 năm trước, khi xây dựng hành cung Tức Mặc - Thiên Trường, các vị Vua Trần ngoài việc xây dựng cung Trùng Hoa, Trùng Quang còn thiết kế các cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam… để các hoàng phi, cung tần mỹ nữ ở và có vùng chuyên trồng hoa, phục vụ trang trí trong hoàng cung. Triển lãm cũng góp phần làm rõ mối quan hệ và vị trí, vai trò của Thiên Trường xưa - Nam Định nay đối với các làng trồng hoa cổ như Nghi Tàm, Quảng Bá, Ngọc Hà, Yên Phụ (Hà Nội); Hạ Lũng, Phụng Pháp (Hải Phòng) và các vùng trồng hoa của cả nước trong thời điểm hiện tại. Qua đó nêu bật nét đẹp văn hóa và nghệ thuật chơi hoa, cây cảnh của mảnh đất, con người Thiên Trường - Nam Định xưa và nay./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com