Cần công khai, minh bạch các khoản thu đầu năm học mới

08:07, 07/10/2022

Các trường học trên toàn tỉnh đã bước vào năm học mới được hơn 1 tháng và cũng như những năm trước, vấn đề “lạm thu” lại trở thành đề tài “nóng hổi” được dư luận xã hội quan tâm. Mới đây, Báo Nam Định cũng nhận được đơn thư của phụ huynh học sinh (đề nghị giấu tên) một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố phản ánh về nhiều khoản thu mà phụ huynh “buộc phải tự nguyện”. 

“Trăm dâu đổ đầu... phụ huynh”

 Sau hai năm liên tiếp với những khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài, kinh tế suy giảm, trong khi giá cả sinh hoạt tăng lên thì qua cuộc họp phụ huynh đầu năm học này vẫn có nhiều ý kiến gửi đến cơ quan báo chí phản ánh, trong các khoản thu được công bố ở nhiều trường vẫn có những khoản thu khá vô lý với mức thu khiến nhiều gia đình chật vật lo lắng vào dịp đầu năm học. Các khoản thu này đều được phổ biến thực hiện dưới danh nghĩa phụ huynh thống nhất thỏa thuận và Hội/Ban phụ huynh đứng ra thu, gây bức xúc trong phụ huynh và xã hội. Một phụ huynh chia sẻ: “Dịch bệnh kéo dài khiến kinh tế nhà tôi rất khó khăn. Nhưng tại cuộc họp đại diện ban phụ huynh lớp phổ biến rằng hội phụ huynh nhà trường đã thống nhất, vì e ngại cho các con suốt năm học sau này nên chúng tôi cũng không dám nói không nộp. Kinh tế khó khăn chung, nhà trường không thông cảm mà còn thu nhiều khoản rất vô lý”. 

Niềm vui của học sinh khi được đến trường.

Ảnh: Internet

Những khoản thu mà phụ huynh thấy băn khoăn, như: in phiếu bài tập, phô tô và ép tài liệu, quỹ hội phụ huynh 2 cấp (nhà trường và lớp), quỹ khuyến học, tiền mũ, tiền phù hiệu, thậm chí có khoản thu rất chung chung “tiền xã hội hóa”, tiền gửi xe, tiền hỗ trợ cơ sở vật chất (trong khi theo phụ huynh chia sẻ là qua báo chí hàng năm đều thấy các địa phương nói dành ngân sách Nhà nước đầu tư bổ sung, củng cố cơ sở vật chất, sửa chữa trường lớp, bổ sung vật tư, thiết bị dạy học)... Tuỳ từng trường mà số tiền học sinh phải đóng đầu năm học có thể từ 2,5 triệu đến 4 triệu đồng/1 học sinh. Chị M.Q, phường Vị Xuyên (thành phố Nam Định) cho biết: Nhà chị có 2 cháu đi học, lớp 10 và lớp 6, đều là những lớp đầu cấp. Trong khi mọi chi tiêu trong gia đình phần lớn trông vào thu nhập gần 10 triệu đồng lương công nhân của vợ chồng chị. Để chuẩn bị tiền đóng học cho con đầu năm học, ngay sau khi lo cho các con thi chuyển cấp, gia đình đã phải tính toán lên kế hoạch, chật vật lắm mới dành dụm được gần 10 triệu đồng để nộp cho 2 cháu! Chị cũng bày tỏ nguyện vọng: “Mong các nhà trường đồng hành, chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh. Chỉ thu những khoản bắt buộc theo quy định và thực sự cần thiết. Các khoản thu trong quy định thì nên thu thành nhiều đợt trong năm, tránh tập trung thu vào đầu năm học”. Còn ông N.V.Q, trú tại đường Nguyễn Đức Thuận (thành phố Nam Định) phản ánh: Trường THCS nơi mà con ông học đầu năm học nào cũng thu rất nhiều khoản, nào là: Tiền xã hội hóa 200 nghìn đồng/1 học sinh; quỹ hội phụ huynh với nhà trường 200 nghìn đồng/năm; tiền hỗ trợ bảo vệ, vệ sinh 100 nghìn đồng/1 học sinh; quỹ khuyến học 30 nghìn đồng/1 học sinh; hỗ trợ phòng Tin 30 nghìn đồng/1 học sinh. Ngoài ra dịp Tết Trung thu vừa qua mỗi học sinh phải đóng góp 250 nghìn đồng để tổ chức hoạt động... Trường thu rất nhiều khoản nhưng không hề có hóa đơn. Và hàng năm có nhiều khoản thu phụ huynh không hề được biết trường số tiền thu đó dùng để làm gì, trong khi cơ sở vật chất nhà trường vẫn xuống cấp, chất lượng giáo dục thì không được cải thiện... Ông Q nhấn mạnh thêm: theo các văn bản của chính quyền và ngành Giáo dục được đăng tải trên internet và mạng xã hội thì nhiều khoản thu thực tế là do trường tự đề ra, không nằm trong quy định của Nhà nước. Có nhà trường thuê địa điểm học tạm trong khi cơ sở cũ sửa chữa cải tạo nhưng cũng gợi ý phụ huynh đầu tư nhiều thiết bị, rất lãng phí nếu chỉ sử dụng trong 1 năm lại tháo ra di chuyển, hoặc bỏ đi... Một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học LV (thành phố Nam Định) có đơn kiến nghị nhà trường thu nhiều khoản bất hợp lý như tiền mua sắm, trang trí thư viện nhà trường, thu tiền ăn bán trú quá cao (32 nghìn đồng/bữa)...

Theo quy định hiện hành, thời điểm đầu năm học, một số khoản thu mà nhà trường được phép thực hiện như học phí, Bảo hiểm y tế (BHYT), quần áo đồng phục... Cụ thể, theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, HĐND cấp tỉnh sẽ quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của mỗi địa phương. Về BHYT, theo Luật BHYT 2008 sửa đổi năm 2012 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, mức đóng học sinh bằng 4,5% nhân mức lương cơ sở nhân với số tháng tham gia tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ BHYT. Về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu: Áp dụng theo Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD và ĐT. Kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi. Riêng các khoản thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh ở từng địa phương hoặc thu theo Nghị quyết của HĐND từng tỉnh/thành như: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú; học 2 buổi/ngày; học phẩm cho trẻ mầm non; nước uống học sinh; dạy thêm, học thêm trong nhà trường... sẽ được áp dụng tùy từng địa phương, đơn vị. Tất cả phải có sự thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh. 

Công khai, minh bạch để tránh “lạm thu”

Ngay khi bước vào năm học mới 2022-2023, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, trong Công văn 1280/SGDĐT-VP ngày 16-8-2022 về triển khai một số hoạt động đầu năm học, Sở GD và ĐT nhấn mạnh việc “Chấn chỉnh thu, chi và xã hội hóa đầu năm”, yêu cầu thực hiện công tác quản lý thu, chi tài chính đúng quy định, nhất là các khoản thu, chi đầu năm học, nghiêm cấm việc đặt ra các khoản thu trái quy định; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu”. Chia sẻ khó khăn với cha mẹ học sinh trước tác động tiêu cực của dịch bệnh. Hạn chế tối đa việc huy động đóng góp tự nguyện (ngoài khoản bắt buộc) từ cha mẹ học sinh; vận động các nhà cung cấp dịch vụ cắt giảm chi phí, giảm giá dịch vụ; tích cực huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cựu học sinh… để tăng cường cơ sở vật chất, triển khai các hoạt động của nhà trường; hỗ trợ học sinh khó khăn về kinh tế. Thực hiện công khai, trách nhiệm giải trình, cung cấp thông tin thuộc phạm vi, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện Công văn số 494/UBND-VP7 ngày 6-9-2022 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2022-2023 ngày 16-9-2022, Sở GD và ĐT đã ban hành Công văn số 1463 yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền thực hiện công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công tác thu, chi tài chính theo Thông tư số 36/2018/TT-BGDĐT ngày 28-12-2017 của Bộ GD và ĐT. Cam kết không thu các khoản thu trái quy định, không tùy tiện đặt ra các khoản thu, các loại quỹ trái quy định trong trường học, tiết giảm chi phí hoạt động chưa cấp bách, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Nghiêm cấm các cơ sở giáo dục lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh dưới hình thức “tự nguyện” để thu tiền từ cha mẹ học sinh cho việc mua sắm máy móc, trang thiết bị, quà tặng nhà trường và thầy cô giáo. Các cơ sở giáo dục, không thu nhiều khoản vào cùng một thời điểm, thu học phí và các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo tháng (trừ khi cha mẹ học sinh tự nguyện nộp theo học kỳ). Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố lập đường dây nóng và thông báo công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử để nhân dân phản ánh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm, đặc biệt là xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng thu trái quy định… 

Tuy nhiên để các văn bản trên đi vào thực tiễn và để xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu kéo dài nhiều năm nay, ngành GD và ĐT, các cấp chính quyền cần có những động thái cụ thể cho thấy sự quyết liệt chấn chỉnh. Cần thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố công khai các đơn vị vi phạm. Các trường cần thực hiện thu đúng, thu đủ, sử dụng đúng mục đích khoản thu, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình tổ chức thu, quản lý và sử dụng. Các khoản thu phải được công khai rộng rãi đến toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh toàn trường, không lợi dụng danh nghĩa của Ban đại diện cha mẹ học sinh để ép thu các khoản ngoài quy định. 

Mới đây một động thái quyết liệt khi Sở GD và ĐT vào cuộc xác minh kiểm tra công tác tài chính tại Trường THPT Xuân Trường B, trong đó yêu cầu Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thu hồi 206 triệu đồng đã chi không đúng quy định và đề nghị nhà trường giải trình một số khoản chi tiêu không hợp lý. Một phụ huynh chia sẻ, nếu các khoản thu được đưa ra tham vấn trên tinh thần thật khách quan, công khai minh bạch mục đích thu và chi, phụ huynh sẵn sàng chi trả nếu thấy hợp lý để thuận lợi cho việc học tập của con em mình. Tránh tình trạng “đến hẹn lại lên” việc thu chi vào mỗi đầu năm học lại gây dư luận băn khoăn, bức xúc trong xã hội./. 

Vân Giang

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com