Xuân Trường bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa

08:05, 22/05/2012

Trên địa bàn huyện Xuân Trường có 165 di tích lịch sử văn hóa là những công trình kiến trúc độc đáo gồm: đình, chùa, miếu, nhà thờ, từ đường dòng họ; trong đó, có 29 di tích đã được Nhà nước công nhận xếp hạng bảo vệ tôn tạo cấp tỉnh và 9 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tiêu biểu như: Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Hồng), đền Xuân Bảng (Xuân Hùng), đền Xuân Hy (Xuân Thủy), chùa Xuân Trung (Xuân Trung), chùa Nghĩa Xá (Xuân Ninh), đền An Cư (Xuân Vinh), Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Hồng), đền, chùa Kiên Lao (Xuân Kiên), đền, chùa Thọ Vực (Xuân Phong)... Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đền Kiên Lao, xã Xuân Kiên là di tích được xếp hạng cấp quốc gia có giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo. Đền Kiên Lao thờ Đức Thánh Triệu Việt Vương và hai vị tướng Nguyễn Phúc, Nguyễn Lộc, là những người có công đánh đuổi giặc Lương giành độc lập cho dân tộc vào thế kỷ VI. Ngoài việc thờ tự các nhân vật lịch sử, tại đền Kiên Lao còn thờ 13 vị tổ của các dòng họ: Nguyễn, Lương, Trần, Phạm, Đào, Đinh, Trịnh, Đỗ, Mai, Ngô, Lê, Đặng, Vũ, là những người có công đầu trong cuộc khai hoang, lấn biển thành lập nên mảnh đất này. Nằm phía bắc đền Kiên Lao là chùa Kiên Lao (tên là Sùng Phúc tự) có kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê thế kỷ XVII. Bốn năm một lần, vào tháng tám âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội để tỏ lòng tri ân công đức đối với các vị thần được thờ phụng tại di tích. Đền, chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, không chỉ có kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà còn lưu giữ nhiều văn tự chữ Hán, nội dung nói về truyền thống, văn hóa của nhân dân nơi đây gắn liền với công cuộc khai hoang, tạo lập làng xã diễn ra vào những năm đầu thế kỷ XV. Qua các tư liệu như thần tích, văn bia, sắc phong, câu đối, đại tự hiện lưu giữ tại di tích, thì vào khoảng niên hiệu Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông (1470-1497) có vị thủy tổ tên là Cầm Phúc cùng 6 vị tổ các dòng họ: Nguyễn, Phạm, Vũ, Lê, Đinh, Đặng từ vùng đất Hà Đông xuống đây khẩn hoang, lập ấp. Lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm vào tháng Giêng âm lịch tại đền, chùa Thọ Vực đã trở thành nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân.

Nhân dân làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) lập bia khuyến học, nhằm giáo dục truyền thống hiếu học, khoa bảng cho thế hệ trẻ.
Nhân dân làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) lập bia khuyến học, nhằm giáo dục truyền thống hiếu học, khoa bảng cho thế hệ trẻ.

Những năm qua, thực hiện Luật Di sản văn hoá, huyện Xuân Trường đã làm tốt công tác kiểm kê di tích, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích, chống xâm hại di tích. Việc kiểm kê và tu bổ, tôn tạo di tích đều tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Nhiều địa phương có di tích đã thành lập ban quản lý di tích, tổ chức phiên âm, dịch nghĩa các văn tự Hán - Nôm, giúp cho người dân và khách tham quan hiểu biết giá trị chung của di tích. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia và nguồn kinh phí của tỉnh, của nhân dân đóng góp, thời gian qua, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Trong 3 năm lại đây, trên địa bàn huyện đã tiến hành trùng tu, tôn tạo hàng chục di tích với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ chủ trương xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Cụ thể từ nguồn kinh phí của Nhà nước và sự đóng góp của du khách thập phương và bà con địa phương, chùa Keo Hành Thiện và chùa Đĩnh Lan, xã Xuân Hồng được đầu tư, tôn tạo với kinh phí trên 16 tỷ đồng; chùa Ngọc Tỉnh, Thị trấn Xuân Trường vừa tiến hành khởi công tu sửa vào ngày 22-4-2012 với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, phần lớn là do nhân dân và con em quê hương đang làm ăn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đóng góp để tu sửa tôn tạo chùa. Chùa Trung, xã Xuân Trung, di tích lịch sử cấp quốc gia cũng vừa hoàn thành công tác trùng tu, tôn tạo với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các di tích như: đền Xuân Hy, xã Xuân Thủy; đình, chùa Lạc Quần, xã Xuân Ninh; đền, chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong… cũng đã được tu bổ với kinh phí từ 200-500 triệu đồng. Bên cạnh đó, công tác quản lý di tích trên địa bàn huyện Xuân Trường đã được thực hiện đúng quy định, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc. Tại các di tích, lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức truyền thống, thực hiện đúng Quy chế tổ chức lễ hội. Trong các lễ hội, ngoài phần lễ là phần “hội” với các trò chơi dân gian độc đáo. Trong lễ hội đền An Cư, xã Xuân Vinh, ngoài các nghi thức tế lễ, rước kiệu, nhân dân còn tổ chức các trò chơi dân gian như bơi chải, đấu vật, tổ tôm điếm. Lễ hội chùa Keo Hành Thiện hằng năm thu hút rất đông khách thập phương bởi ý nghĩa tâm linh và các trò chơi dân gian độc đáo. Tham dự lễ hội chùa Keo Hành Thiện, du khách được chứng kiến các hoạt động tế, rước đuốc trang nghiêm trong phần lễ và được thưởng thức những tiết mục văn hoá văn nghệ, những trò chơi dân gian độc đáo như: hát Chèo, Quan họ, tổ tôm điếm, cờ người, thi bắt vịt, võ vật. Trong đó, đặc sắc nhất là giải bơi chải đứng với sự tham gia của cả 15 xóm trong làng tưởng nhớ Đức Thánh Tổ Không Lộ lúc sinh thời làm nghề chài lưới diễn ra vào ngày 12 và 15 âm lịch. Ngoài ra, có thể kể đến nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: thi lấy nước, kéo lửa làm bánh, kéo co tại lễ hội đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng; đấu vật, leo cầu ngô, bắt vịt, nấu cỗ tại hội đền, chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong…

Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, năm 2012, Phòng Văn hóa huyện phối hợp với Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh tiến hành công tác khảo sát kiểm kê di tích, nhằm đánh giá thực trạng các di tích lịch sử - văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo đối với từng di tích, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân để tiếp tục tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hoá./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com