Để bảo tàng trở thành điểm đến của công chúng

07:03, 16/03/2012

Những đòi hỏi mới của cuộc sống hiện đại đặt ra cho hoạt động bảo tàng nhiều nhiệm vụ mới. Bảo tàng không đơn thuần chỉ là nơi lưu giữ những chứng tích quá khứ mà còn góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa cho công chúng. Song, làm thế nào để bảo tàng hấp dẫn và lôi kéo được công chúng, đó là câu hỏi không dễ trả lời đặt ra cho những nhà quản lý bảo tàng nói riêng và cả những người công tác trong lĩnh vực bảo tồn di sản nói chung.

Bảo tàng tỉnh Nam Định. Ảnh: PV
Bảo tàng tỉnh Nam Định. Ảnh: PV

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong bối cảnh công chúng còn quá nhiều sự lựa chọn khác để giải trí như ti-vi, đài phát thanh, rạp chiếu phim, khu vui chơi,... để lôi kéo công chúng đến với bảo tàng, nhất thiết các bảo tàng cần phải đa dạng hóa loại hình hoạt động để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng. Trước kia, các bảo tàng cũng tiến hành các hoạt động chuyên môn như nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày... nhưng vai trò của công chúng, cộng đồng chưa được đề cao. Hơn nữa, do đơn giản coi trưng bày là hoạt động trung tâm của bảo tàng, cho nên hầu như triển lãm nào cũng kết thúc ngay sau khi cắt băng khai mạc. Giờ đây, để thu hút khách tham quan từ đầu đến cuối cuộc trưng bày, các bảo tàng cần tiến hành thêm các hoạt động trình diễn, biểu diễn, hội thảo, tọa đàm, chiếu phim cùng nhiều chương trình giáo dục riêng xây dựng cho từng đối tượng. Nhận thức được vấn đề này, thời gian qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã thường xuyên tổ chức những hoạt động hướng tới cộng đồng dưới nhiều hình thức như: lựa chọn và mời các nhóm cư dân đến bảo tàng để giới thiệu về các nghề thủ công truyền thống: dệt, rèn, làm đồ gốm, làm tranh Đông Hồ, trang trí hoa văn. Bảo tàng cũng tiến hành mời những nghệ nhân dân gian nổi tiếng thuộc các lĩnh vực: cồng chiêng, múa rối nước, ca trù,... biểu diễn định kỳ tại bảo tàng.

Bên cạnh việc đa dạng hóa các hoạt động, để tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt thu hút công chúng, mỗi bảo tàng cần thực hiện tốt công tác sưu tầm và trưng bày hiện vật dựa trên mục đích, tiêu chí hoạt động riêng. Hiện nay, khu trưng bày của nhiều bảo tàng ở các tỉnh, địa phương nước ta vẫn còn dàn trải, thiếu tập trung dẫn đến trùng lặp, đơn điệu, vừa thiếu vừa thừa. Do đó, công tác sưu tầm và trưng bày phải được tiến hành liên tục với tiêu chí đổi mới, hấp dẫn, sáng tạo dựa trên nỗ lực nghiên cứu thay đổi không gian, ánh sáng, cách bài trí. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một trong số ít những bảo tàng ở nước ta được đánh giá cao trong công tác sưu tầm, trưng bày hiện vật. Bên cạnh hình thức trưng bày tĩnh, hiện, bảo tàng còn có ba bộ trưng bày lưu động hoạt động sôi nổi ở các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc phục vụ hàng trăm nghìn lượt người xem mỗi năm. Đồng thời, bảo tàng đã nghiên cứu thực nghiệm hình thức trưng bày lưu động mới: kết hợp giữa trưng bày tư liệu hình ảnh với trưng bày hiện vật gốc tại một số tỉnh: Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam. Trong bản Quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam năm 2020 do Thủ tướng phê duyệt cũng đã nêu ra những yêu cầu đòi hỏi các bảo tàng tỉnh phải xây dựng được nội dung trưng bày mang bản sắc văn hóa của địa phương, bước đầu có thể chấp nhận những mảng trống, sự đứt đoạn trong trưng bày nhưng nhất thiết phải nêu bật được nét riêng biệt.

Ngoài ra, việc xây dựng, nghiên cứu các chương trình giáo dục cũng là hoạt động rất cần được chú trọng của những bảo tàng hiện đại. Mỗi bảo tàng nên xây dựng những giáo án giáo dục riêng hướng đến các đối tượng mục tiêu, đặc biệt là đối tượng thanh niên, học sinh dưới dạng các chuyến tham quan, các khóa học ngắn hạn trên tinh thần tự nguyện nhằm bổ trợ thêm những kiến thức về di sản, văn hóa cho công chúng, đồng thời tác động đến tâm lý, tình cảm, sự yêu thích và gắn bó của cộng đồng đối với bảo tàng. Th.s Lâm Nhân, Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Mặc dù là cơ chế học không chính thức, nhưng giáo dục trong bảo tàng là giáo dục trực quan thông qua hiện vật gốc và các bộ sưu tập hiện vật gốc. Vì vậy, cần phát huy chức năng bảo tàng như là trung tâm giáo dục và học tập, xác định giáo dục là mục tiêu hàng đầu của bảo tàng.

Trong bối cảnh hội nhập, giao lưu văn hóa, các bảo tàng không thể bỏ sót lượng lớn khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam ngày càng nhiều. Muốn thế, những người hoạt động trong ngành bảo tàng cần nhìn nhận bảo tàng như một bộ phận của du lịch văn hóa, từ đó mở rộng và thiết lập mối quan hệ giữa bảo tàng với những đơn vị làm du lịch, xây dựng những tua-tuyến tham quan bảo tàng đặc sắc, lôi cuốn nhằm gia tăng thêm giá trị, ý nghĩa và sức hấp dẫn của bảo tàng trong ngành du lịch di sản. Những nhà quản lý, những người công tác tại bảo tàng không những phải giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ mà còn phải biết tranh thủ sức mạnh của truyền thông. Với mỗi chương trình sự kiện, các bảo tàng cần xây dựng được những chiến lược tiếp thị riêng sao cho phù hợp với mục tiêu đề ra, thông qua việc kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền như: tổ chức họp báo, giới thiệu sự kiện bằng pa-nô, áp-phích, các sách, ấn phẩm, tờ rơi kết hợp xuất bản, phát thanh những bản tin riêng về hoạt động sắp tới của bảo tàng,...

Sự thực hiện thường xuyên, đồng bộ các hoạt động nói trên với sự phối hợp chặt chẽ, quyết liệt của những người làm công tác vận hành bảo tàng và sự ủng hộ hưởng ứng của nhân dân cũng như sự tạo điều kiện của các cấp ban, ngành liên quan chính là động lực để mang lượng công chúng thường xuyên, đều đặn đến với bảo tàng trong cuộc sống hiện đại./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com