Giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên

08:04, 20/04/2022

Thời gian qua, công tác giáo dục quốc phòng, an ninh (QPAN) cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 

Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ luyện tập bắn súng tiểu liên AK tại thao trường núi Gôi (Vụ Bản).  Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ luyện tập bắn súng tiểu liên AK tại thao trường núi Gôi (Vụ Bản).

Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Hàng năm, bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng giáo dục QPAN cùng cấp tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho toàn dân nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng, thông qua việc tuyên truyền Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở triển khai tổ chức thực hiện thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, chương trình giáo dục QPAN trong hệ thống các trường tiểu học, THCS được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình; còn trong trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học là môn học chính khóa. Đây là cơ sở để tổ chức triển khai hiệu quả công tác giáo dục, tạo nguồn nhân lực cho QPAN. Đáng chú ý, nội dung, chương trình môn giáo dục QPAN trong các trường THPT, các trường cao đẳng, đại học và trung cấp nghề đã được tăng cường kiến thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia, kỹ năng quân sự, tăng thời gian thực hành... Thông qua môn học, học sinh, sinh viên đã nhận thức đầy đủ hơn quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của Đảng, có nhận thức rõ hơn về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; có kỹ năng quân sự cần thiết để phát triển nhân cách toàn diện, tự giác, sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có gần 58 nghìn học sinh, sinh viên của 57 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, 4 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp nghề học giáo dục QPAN. Tùy theo từng cấp học, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản khác nhau. Trong các trường phổ thông, chuyên nghiệp, giáo dục QPAN là môn học chính khóa nên được chú trọng; nội dung trong sách giáo khoa dành cho giáo viên và học sinh ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Đặc biệt đối với nội dung thực hành được quan tâm hơn trước; nhất là về cơ sở vật chất việc dạy và học… Học sinh được học những kiến thức chung về công tác quân sự; truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc; của lực lượng vũ trang tỉnh; nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự; tầm quan trọng của an ninh quốc gia; một số nội dung cơ bản trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản) có 6 giáo viên tham gia giảng dạy bộ môn giáo dục QPAN, trong đó 1 giáo viên chuyên trách, 5 giáo viên kiêm nhiệm. Với gần 1.200 học sinh được chia thành 30 lớp, nhà trường đã triển khai dạy và học giáo dục QPAN một cách hiệu quả. Ngay từ đầu các năm học, nhà trường cử giáo viên phụ trách môn giáo dục QPAN tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng, tham mưu giúp Ban giám hiệu xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục theo sát chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn cao. Năm học 2021-2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đợt đầu năm học, song cơ bản 100% học sinh nhà trường tham gia học tập và kiểm tra đánh giá học tập bộ môn giáo dục QPAN, kết quả đạt 90% tỷ lệ khá, giỏi. Thầy giáo Phạm Ngọc Điều, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết: “Việc dạy và học giáo dục QPAN của nhà trường được thực hiện đúng tiến độ, chương trình, nội dung giảng dạy theo quy định. Theo đó, giáo viên vận dụng thành công và sử dụng thường xuyên các phương tiện dạy học hiện đại, thiết bị dạy học trong các giờ dạy. Qua việc học tập đã giúp học sinh có kiến thức cơ bản về đường lối QPAN và công tác quản lý Nhà nước về QPAN; có kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết để tham gia vào sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Môn học này còn có tác dụng rèn luyện tác phong, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật trong học sinh”. Còn ở Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, môn Giáo dục QPAN được sắp xếp lịch học như tất cả các môn học khác. Nhà trường có 5 giáo viên chuyên trách đều là sĩ quan lục quân chuyển ngạch nên chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu. Sau khi kết thúc môn học, sinh viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn được cấp chứng chỉ theo quy định. Năm học 2021-2022, Trường đào tạo gần 500 sinh viên với thời lượng học tập gồm 4 học phần theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian học từ 30 ngày trở lên đối với mỗi lớp học. Thầy giáo Đinh Quốc Thắng, Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho biết: “Trường được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, là cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục QPAN tỉnh, thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ về công tác giảng dạy. Đến nay, nhà trường đã tổ chức cho 4.456 lượt sinh viên được học và hoàn thành chương trình giáo dục QPAN theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18-3-2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên, thời gian tới, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò của công tác giáo dục QPAN. Rà soát nắm chắc các đối tượng chưa được bồi dưỡng kiến thức QPAN. Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy môn học giáo dục QPAN, gắn lý thuyết với thực hành, vừa giáo dục chính trị tư tưởng, vừa rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý chí, tinh thần kỷ luật và huấn luyện kỹ thuật quân sự. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên chuyên trách và kiêm nhiệm có phương pháp giảng dạy khoa học giúp học sinh, sinh viên hăng say học tập, bộc lộ tài năng quân sự, làm cơ sở phát hiện, tuyển chọn, tạo nguồn nhân lực cho xây dựng lực lượng vũ trang; kết hợp học với tham quan thực tế tại các đơn vị sẵn sàng chiến đấu của quân chủng, binh chủng gắn với ngành học của học sinh, sinh viên. Tận dụng nguồn cơ sở vật chất vốn có của các nhà trường vào quá trình giảng dạy giáo dục QPAN như nhà thi đấu, sân vận động, bể bơi, sân tập, nhà đa năng và vận dụng linh hoạt địa hình tự nhiên làm giảng đường và thao trường huấn luyện, trang bị đầy đủ các loại vũ khí, mô hình để phục vụ giảng dạy. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên trưởng thành toàn diện, tự tin, có kiến thức QPAN, có kỹ năng quân sự cần thiết, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc./.

Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com