Hiệu quả từ phong trào xây dựng làng văn hoá ở Yên Khánh

09:10, 29/10/2010

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Từ những năm 1990, phong trào xây dựng làng văn hoá đã được Đảng uỷ, UBND xã Yên Khánh (Ý Yên) tập trung chỉ đạo, trở thành hoạt động thường xuyên có ý nghĩa đối với đời sống cộng đồng. Sau khi làm điểm ở thôn Thị, năm 2000, xã đã nhân rộng mô hình xây dựng làng văn hoá ra 13 thôn của xã. Đến nay, toàn xã đã có 9/14 thôn được công nhận làng văn hoá. Thực tiễn của phong trào xây dựng làng văn hoá ở Yên Khánh đã và đang thực sự trở thành động lực để xây dựng và thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước cũng như phát huy truyền thống đoàn kết trong nhân dân, khơi dậy truyền thống văn hoá tốt đẹp của nhân dân ở mỗi cộng đồng dân cư. Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, xã chú trọng vào các nội dung: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng và thực hiện tốt hương ước làng văn hoá... Trong phát triển kinh tế, xã đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất chiêm trũng. Những năm qua, xã đã tích cực triển khai việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp song song với việc đầu tư phát triển chăn nuôi. Nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu đã xuất hiện như việc chuyển đổi xây dựng mô hình kinh tế sinh thái chăn nuôi kết hợp như ở thôn Từ Liêm, thôn Thượng, thôn Đông, thôn Tây Tu Cổ, thôn Tây An Lạc, thôn Thị... Nhiều hộ còn phát triển các nghề chắp nứa, mộc, nề, thêu ren..., tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Số hộ khá và giàu ở Yên Khánh ngày càng tăng, chiếm khoảng 60%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,8%. Kinh tế phát triển, tạo điều kiện để chính quyền và nhân dân trong xã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm và xây dựng các thiết chế văn hoá góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nhân dân trong xã luôn có ý thức chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH của xã hướng dẫn các thôn, xóm triển khai thực hiện xây dựng làng văn hoá. Ban Vận động xây dựng nếp sống văn hoá được thành lập ở tất cả các thôn, tích cực hướng dẫn các hộ dân đăng ký xây dựng gia đình văn hoá. Năm 2009, toàn xã đã có 1236/1530 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hoá, đạt trên 80%. Điểm nổi bật ở Yên Khánh là đã phát huy được vai trò của nhân dân trong xây dựng nếp sống văn hoá. Đến nay, xã có 14/14 thôn có nhà văn hoá, trong số đó, 10 nhà văn hoá của 10 thôn được xây mới, do dân đóng góp kinh phí xây dựng. Công tác khuyến học khuyến tài của xã được đẩy mạnh. Cả 14 thôn của xã nhiều năm nay không có trẻ em bỏ học, không có đơn thư khiếu kiện đông người trái pháp luật, 8/14 thôn không có người sinh con thứ 3. Đặc biệt, thôn trại Tu Cổ 10 năm liền không có người sinh con thứ 3. Các đoàn thể hoạt động thường xuyên, hiệu quả, gắn việc thực hiện các phong trào thi đua với cuộc vận động "TDĐKXDĐSVH". Chi hội Phụ nữ đẩy mạnh thực hiện mô hình "Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật", thực hiện 4 chuẩn mực gia đình "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"; Chi hội Nông dân đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng; chi Đoàn Thanh niên đẩy mạnh phong trào "Xung kích bảo vệ an ninh Tổ quốc"; chi hội Người cao tuổi vận động hội viên thực hiện phong trào "Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo", "Thôn xóm bình yên gia đình hoà thuận". Để kịp thời can thiệp, ngăn chặn những mâu thuẫn xích mích nảy sinh trong cộng đồng làng thôn, trong mỗi gia đình, có những tổ hoà giải ở cơ sở được thành lập, hoạt động hiệu quả, hoà giải những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Chính vì vậy, nhiều năm nay ở Yên Khánh không có tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Phong trào xây dựng nếp sống văn hoá ở Yên Khánh đã có tác động lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã: Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, an ninh trật tự được giữ vững, các thiết chế văn hoá phát triển mạnh thông qua công tác xã hội hoá, đã huy động được nguồn lực xã hội, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh cho cộng đông dân cư. Trong quá trình xây dựng và thực hiện phong trào, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến như thôn Thị, thôn Trung, thôn Bến, thôn Trại Tu Cổ... Thôn Thị có đặc điểm nổi trội là chính quyền, nhân dân trong thôn đã lấy chi hội Người cao tuổi và chi hội Cựu chiến binh làm nòng cốt để đẩy mạnh phong trào. Thôn Bến đã phát huy được tính cộng đồng trong thôn trong việc xây dựng các thiết chế văn hoá. Thôn Trung phát huy tốt mô hình liên gia tự quản để hoà giải mâu thuẫn trong nội bộ thôn xóm và giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp. Thôn trại Tu Cổ là điển hình trong công tác dân số kế hoạch hoá gia đình, việc cưới, việc tang đã chấp hành tốt theo quy ước nếp sống văn hoá./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com