Đọc "Hương đất" của Nguyễn Thấn

09:10, 08/10/2010

 

Nhà Xuất bản Văn học vừa cho ra mắt bạn đọc tập thơ "Hương đất" của nhà giáo Nguyễn Thấn. Đằm sâu trong đó là cảm xúc về tình yêu, về niềm tin và cả những băn khoăn trăn trở của một nhà giáo đã từng trải qua nhiều năm công tác trong ngành giáo dục cả thời bao cấp và thời hội nhập.

Khi được hỏi: "Là một giáo viên dạy môn Toán nhưng tại sao anh lại rẽ sang làm thơ ?" Anh trả lời: "Tôi không lý giải được rõ ràng, nhưng tôi nghĩ, làm gì cũng cần có một tình yêu cháy bỏng, và khi đã sống hết mình vì thứ mình yêu thì sẽ vượt qua mọi chông gai để đến đích. Tôi yêu toán học từ nhỏ, nhưng không thể bỏ thơ. Điều đó hỗ trợ cho phương pháp làm thơ của tôi". Tâm sự này được thể hiện ở "Hương đất" với 57 bài thơ, trong đó có 12 bài viết theo thể lục bát. Đọc những bài thơ của Nguyễn Thấn sẽ cảm nhận được tư duy lô-gic của khoa học tự nhiên là một trong yếu tố làm cho thơ anh trong sáng, mạch lạc. Còn tình yêu, sự rung động của con tim người thầy làm nên tính nhân văn sâu sắc ở từng bài. Thi phẩm "Bắt đầu" là một ví dụ: Bắt đầu từ tháng Giêng/ Bắt đầu từ mầm nhú/ Bắt đầu từ những nụ…/ Thế rồi là mùa xuân. Bài thơ nhỏ nhưng chuyển tải một nội dung lớn. Ấy là triết lý về thời gian về sinh tồn của vạn vật. Ở bài "Cao nguyên ngày giáp tết" Nguyễn Thấn phát triển "sự bắt đầu" ấy qua hình tượng tiếng chim kêu: "Tiếng chim đánh thức ban mai/ Ngày mới ánh lên từ giọt sương/ Đậu trên ngọn cỏ/ Chiếc khèn lá thức dậy đêm đông". Điều đáng nói ở đây là đằng sau cái chuyển mình bừng sáng của thiên nhiên ấy là sự xuất hiện của con người trong sắc màu rực rỡ của bộ áo váy thổ cẩm hoà vào hơi thở phập phồng của trái tim biết rung động thấp thoáng, ẩn hiện sau chiếc ô che: "Ô che thẹn thùng mắt núi/ Rạo rực phiên chợ cuối năm". Mắt núi hay mắt của cô gái vùng cao làm ngả nghiêng cả đại ngàn ? Làm chênh chao cả mắt lá. Men say của tình yêu làm cho họ quên cả thời gian của một ngày giáp tết, để rồi cùng nhau đưa tay ra ngoài cái không gian của tình yêu đôi lứa mà níu kéo, giành giật mùa xuân: "Gái trai quên mặt trời khuất núi/ Giằng co, co kéo mùa xuân".

Trong bài "Thương sông" Nguyễn Thấn lại mượn đời của con sông để nói về đời người, nói về nhân cách, về lối ứng xử và nói về tình yêu: "Thương sông đôi bến lỡ làng/ Cùng gom sắc nắng tươi vàng chiều thu/ Tưởng chiều buông trắng mây mù/ Sang hôm bừng nắng đắp bù cho nhau". Những câu thơ như thế đọc lên sao cứ ám ảnh mãi khôn nguôi… Ai đó đã nói: Trái tim có những lý lẽ mà không lý lẽ nào cắt nghĩa được. Hình ảnh "nắng đắp bù cho nhau" cho ta một cách ứng xử giữa con người với con người trong tình yêu đôi lứa. Tình yêu đích thực ấy làm mới cuộc đời của con người, làm con người sống tốt hơn, bản lĩnh hơn.

Là giáo viên, Nguyễn Thấn dành cho "Hương đất" những trang viết khá phong phú về nhà trường. Có thể kể đến các bài: Cô giáo miền kinh Bắc, Ký ức mái trường, Cô giáo vùng cao, Tháng năm, Nhớ… Nhớ Bắc Hà… Đọc những bài thơ này ta thấy được bao nhọc nhằn vất vả gian truân của giáo viên vùng cao - những người gắn cả tuổi xuân của mình với gió núi mưa ngàn. Ấy là cô gái miền Kinh Bắc lên vùng cao làm cô giáo khi tuổi đời còn trẻ, chưa biết đến tình yêu đôi lứa, nhưng khi tiếp xúc với mái trường "Tre nứa sặt vách kên/ Sương sa gió bốn mùa" thì trong trái tim cô đã hình thành tình yêu nghề, mến trẻ để coi dạy học không phải chỉ là một nghề nuôi sống mình mà còn là lý tưởng phấn đấu cho cả cuộc đời, nên cô gắn bó với núi rừng: "Cô giáo xuôi cắm bản/ Giờ em thành thổ dân/ Khéo tay cô tra lúa/ Gùi bước chân vững vàng". Hình ảnh "Mặt trời lên lấp ló/ Bút dâng hàng chữ xanh" khắc hoạ cụ thể lý tưởng của cô để cô "Hát "Người ơi…" tiếng Mông".  Những cô gái miền xuôi lên vùng cao công tác đã in đậm trong trái tim Nguyễn Thấn để anh khái quát thành hình tượng cô giáo vùng cao đã từng "Bao mùa rớt đỏ lá bàng/ Có mùa hoa nở lệch sang xế chiều". Ôi ! Hoa nở lệch sang xế chiều mới ám ảnh làm sao ! Tuy vậy cô vẫn không chán nản bi quan, vẫn xuống bản "Gom từng hạt giống ủ ươm nắng ngàn". Hình ảnh "Có cô giáo trẻ/ Đang đàn/ Gọi xuân" ở cuối bài thơ làm ấm áp cả núi rừng, át đi cảnh "sương khói bốn bề" của khổ thơ đầu, làm vơi đi tâm trạng: "Quê nhà xa cuối nguồn/ Hoa tình riêng nở muộn" trong Nhớ Bắc Hà để bừng sáng một lý tưởng cao đẹp "Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu".

Ngoài ra "Hương đất" còn có câu thơ để lại trong lòng người đọc ấn tượng về quê hương như: "Góc quê đơn giản vậy đấy/ Lặng chiều !/ Những kẻ xa quê/ Ứa lệ nấm mồ xanh cỏ/ Gạch hồng… nỡ kẻ trả ơn…" (Góc quê) hoặc: "Tháng ba cuốc kêu bờ bãi/ Gọi vàng hoa mướp leo dây/ Ong về xây tổ nhả mật/ Lặng thầm… thổn thức hồn quê !…" (Tháng ba) hay "Ta về tìm lại dửng dưng/ Bán mua tấp nập xốn xang lời mời/ Eo lưng dáng cũ đâu rồi/ Chợ quê dấu mẹ… Nón cời ánh trăng".

Phải chăng vì thế mà gấp trang sách lại tôi không thể tách ra đâu là Nguyễn Thấn tâm huyết với nghề giáo, đâu Nguyễn Thấn rạo rực hồn thơ. Cả hai con người ấy trong anh là một. Cho nên anh càng dạy toán giỏi thì càng làm thơ hay./.

Nguyễn Đức Hoè



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com