BẢO TỒN DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ NHÌN TỪ PHỐ NGHỀ, LÀNG NGHỀ

09:10, 15/10/2010

 

Nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh).  Ảnh: PV
Nghề ươm tơ ở làng Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh).
Ảnh: PV

Tỉnh ta là nơi phát tích và bảo lưu nhiều phố nghề, làng nghề truyền thống, góp phần tạo nên những giá trị di sản văn hoá phi vật thể phong phú. Phát triển phố nghề, làng nghề gắn với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc chính là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tạo nên hiệu quả thiết thực trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

TỪ NÉT ĐỘC ĐÁO PHỐ NGHỀ

Thành Nam xưa là một trung tâm thương nghiệp, có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng, với các phố phường nổi tiếng nghề thủ công nghiệp, buôn bán sôi động chẳng kém Thăng Long, phố Hiến. Nhiều con phố được đặt tên theo các phường nghề, cho thấy sự phát triển về kinh tế, xã hội, xứng với vị thế trung tâm của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng. Trải qua hơn 700 năm hình thành và phát triển, Thành Nam quy tụ nhiều cư dân từ các miền về sinh sống và lập nghiệp; và các dòng họ từ mọi miền về đây mang theo những nghề truyền thống độc đáo đã kết tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú. Do đó, cộng đồng dân cư sinh sống và lập nghiệp, hình thành nên hai loại phố cơ bản: Những đường phố chuyên buôn bán, hoạt động thương mại và phố có nghề thủ công truyền thống. Phong cách văn hoá, truyền thống văn hiến và sự đa dạng di sản sản phẩm nghề thủ công  của đất và người Thành Nam có "cá tính" từ mạch nguồn văn hoá riêng, khó trộn lẫn. Những chủ nhân của các sản phẩm độc đáo ấy không chỉ là người gốc Thiên Trường, mà còn là sự hợp tụ của những người thợ tài hoa trên khắp các vùng miền về đây sinh sống, lập nghiệp, hành nghề. Phố Hàng Cấp xưa là nơi chuyên nghề dệt cấp - một thứ lụa quý dệt bằng tơ nõn, dệt lĩnh, the, gấm; những người thợ vừa quay tơ, vừa dệt vốn gốc làng Đại Mỗ, Tây Mỗ, Vạn Phúc (Hà Tây). Còn phố Hàng Tiện, thời thịnh vượng có hơn 40 hộ thuộc 9 dòng họ làm nghề tiện có tay nghề giỏi về mộc, chạm khắc từ làng Chôm (Hà Tây) và những người thợ gốc La Xuyên, Cát Đằng (Ý Yên). Phố Hàng Khay nổi tiếng với mặt hàng sập gụ, tủ chè, tủ ba buồng bằng gỗ gụ, gỗ trắc, gỗ mun quý giá. Qua chợ Rồng là đến phố nghề Hàng Nón, Vải Màn, Hàng Thiếc, Hàng Đàn, Hàng Giầy. Các hộ dân ở con phố Vải Màn là dân làng Dịch Diệp (Trực Ninh), làng Thịnh, Mỹ Hưng (Mỹ Lộc), làng Hoa Chiểu, Tiên Lữ (Hưng Yên). Ngoài các sản phẩm chăn, màn, họ còn sản xuất các loại khăn xếp bằng lượt, nhiễu. Bên cạnh Hàng Sắt là phố Hàng Đàn, ban đầu chỉ bán các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, nhị, sáo. Sau đó, những người thợ từ làng Cao Đà, Lý Nhân (Hà Nam) nổi tiếng với nghề làm đình đến sinh sống, hành nghề làm ra các mặt hàng nổi tiếng: ngai, bài vị, hương án, cuốn thư, hoành phi, câu đối. Phố Hàng Mành chủ yếu là người làng Đỗ Xá (Nam Trực), sau khi học nghề từ quê Giới Tế, Yên Phong (Hà Bắc) về đây định cư. Sản phẩm mành nứa  ở đây được dệt bằng sợi móc, nan nhỏ, đều, màu hanh vàng nên không bị mưa làm ải, có độ bền. Mành còn được sơn nhiều mầu sắc, dùng làm nội thất trang trí.

ĐẾN DI SẢN VĂN HÓA LÀNG NGHỀ…

 

Sản xuất hương tại làng nghề Mai Xá, xã Mỹ Xá (TP Nam Định).  Ảnh: Xuân Thu
Sản xuất hương tại làng nghề Mai Xá, xã Mỹ Xá (TP Nam Định).
Ảnh: Xuân Thu

Tỉnh ta được coi là "đất trăm nghề" với trên 100 làng nghề, trong đó có hơn 50 làng nghề truyền thống lâu đời, nổi tiếng trong khu vực và cả nước như: Làng trồng hoa, cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá, làng rèn Vân Chàng, Nam Giang (Nam Trực); làng dệt Phương Định, Cự Trữ, ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); sơn quang Cát Đằng, chạm khắc La Xuyên, đúc đồng Tống Xá (Ý Yên), mây tre đan Vĩnh Hào (Vụ Bản)… Trong lịch sử phát triển, đã chứng minh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của mỗi làng nghề truyền thống ở tỉnh ta không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh, mà còn là những sản phẩm mang ý nghĩa bản sắc văn hoá bản địa độc đáo, đa dạng. Bởi lẽ, các sản phẩm đó là kết quả từ quá trình lao động, sáng tạo từ bàn tay, khối óc mang đậm dấu ấn tinh hoa và môi trường văn hoá của đất và người Nam Định từ bao đời nay. Nghề trồng hoa, cây cảnh vùng đất Thiên Trường xưa, Nam Định nay được coi là nơi xuất xứ của nghề trồng hoa, cây cảnh với dấu ấn riêng về phong cách tạo dáng "thổi hồn vào lá". Hơn 700 năm về trước, khi xây dựng hành cung Tức Mặc (phủ Thiên Trường), các vị Vua Trần ngoài việc xây dựng cung điện Trùng Hoa, Trùng Quang còn thiết kế các cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam để các Hoàng phi, cung tần mỹ nữ ở và có các vùng đất chuyên trồng hoa, phục vụ trang trí trong hoàng cung. Cùng với thời gian, thú chơi hoa, cây cảnh đã vượt khỏi cung đình, ăn sâu vào nếp sinh hoạt của người dân, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá, thuần phong mỹ tục cao đẹp và rất đỗi thanh tao. Nghề trồng hoa, cây cảnh ở Vị Khê, Phù Long, Mỹ Tân, Vạn Diệp… cũng dần đi vào hướng chuyên canh và trở thành sản phẩm hàng hoá để trao đổi, mua bán trong các phiên chợ vùng miền. Từ vẻ đẹp của đất trời tự nhiên, hoa tươi, cây cảnh được "thổi hồn" trở thành vẻ đẹp văn hoá. Theo nghệ nhân Vũ Viết Hoa, làng Vị Khê thì trồng cây và chơi cây cũng là một hình thức nghệ thuật, phụ thuộc vào trình độ "tay nghề" của người làm vườn và thẩm mỹ của khách chơi cây. Tiêu chí cơ bản xác định giá trị của cây cảnh, hoa tươi chính là biểu tượng mà cây đem lại. Do đó, giữa các làng hoa đều có những nét đặc trưng riêng trong nghệ thuật tạo thế, tỉa cây và sự khác biệt giữa "bí quyết" tổ truyền là yếu tố quan trọng tạo nên sự đa dạng về chủng loại, yêu cầu người làm vườn phải am tường các luật chơi của loại hình nghệ thuật này. Trong các nghề rèn truyền thống, thì "thương hiệu" đúc đồng Tống Xá (Ý Yên) đã nổi danh khắp cả nước về nghệ thuật đúc tinh xảo, độc đáo; đồng thời Yên Xá là một trong những "điểm sáng" về việc phát triển kinh tế từ nghề tổ truyền gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tống Xá là vùng đất cổ. Vào năm 1118, nhà sư Nguyễn Trí Thành (pháp danh là Minh Không) về vãn cảnh chùa, dạo xem phong thổ, tìm hiểu dân tình thấy khí vượng, nhân hoà, đức hiền… rồi dạy dân làng nghề đúc, kéo bễ thổi lò, chế tạo ra các dụng cụ bằng gang, đồng trong 7 tháng. Sau này, nghề đúc được mở mang, dân làng làm ăn thịnh vượng lập đền thờ tôn ngài là Đức Thánh Tổ, lấy ngày 12 tháng 2 âm lịch làm ngày giỗ hàng năm. Tổ chức "Hội làng" để tôn vinh "Hội nghề"- đó là nét cao đẹp mang giá trị nhân văn sâu sắc trong Lễ hội nghề đúc truyền thống làng Tống Xá. Một quá khứ được nâng niu, truyền thống được tiếp nối là "chìa khoá" đem lại cho đất và người Tống Xá diện mạo và sức sống mới hôm nay.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Việc phát triển làng nghề, phố nghề truyền thống ở tỉnh ta trong những năm qua đã đạt những kết quả tích cực, góp phần nâng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN; đồng thời khai thác, phát huy tiềm năng văn hoá của làng nghề để phát triển du lịch - dịch vụ là hướng quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu tổng sản phẩm xã hội. Nhiều làng nghề truyền thống tại các địa phương từng bước khôi phục, thực sự là "cú hích" quan trọng trong  thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh ta hiện có 37 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với các mặt hàng gồm mây tre đan, nứa ghép sơn mài, thêu ren, tơ tằm, đồ gỗ mỹ nghệ, cơ khí đúc chủ yếu là hàng xuất khẩu. Trong đó, huyện Ý Yên có 11 làng nghề, huyện Vụ Bản có 6 làng nghề, Nghĩa Hưng có 5 làng nghề; các huyện Nam Trực, Hải Hậu mỗi địa phương có từ 1 đến 2 làng nghề tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Những năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh; bình quân mỗi năm tỉnh ta xuất khẩu 8,5-10 triệu USD hàng thủ công mỹ nghệ.

Để bảo tồn giá trị truyền thống, nét đẹp độc đáo của mỗi phố nghề, làng nghề, việc lưu trữ tài liệu về lịch sử phát triển của ngành nghề trong các giai đoạn lịch sử, sự thay đổi kỹ nghệ và công nghệ, cách sử dụng sản phẩm… có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, phần lớn lịch sử có liên quan, các giai thoại và độc đáo của các làng nghề chỉ truyền miệng. Các bậc nghệ nhân với những bí quyết và kinh nghiệm dân gian nắm bắt nhiều kỹ xảo, kỹ năng truyền thống ngày một "vơi dần", lớp lao động trẻ lại không được đào tạo cơ bản và có được "bí quyết" tổ nghề; từ đó dẫn tới thực trạng giảm sút về sự tinh xảo, mỹ thuật, các sản phẩm làm ra không tương xứng với nghề truyền thống, khiến cho một số làng nghề truyền thống bị mai một. Mô hình phát triển du lịch làng nghề, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái hiện nay đang được quan tâm nhưng các sản phẩm du lịch làng nghề ở tỉnh ta còn đơn điệu, thiếu "phong cách" về tính độc đáo trong mẫu mã và kiểu dáng thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế. Để khai thác và phát huy tiềm năng di sản văn hoá làng nghề truyền thống, góp phần phát triển mô hình du lịch làng nghề, đồng thời là động lực thúc đẩy CN-TTCN, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, cần có những giải pháp mang tính chiến lược, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện địa phương. Trong đó, tiến hành việc sưu tầm các tài liệu, hiện vật có giá trị về truyền thống của các làng nghề, làm cơ sở định hướng cho sự phát triển của nghề thủ công. Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ thợ thủ công mỹ nghệ có thẩm mỹ, kiến thức khoa học, hiểu biết và am tường về truyền thống văn hoá phố nghề, làng nghề. Với giá trị và tiềm năng văn hoá to lớn, việc phát triển phố nghề, làng nghề cần có sự "vào cuộc" của các cấp, các ngành và toàn xã hội./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com