Hỗ trợ nông dân giảm nghèo bền vững

08:08, 03/08/2022

Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó không chỉ tạo động lực khích lệ hội viên hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu mà còn giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Hội viên nông dân xã Giao Hải (Giao Thủy) phát triển mô hình chế biến thực phẩm an toàn.
Hội viên nông dân xã Giao Hải (Giao Thủy) phát triển mô hình chế biến thực phẩm an toàn.

Với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, tương thân tương ái, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, cụ thể đã trực tiếp giúp đỡ hàng nghìn con giống các loại, hàng nghìn ngày công và hàng tỷ đồng cho các hộ khó khăn về giống, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Từ năm 2018 đến nay, HND tỉnh triển khai kế hoạch vận động xây dựng Quỹ “Mái ấm nông dân” nhằm hỗ trợ hội viên nông dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nâng cao mức sống. Đến nay, các cấp Hội trực tiếp đóng góp ủng hộ được trên 2 tỷ đồng; đã nâng cấp 24 ngôi nhà, trao tặng 9 bò vàng sinh sản, 10 con lợn nái sinh sản cho gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 328 xe đạp, 1.000 suất học bổng khuyến học (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho các cháu học sinh tiểu học là con hội viên nông dân nghèo vượt khó hiếu học. Đặc biệt, trong 2 năm qua, HND tỉnh phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT tỉnh, Công đoàn Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam hỗ trợ xây mới 8 nhà “Mái ấm nông dân” với tổng số tiền 830 triệu đồng. Nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các cấp Hội trực tiếp tặng 300-500 suất quà cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2021, HND tỉnh phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT tỉnh tặng 810 suất quà, tổng giá trị 416 triệu đồng cho 810 hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của hội viên, nông dân, các cấp HND trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng chương trình “Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình cùng cả nước vượt qua đại dịch COVID-19” do Trung ương HND Việt Nam phát động, cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh đã vận động ủng hộ được gần 500 triệu đồng, trong đó 372 triệu đồng tiền mặt chuyển về Ủy ban MTTQ các cấp, còn lại bằng hiện vật ủng hộ công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Trước đó, các cấp HND trong tỉnh đã vận động, ủng hộ hàng nghìn suất quà tặng các chốt kiểm soát dịch COVID-19, các khu cách ly, phong tỏa và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; đồng thời thực hiện tốt chương trình hỗ trợ nông dân tiêu thụ các loại nông sản…

Để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đạt hiệu quả, các cấp Hội tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các tổ chức tín dụng. Đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh là 29 tỷ 427 triệu đồng cho 1.315 hộ vay; tín chấp từ Ngân hàng NN và PTNT cho 56.500 hộ hội viên nông dân vay với số vốn 11.364,87 tỷ đồng; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội 1.316,06 tỷ đồng cho 38.178 hộ vay. Cùng với đó, công tác dạy nghề, tư vấn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội đã trực tiếp tổ chức được 78 lớp dạy nghề trồng cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, may công nghiệp cho 2.433 lao động; phối hợp tổ chức được 388 lớp dạy nghề cho 13.128 lượt lao động nông thôn, sau học nghề có 85% học viên tìm được việc làm ổn định. Các cấp Hội phối hợp, liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi cho hội viên nông dân đầu tư sản xuất. Ngoài ra, hàng năm, HND các cấp trong tỉnh còn tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tổ chức cho hội viên đi tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, kinh tế trang trại trong và ngoài tỉnh; tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm sản xuất; giao chỉ tiêu cho mỗi chi hội giúp đỡ từ 1-2 hộ nghèo. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn đã tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương, tích cực hỗ trợ hội viên nghèo về vốn, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa giống, lúa lai F1 của hộ ông Đoàn Ngọc Sơn, xã Hải An (Hải Hậu) lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trồng, thu mua, sấy cây đinh lăng kết hợp nuôi cá của hộ ông Bùi Văn Sớm, xã Hải Quang (Hải Hậu) trên diện tích 4ha, cho thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động. Mô hình trang trại chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ của hộ ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) với diện tích chuồng trại 600m2, quy mô đàn lợn trên 300 con, lợi nhuận thu được trên 1,4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 8 lao động. Mô hình nuôi cá trắm đen, cá Koi, tôm thẻ chân trắng của ông Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) lợi nhuận thu được đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 18 lao động thường xuyên. Mô hình sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, kinh doanh chế biến lâm sản của hộ ông Nguyễn Đoàn Phó, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), lợi nhuận thu được trên 2,5 tỷ đồng/năm, đảm bảo việc làm thường xuyên cho 90 lao động với thu nhập bình quân từ 9-11 triệu đồng/người/tháng. Mô hình sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh của hộ ông Đỗ Duy Bắc, xã Điền Xá (Nam Trực), lợi nhuận thu được đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Với việc làm tốt công tác tương trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập và đời sống của nông dân từng bước được cải thiện, số hộ có kinh tế khá và giàu tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Nhiều hội viên, nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành gương điển hình tiên tiến, đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương, có nhiều đóng góp cho xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương./.

Bài và ảnh: Lam Hồng   



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com