Khởi sắc phong trào văn nghệ quần chúng

04:05, 26/05/2012

Trong những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở tỉnh ta tiếp tục có sự khởi sắc. Nhiều tốp, đội văn nghệ và các bộ môn nghệ thuật truyền thống ở các địa phương hoạt động có hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.   

Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Giao Thuỷ phối hợp với Nhà Văn hoá 3-2 tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát văn, hát chèo cho 50 hạt nhân nghệ thuật quần chúng.
Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Giao Thuỷ phối hợp với Nhà Văn hoá 3-2 tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát văn, hát chèo cho 50 hạt nhân nghệ thuật quần chúng.

Theo quy ước, cứ mỗi tháng một lần, các hội viên CLB văn nghệ xã Hải Châu (Hải Hậu) lại cùng nhau luyện tập, dàn dựng những tiết mục hoặc các tích chèo cổ. Những buổi diễn của CLB với nhiều vở chèo, hoạt cảnh chèo, tiểu phẩm sân khấu do các thành viên CLB sáng tác và dàn dựng đã phản ánh những vấn đề hiện thực trong đời sống, cổ vũ những gương sáng, nhân tố mới trên các lĩnh vực: chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá, công tác DS-KHHGĐ… Tiêu biểu là các vở: “Hạt giống quê hương”, “Tìm lại mộ cha”, “Câu chuyện nhỏ làng tôi”, “Mái ấm tình thương”, “Giỏi chèo khéo chống”, “Chỉ giới con đường”… Ở xã Giao Thanh (Giao Thủy) CLB chèo của xã cũng được thành lập, là nơi tập hợp những người yêu thích nghệ thuật chèo, ca trù với hơn 20 diễn viên, nhạc công không chuyên. Các thành viên CLB tự mua sắm trang phục, nhạc cụ và tự viết kịch bản dàn dựng biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương vào các dịp lễ hội, các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước và địa phương. Vượt khỏi cổng làng, CLB chèo Giao Thanh đã từng được mời đi biểu diễn tại Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam. Huyện Ý Yên được xem là “đất chèo” của tỉnh với các làng chèo nổi tiếng như: Yên Phong, Yên Trị, Yên Chính, Yên Thọ, Yên Cường. Tiêu biểu CLB chèo xã Yên Nhân, tiền thân là phường chèo An Lại Hạ, nhiều nhà có tới 4 đời theo gánh hát như gia đình nghệ sỹ Thanh Lương có ông nội, bố và con cháu ông cùng đam mê biểu diễn. Gia đình cụ Dương Văn Hàm, 3 đời tham gia diễn chèo và có tới 12 người con, cháu hoạt động sân khấu chèo, trong đó có 6 người là diễn viên, nhạc công ở các đoàn chèo chuyên nghiệp. Tại huyện Nghĩa Hưng, CLB Đàn và hát dân ca Thị trấn Rạng Đông hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí mua sắm trang phục, thiết bị âm thanh, tự sáng tác và dàn dựng các chương trình nghệ thuật, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, đồng thời góp phần mang lời ca tiếng hát phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, các thành viên trong CLB luôn giúp đỡ, động viên nhau thực sự là “mái ấm” chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Toàn tỉnh hiện có hàng trăm tốp, đội, CLB văn nghệ quần chúng ở hầu khắp các xã, thị trấn, hoạt động chủ yếu theo phương thức xã hội hoá. Để duy trì hoạt động, ngoài kinh phí do các thành viên tự nguyện đóng góp, các tốp, đội, CLB văn nghệ quần chúng được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ tập huấn chuyên môn, tổ chức các hội thi văn nghệ... Đồng chí Bùi Văn Khôi, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Giao Thuỷ cho biết: Hiện nay, huyện có trên 40 tốp, đội, CLB văn nghệ quần chúng phát triển ở tất cả các xã, thị trấn; trong đó có hơn 20 đội chèo truyền thống hoạt động theo phương thức xã hội hoá. Từ nhiều năm nay, Phòng Văn hoá - Thông tin huyện thường xuyên phối hợp với Nhà hát Chèo Nam Định mở lớp tập huấn cho các xã, thị trấn. Năm 2011, ngành đã mời các nghệ sỹ của Nhà Văn hóa 3-2 về giảng dạy nghệ thuật hát chèo, chầu văn cho gần 50 diễn viên là hạt nhân văn nghệ quần chúng của các xã, thị trấn trong huyện. Tại các xã Giao Châu, Giao Thiện, Giao Hải, Giao Hương, các đội chèo tự đứng ra đóng góp kinh phí “mời thầy” về dạy chèo, diễn chèo. Còn tại các xã Giao Nhân, Giao Hà, Hồng Thuận, Bình Hoà, các nghệ sỹ cao tuổi với lòng tâm huyết nghệ thuật cổ truyền đã mở lớp dạy chèo cho con em tại địa phương và các vùng lân cận. Tại huyện Hải Hậu hiện có nhiều tổ, tốp, đội văn nghệ ở 35 xã, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp, mỗi tổ, đội có từ 15 đến 30 hạt nhân văn nghệ, được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng, trang phục và nhạc cụ.

Phong trào văn hoá, văn nghệ ở Hải Hậu phát triển đa dạng ở nhiều loại hình nghệ thuật, có chiều sâu và diện rộng. Có những xã chuyên về nghệ thuật chèo như: Hải Anh, Hải Tây, Hải Toàn, Hải Phúc, Hải Quang. Các đội văn nghệ mạnh về kịch nói, sân khấu kịch ngắn như: Hải Phú, Hải Long, Hải Cường, Hải Bắc, Thị trấn Yên Định. Về ca múa nhạc tổng hợp có nhiều đội mạnh như: Thị trấn Thịnh Long, Thị trấn Cồn, các xã Hải Hưng, Hải Thanh, Hải Lộc, Hải Hà, Hải Phương. Điều ghi nhận là ở Hải Hậu có nhiều cá nhân là hạt nhân văn nghệ có khả năng tập hợp, tổ chức, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, trong đó, vừa sáng tác kịch bản, vừa đạo diễn và biểu diễn như các bác: Hoàng Cần (Hải Phú), Thạch Biên (Hải Châu), Đăng Hoà (Hải Cường), Thanh Hứa (Thị trấn Cồn), Phạm Uy (Hải Trung)… Không chỉ là quê hương nghệ thuật chèo, Hải Hậu còn có thế mạnh về nhạc cụ kèn đồng với trên 100 đội kèn, mỗi đội gồm 35 đến 40 nhạc công. Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo, từ chỗ chuyên phục vụ các nghi lễ tôn giáo, những năm gần đây, các đội kèn còn đưa vào tập luyện và thể hiện thành công nhiều ca khúc cách mạng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiêu biểu như các đội kèn đồng mạnh thuộc các giáo xứ, họ đạo: Phạm Pháo (Hải Minh), Tây Các (Hải Đông), Hai Giáp (Hải Anh), Tứ Trùng (Hải Tân), Đông Cường (Thị trấn Yên Định). Hằng năm, vào ngày mừng Quốc khánh 2-9, hội thi kèn đồng được tổ chức là một trong những hoạt động văn hóa tiêu biểu. Để duy trì và phát triển, trong hoạt động, các đội văn nghệ quần chúng ở tỉnh ta còn được lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các CLB ở thôn, xóm như: CLB không sinh con thứ 3; CLB gia đình hạnh phúc; CLB tiền hôn nhân, CLB văn hoá nghệ thuật. Với các tiểu phẩm ngắn gọn, các đội văn nghệ quần chúng trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Bài và ảnh: Khánh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com