Giao Thuỷ với phong trào xây dựng Làng văn hoá

08:10, 20/10/2010

Làng quê Giao Hải (Giao Thuỷ) hôm nay. Ảnh: Xuân Thu
Làng quê Giao Hải (Giao Thuỷ) hôm nay.
Ảnh: Xuân Thu
Năm 2000, Giao Hải là xã đầu tiên của huyện Giao Thủy triển khai phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá (TDĐKXDĐSVH). Xã chọn làng Kiên Hành làm điểm, từ đó, nhân rộng phong trào xây dựng Làng văn hoá, Gia đình văn hoá trong toàn xã. Bên cạnh các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông thôn, xã đặc biệt chú trọng tới các vấn đề như: Xây dựng đời sống văn hoá mới gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống địa phương; xây dựng gia đình văn hoá đi đôi với các phong trào "Xây dựng thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc", vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn, trật tự xã hội. Các tiêu chí, quy ước được xây dựng sát thực với điều kiện địa phương nên khi triển khai được nhân dân hưởng ứng tích cực. Những năm qua, Giao Hải đã có bước phát triển kinh tế - xã hội thật đáng mừng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11,6%/năm. Năng suất lúa bình quân đạt trên 123 tạ/ha; sản lượng lương thực đạt 4.386 tấn/năm; sản lượng khai thác, nuôi trồng thuỷ sản đạt trên 4752 tấn/năm, giá trị đạt 16,9 tỷ đồng, chiếm 30,4% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế. Hệ thống trạm, trường, đường, điện được quy hoạch xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân nâng cao tri thức và nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, nhân dân trong xã thực hiện tốt quy chế dân chủ, quy chế về nếp sống văn hoá mới trong việc cưới, việc tang. Các hoạt động đoàn thể, tổ chức chính trị như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung sinh hoạt thiết thực, vận động các gia đình hội viên thực hiện các "mô hình" gia đình văn hoá, gia đình hạnh phúc, không có con em mắc các tai, tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế hộ, xoá đói giảm nghèo. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", người dân Giao Hải đã đóng góp kinh phí để đầu tư xây dựng và khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, TDTT. Thông qua hoạt động của các CLB, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao của thôn phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá, tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần đẩy lùi các tai, tệ nạn xã hội và các hành vi tiêu cực, phản cảm. Đến nay, toàn xã có 5 xóm được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, trên 75% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 5 năm liền là đơn vị dẫn đầu phong trào văn hóa, TDTT của huyện Giao Thủy, được Bộ VH-TT-DL tặng Bằng khen.

Mô hình xây dựng làng văn hoá ở Giao Hải là một trong những điểm sáng của Giao Thủy về nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng văn hoá nói riêng và phong trào TDĐKXDĐSVH nói chung. Đến nay, huyện Giao Thủy có 118 làng, thôn, xóm được công nhận danh hiệu Làng văn hoá; 35.200 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 61 trường học, 10 trạm y tế, 28 cơ quan, đơn vị được công nhận Nếp sống văn hoá. Đồng chí Cao Thế Tạo, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện cho biết: Phong trào xây dựng Làng văn hóa nói riêng và phong trào TDĐKXDĐSVH nói chung ở Giao Thủy đã tập hợp, đoàn kết các lực lượng nhân dân, khơi dậy và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong toàn xã hội. Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, đã huy động các nguồn lực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Qua triển khai phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình tập thể, cá nhân làm kinh tế giỏi, góp phần vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, tình làng nghĩa xóm được củng cố; huy động các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng các thiết chế văn hoá phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, TDTT của các tầng lớp nhân dân. Tiêu biểu trong phong trào là các xã: Bình Hòa, Giao Hà, Giao Hải, Giao Tiến, Giao Phong, Bạch Long, Giao Hương, Giao An, Giao Thiện, Giao Châu, Giao Xuân và thị trấn Quất Lâm. Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và quản lý lễ hội được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Nhiều lễ hội đã trở thành ngày hội văn hóa của cộng đồng dân cư như: Lễ hội chùa Chính (Giao Tiến), lễ hội chùa Nổi làng Hoành Nhị (Hoành Sơn), lễ hội chùa Hà Cát (Hồng Thuận), lễ hội chùa Thanh Khiết - Đan Phượng (Giao Yến), lễ hội đình Vuông (Giao Phong).

 Với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, việc phát huy tính chủ động và trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành thành viên trong Ban chỉ đạo, huyện Giao Thuỷ đã huy động sức mạnh của cộng đồng trong phong trào TDĐKXDĐSVH./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com