Để có một nền công nghiệp văn hóa

02:04, 05/04/2012

Theo định nghĩa của UNESCO, "công nghiệp văn hóa" là công nghiệp kết hợp 3 yếu tố: Sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa, đem lại lợi ích kinh tế. 11 ngành được liệt vào danh sách này, gồm: Quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính. Ở Ca-na-đa, riêng năm 2007, công nghiệp văn hóa đóng góp 46 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội và thu hút 600.000 lao động. Ở Nhật Bản, một đất nước có ngành công nghiệp văn hóa tầm cỡ, chỉ riêng việc khai thác hình ảnh chú mèo máy Đô-rê-mon đã đem lại doanh thu lên đến 2 tỷ USD. Ở Hàn Quốc, các nhóm nhạc, những bộ phim, đều được các phương tiện truyền thông đưa đi khắp trên toàn cầu.

Trong khi đó, công nghiệp văn hóa vẫn là thuật ngữ rất mới đối với Việt Nam! Ở Việt Nam, ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã bắt đầu xuất hiện quan niệm mới về văn hóa - nghệ thuật, khi coi đó là một loại hàng hóa đặc biệt. Trong một số lĩnh vực như điện ảnh, sân khấu, xuất bản... đã đòi hỏi hạch toán để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả của việc hạch toán rất thấp. Ví dụ như ngành điện ảnh, điện ảnh Việt Nam mỗi năm sản xuất khoảng 10 phim nhựa, nhưng chỉ có 1/10 số phim này được người xem tiếp nhận ngoài thị trường, thậm chí tỷ lệ này cũng không ổn định. Hoặc như hiện nay, cả nước có 129 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, trong đó có 12 đơn vị trực tiếp do Bộ VH, TT và DL quản lý. Chỉ tính riêng 12 đơn vị này, mỗi năm Nhà nước đầu tư trung bình 100 tỷ đồng, nhưng trực tiếp vào vở diễn chỉ chừng 10 tỷ đồng, còn phần lớn dành cho bảo trì cơ sở làm việc, điện nước, lương bổng, chính sách. Trong bảng thống kê cơ cấu tổng sản phẩm trong nước theo thực giá chia theo ngành kinh tế, các hoạt động văn hóa và thể thao chỉ chiếm 0,55% năm 1995 và năm 2008 tụt xuống còn 0,44%.

Thủy đình làng Bàn Thạch.
Thủy đình làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực). Ảnh: Việt Thắng

Nguyên nhân của hiện trạng này, theo PGS.TS Lương Hồng Quang, vướng mắc lớn nhất vẫn là nhận thức của xã hội nói chung và giới quản lý văn hóa nghệ thuật nói riêng về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế và đối với sự phát triển văn hóa nghệ thuật. Thậm chí, một số người đồng nhất công nghiệp văn hóa với… thương mại hóa văn hóa nghệ thuật! Tức là đang có một cuộc đấu tranh về cách nhìn đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh thị trường và hội nhập quốc tế.

Vì thế, để xây dựng một nền công nghiệp văn hóa, vấn đề đầu tiên của Việt Nam là việc khẳng định lại cách nhìn. Không nên tiếp tục duy trì cách nghĩ, văn hóa là văn hóa và kinh tế là kinh tế. Ngay trong yếu tố đầu vào của văn hóa (sự sáng tạo) đã phải có tư duy thị trường (đáp ứng nhu cầu, giá cả đi đôi với chất lượng, quản lý hiệu quả, có sự đánh giá từ thị trường…). Cần phải có sự thay đổi về nhận thức của các nhà quản lý, lãnh đạo và hoạch định chính sách văn hóa. Phải coi sự nghiệp văn hóa là một ngành sản xuất, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần cao đẹp, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Từ đó mới tạo ra sự chuyển biến trong chính sách quản lý, định hướng hoạt động văn hóa.

TS Nguyễn Danh Thuận, Trung tâm Triển lãm Việt Nam, cho rằng, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách đặc thù như: Chính sách kinh tế trong văn hóa (gồm chính sách thuế, chính sách giá, chính sách đầu tư, hình thành các quỹ hỗ trợ...); chính sách sử dụng, đãi ngộ văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho xã hội; chính sách khuyến khích sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật...

Theo PGS.TS Bùi Quang Thắng, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, kinh nghiệm các quốc gia phát triển cho thấy, những chương trình, dự án văn hóa  - nghệ thuật chỉ hữu hiệu khi nó có thể tạo ra được những sản phẩm văn hóa có giá trị gia tăng. Muốn làm được điều đó, sự tác động của nhà nước phải nhằm vào hai vấn đề. Thứ nhất, tạo ra những sản phẩm văn hóa - nghệ thuật đương đại đỉnh cao - vừa thích hợp với xu thế toàn cầu, vừa mang tính bản sắc, mang lại nhiều lợi ích ở nhiều phương diện (thẩm mỹ, kinh tế, chính trị…). Thứ hai, thúc đẩy quá trình phát triển nền công nghiệp văn hóa (các ngành giải trí với công nghệ cao và giá thành hạ, các festival nghệ thuật đương đại,…) để những sản phẩm văn hóa Việt Nam trở thành một loại hàng hóa có chất lượng trong thị trường văn hóa nội địa cũng như quốc tế. Những sản phẩm văn hóa ấy vừa kích thích nhu cầu văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vừa giới thiệu - quảng bá được hình ảnh đất nước Việt Nam trên thế giới.

Công nghiệp văn hóa đã phát triển ở nhiều nước, đặc biệt mạnh mẽ vào giữa thế kỷ XX, và trở thành ngành trụ cột trong nhiều nền kinh tế. Điển hình, các ngành công nghiệp văn hóa ở Anh đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10-15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. Phát triển công nghiệp văn hóa có tác động lớn đối với kinh tế, văn hóa và xã hội của một đất nước. Trên phạm vi quốc gia, sự phát triển công nghiệp văn hóa có khả năng đóng góp to lớn cho các chỉ tiêu thu nhập quốc dân, tạo công ăn việc làm... Mặt khác, phát triển công nghiệp văn hóa tạo nên hệ thống sản xuất và phục vụ văn hóa nhiều chủng loại, cấp độ, nhiều loại hình, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng văn hóa, thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. Lợi nhuận khổng lồ của công nghiệp văn hóa đã khiến rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đua nhau tham gia.

Việt Nam có một vốn văn hóa dày dặn (danh lam thắng cảnh, những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các truyền thống văn hóa tộc người của 54 dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam...). Nếu biết cách phát huy các di sản đó bằng những phương thức quảng bá hiện đại thì chúng sẽ trở thành những đặc sản du lịch văn hóa./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com