Làng trong văn hoá truyền thống Việt Nam

07:06, 15/06/2012

Với điều kiện địa lý nằm ở Đông Nam châu Á, nên có thể nói, Việt Nam mang đầy đủ các đặc trưng chủ yếu của một nền văn hoá gốc nông nghiệp điển hình. Xuất phát từ những đặc trưng hết sức cơ bản của nền văn hoá gốc nông nghiệp như ý thức tôn trọng và ước vọng hoà hợp cùng thiên nhiên, lối sống tư duy tổng hợp mang tính chất của chủ nghĩa kinh nghiệm phong phú cho nên về mặt tổ chức cộng đồng xã hội, người Việt Nam luôn sống và tổ chức lối sống theo nguyên tắc trọng tình, sống cố định, ngại di chuyển và lấy gia tộc, họ hàng, láng giềng hàng xóm làm mối quan hệ giao tiếp, sinh hoạt hàng đầu trong cuộc sống thường nhật.

Cổng làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Internet.
Cổng làng Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Internet.

Đơn vị cơ sở đầu tiên làm nền tảng cho các tổ chức cộng đồng - xã hội lớn hơn của người Việt là gia đình và gia tộc với những con người cùng quan hệ huyết thống. Đối với người Việt Nam, gia tộc là khởi nguồn cho mối quan hệ giữa con người với con người trong một cộng đồng gắn bó có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng. Người Việt coi trọng các khái niệm về gia tộc như dòng họ, trưởng tộc, nhà thờ họ, từ đường, gia phả, giỗ chạp, mừng thọ… Chính với sự coi trọng gia đình và gia tộc đã hình thành khái niệm làng. Làng ở Việt Nam là một tổ chức xã hội được tổ chức chặt chẽ và có vai trò ổn định. Do tính chất gia tộc và dòng họ quá lớn cho nên đôi khi có sự đồng nhất giữa làng và gia tộc. Làng có thể là nơi ở của một họ hoặc một vài dòng họ lớn. Các họ trong làng có mối quan hệ gắn bó lâu đời và mang tính bất biến với tính chất cộng đồng và tự trị rất cao. Người Việt rất sợ cảnh bị “đuổi ra khỏi làng”, sợ cảnh phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ làng ra đi. Làng chính là nơi cư trú, là nơi mà mọi người gắn bó với nhau bằng quan hệ huyết thống, quan hệ cộng đồng và quan hệ sản xuất. Với cơ sở văn hoá là nền tảng nông nghiệp mà nghề trồng lúa nước là nghề chính, người Việt luôn có xu hướng thích đẻ nhiều (nhiều con nhiều của), làm đổi công cho nhau, bên cạnh đó tính quần tụ giúp người Việt có thể giúp đỡ nhau chống đỡ với thiên tai, địch họa, do đó họ phải hợp sức với nhau. Người Việt trong một làng dù không có mối quan hệ thân tộc thì họ vẫn luôn liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành tình làng nghĩa xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau hay bán anh em xa mua láng giềng gần. Như vậy, bà con lối xóm là mối quan hệ cộng đồng gắn kết quan trọng thứ hai sau quan hệ huyết thống dòng tộc.

Một nguyên tắc quan trọng hình thành nên làng là tính cộng đồng. Tính cộng đồng có vai trò gắn kết các thành viên trong làng lại với nhau thông qua các biểu tượng mang tính truyền thống, như cây đa, bến nước, sân đình. Hầu hết, mọi làng của người Việt đều hội tụ cả ba biểu tượng này. Dù đi xa mãi đâu mỗi khi về làng, hình ảnh mà người ta mong chờ được nhìn thấy đầu tiên chính là cây đa đầu làng. Phải nói rằng, cây đa chính là nơi hội tụ giao tiếp của làng với thế giới bên ngoài, là chốn nghỉ chân của lữ khách qua đường hay của những người dân sau một ngày lao động nơi đồng ruộng. Nói tới cây đa, người ta luôn dành cho biểu tượng này những lời thành kính, thậm chí là sợ hãi như là: Thần cây đa, ma cây gạo hay sợ thần sợ cả cây đa. Bên cạnh cây đa, bến nước chính là nơi tập trung cho sinh hoạt thường nhật của dân làng, đặc biệt là những người phụ nữ. Bến nước có thể là một đoạn của con sông chảy qua làng hay một hồ lớn của làng thậm chí đôi khi chỉ là một giếng nước. Đây chính là chỗ giao lưu, tâm sự chuyện trò của chị em phụ nữ trong khi tắm cho con, vo gạo, rửa rau… Nếu như, bến nước là nơi tập trung của phụ nữ trong làng thì cánh đàn ông của làng lại thường tập trung ở sân đình. Sân đình chính là trung tâm hành chính, văn hoá xã hội của làng. Tất cả các việc quan trọng của làng đều diễn ra ở đây như hội họp việc làng, xét xử kiện tụng, đón rước quan trên, hội hè ăn uống, văn hoá văn nghệ giải trí. Về mặt kiến trúc, đình làng được xây dựng trên những nguyên tắc của thuật phong thuỷ và thường được xây dựng tại trung tâm của làng. Lý tưởng nhất là đình có địa điểm thoáng đãng, có sóng nước hay ao hồ thiên nhiên phía trước mang ý nghĩa tụ thuỷ thịnh mãn cho cả làng. Đình làng thường được dựng bằng những cột lim tròn, thẳng và to, tường xây bằng gạch, mái lợp ngói mũi hài, trên nóc là hai con rồng chầu mặt nguyệt gọi là lưỡng long chầu nguyệt. Sân đình lát gạch, trước đình có hai cột cao vút, trên đỉnh được tạc hình con nghê. Trong đình, gian giữa thờ Thành hoàng làng và có một chiếc trống cái để gọi dân làng về tụ họp. Về khía cạnh tâm linh, đình có giá trị to lớn trong quyết định vận mệnh của cả làng. Ngự trị trong đình là Thành hoàng làng. Thành hoàng là vị thần được tôn thờ chính, là chủ tể cõi thiêng của làng mang tính chất bảo trợ cho làng. Thường thì mỗi làng thờ một vị Thành hoàng làng nhưng cũng có những làng thờ đến hai ba vị và được gọi chung là phúc thần. Phúc thần được chia làm ba bậc là Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần. Một làng có phúc hay không người ta thường ngắm đình của làng đó xem thế đất và hướng đình có phù hợp theo phong thuỷ không.

Lễ hội Cầu Ngói - Chợ Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu).
Lễ hội Cầu Ngói - Chợ Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu).

Cùng với tính cộng đồng, tính tự trị cũng là một đặc trưng gốc rễ trong văn hoá làng của người Việt. Tính tự trị nhấn mạnh đến sự khác biệt, là nền tảng tạo nên tính độc lập cộng đồng. Đối với làng, biểu tượng truyền thống của tính tự trị là luỹ tre làng. Luỹ tre trở thành thành luỹ kiên cố của làng bất khả xâm phạm. Đối với người Việt, bên ngoài luỹ tre làng là cả một thế giới khác cho nên có người cả đời không bước ra khỏi luỹ tre làng. Do tính chất khép kín dẫn đến làng người Việt luôn mang trong mình tính bảo thủ, địa phương cục bộ như Trống làng nào làng đấy đánh, Thánh làng nào làng nấy thờ hay Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Tính tự trị cũng tạo cho người Việt tính gia trưởng tôn ti hay óc bè phái tư hữu ích kỷ. Bởi vậy trong làng, người ta coi trọng họ to họ nhỏ, con trưởng con thứ, tư tưởng thứ bậc, thói gia đình chủ nghĩa.

Với đặc trưng vừa mang tính cộng đồng vừa mang tính tự trị cho nên làng của người Việt có tinh thần đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau nhưng cũng luôn khép kín bảo thủ. Làng là tổ chức xã hội cơ sở đặc biệt của người Việt mà từ đó tạo nên tính cách của người Việt, mà một trong những tính cách mạng, tính truyền thống ngàn đời đó chính là ý thức độc lập và lòng yêu nước. Tính cộng đồng làng xóm tạo nên tinh thần đoàn kết toàn dân bởi vậy mới có: Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn và cao hơn là Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. Như vậy xét một cách sâu xa, tinh thần đoàn kết toàn dân, ý thức độc lập dân tộc và lòng yêu nước được xuất phát và hun đúc từ truyền thống làng của người Việt Nam.

Trong xã hội hiện đại, xét về mặt cấu trúc, kiến trúc, làng Việt Nam đã thay đổi toàn diện về mọi lĩnh vực. Trong xu thế đô thị hoá, CNH-HĐH hầu như còn rất ít làng còn giữ được các biểu tượng truyền thống mang tính cổ điển của làng như luỹ tre, cây đa, bến nước, sân đình. Tuy vậy, những đặc trưng tốt đẹp trong văn hoá làng của người Việt vẫn tồn tại và được thừa kế, phát huy. Trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, dù đi đâu, về đâu đều hướng về ngôi làng thân thương của mình, cộng đồng thân thuộc của mình, đều mang trong mình tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau cũng như ý thức tự lực tự cường, đó chính là ngọn nguồn của lòng yêu nước bất diệt của dân tộc Việt Nam./.

Theo Tạp chí VH-QS

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com