Thú chơi lan ngày Tết

04:01, 21/01/2022

Người xưa thường nói “Vua chơi lan, quan chơi trà”, nói về một thú chơi “cao sang” mà chỉ bậc vua chúa xưa mới được thưởng ngoạn giống lan hoa quý hiếm, địa lan quý. Ngày nay, thú chơi lan không còn là “độc quyền” của những người thuộc tầng lớp trên mà đã trở thành phổ biến trong các giai tầng xã hội, nhất là vào dịp Tết cổ truyền.

Rực rỡ sắc màu lan hồ điệp tại nhà vườn Hoa Thiện, xóm Mỹ Tiến 1, xã Nam Phong (thành phố Nam Định).
Rực rỡ sắc màu lan hồ điệp tại nhà vườn Hoa Thiện, xóm Mỹ Tiến 1, xã Nam Phong (thành phố Nam Định).

 

Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp đến thăm nhà vườn Hoa Thiện chuyên trồng lan hồ điệp của chị Phạm Thị Hoa, xóm Mỹ Tiến 1, xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Là chủ nhiệm HTX hoa, cây cảnh Nam Phong đồng thời là bà chủ vườn lan hồ điệp lớn nhất nhì tỉnh, chị Hoa có niềm đam mê mãnh liệt với giống hoa này. Vườn lan hồ điệp của vợ chồng chị Hoa, anh Thiện hiện có khoảng 1,5 vạn cây. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn số lan trong vườn đã “có chủ” đặt hàng. Mặc dù mới đưa vào trồng thử nghiệm năm đầu tiên nhưng vụ hồ điệp năm nay theo ước tính của anh Thiện vẫn “thắng lớn”. Đầu năm, vợ chồng anh liên hệ với Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam nhập nhiều loại lan hồ điệp từ Đài Loan về trồng. Quá trình trồng, anh Thiện, chị Hoa được sự hỗ trợ đắc lực của các cán bộ kỹ thuật trong Viện. Cây nào có dấu hiệu bị sâu, sinh trưởng chậm, hoa ra không đều, anh Thiện quay video gửi cho Viện nhờ họ hướng dẫn, tư vấn thêm cách chăm sóc, tưới nước, phun thuốc, bón phân… Vài tháng một lần Viện lại cử người về nhà vườn kiểm tra chất lượng cây. Để đầu tư cho nhà vườn, ngoài giống, vợ chồng anh Thiện còn phải bỏ một khoản lớn xây khu nhà công nghệ với tổng diện tích 530m2, kinh phí 1,5 tỷ đồng. Sử dụng nhà công nghệ giúp cây bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm, sinh trưởng, phát triển, ra hoa đúng thời điểm đồng thời hạn chế được các loại sâu bệnh, nấm mốc. Là giống lan khó trồng nhưng nhờ đầu tư cơ sở vật chất, lựa chọn giống kỹ càng, cùng với việc áp dụng chuẩn quy trình chăm sóc nên ngay từ vụ đầu, tỷ lệ lan hồ điệp sống, ra hoa đúng thời điểm đã lên đến 90%. Khi được hỏi vì sao lại chọn hồ điệp để trồng và kinh doanh khi mà những người chơi lan ở Nam Định từ lâu đã nổi tiếng về độ “sành” và thích chơi những giống lan rừng hoặc địa lan quý hiếm… thì anh Thiện cho biết, mỗi loại lan có một “phân khúc” khách hàng khác nhau, những người yêu mến khác nhau. “Lan hồ điệp là loại hoa cao cấp, nhập khẩu từ nước ngoài và có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao. Nếu những người cao tuổi, chơi lan lâu năm thường thích các giống địa lan quý, những người trung tuổi thích lan rừng thì xu hướng của những người trẻ lại thích các loại lan sặc sỡ, bền màu, dễ trồng, dễ chăm sóc, giá cả cũng phải chăng hơn, lan hồ điệp có đầy đủ các “tiêu chí” đó nên sẽ là loại hoa được thị trường tiêu thụ mạnh trong các năm tới”, anh Thiện cho biết. Với giá bán dao động từ 110-130 nghìn đồng/cây đã lên chậu, theo tính toán của anh Thiện, vụ lan năm nay trừ chi phí nhà vườn sẽ thu về ít nhất 200-300 triệu đồng. Ngoài vườn lan hồ điệp của anh Thiện, hiện các nhà vườn trồng lan trong tỉnh cũng đang tấp nập chuẩn bị cho vụ Tết. Trên 10 năm trước, xuất phát từ đam mê chơi lan, ông Nguyễn Hữu Đông, xóm 8, xã Tân Thành (Vụ Bản) chọn mua những giò lan đai châu để trồng “chơi chơi” trong vườn nhà. Sau này, nhận thấy giá trị kinh tế của cây lan, ông tập trung vào trồng để kinh doanh. “Khởi nghiệp” từ những giống lan đai châu rừng có nguồn gốc từ Lào, núi rừng Trường Sơn, ông Đông tuyệt đối không trồng và chơi lan đai châu cấy mô. Bởi theo ông, đai châu rừng có những ưu điểm vượt trội so với các loại đai châu cấy mô như: hương thơm đặc biệt quyến rũ, màu sắc sáng đẹp, chuỗi hoa dài, có độ bền cao, từ khi bắt đầu có ngồng hoa đến khi nở hết kéo dài khoảng 2,5 tháng. “Lan đai châu rừng còn “hay” ở chỗ ngoài chơi hoa còn có thể chơi rễ, chơi lá. Bởi đây là giống lan có lá dày mọng nước, xanh đậm quanh năm, rễ cây khỏe khoắn, tỏa đều buông rủ”, ông Đông cho biết. Yêu lan, ông Đông dành hết thời gian rỗi trong ngày ở ngoài vườn để chăm bẵm cây. Trồng và thuần thục được các giống lan là công việc khá kỳ công, ngoài sự yêu thích còn đòi hỏi người chơi phải “hiểu lan”, hiểu đặc tính của từng giống lan khác nhau. “Khó nhất là thời gian mới trồng, cây chưa ra rễ và thuần với khí hậu nên người trồng phải hết sức chú ý điều tiết độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Chăm sóc lan hơn chăm con mọn là vì thế”, ông Đông chia sẻ. Trồng lan khó nên ông Đông cũng đã từng có những khoảng thời gian phải “lao đao” với vườn lan rộng lớn lên đến vài trăm giò của mình. Thời gian đầu mới trồng, tỷ lệ cây sống và ra hoa chưa cao, ông đã từng phải bỏ đi những bệ lan tưởng đã được thu hoạch vì sâu bệnh, vì để cây bị ngập úng, lá và thân cây thối nhũn. Thậm chí, có những cây đã trồng được 7 năm, hoa lá đang vào độ đẹp, phát triển tốt vẫn phải dỡ ra trồng lại do ký trên các loại gỗ không hợp lý. Qua nhiều lần phải “trả học phí”, hiện vườn lan nhà ông có vài chục bệ lan đai châu, mỗi bệ ghép từ 30 ngồng trở lên; nhiều loại lan thân thòng như trầm, long tu, hạc vỹ. Đặc biệt, trong vườn còn có hàng chục chậu lan kiếm là giống lan đặc biệt quý hiếm, giá thành thị trường khá cao. Trước Tết Nguyên đán 2 tháng, vườn lan của ông Đông đã tiếp đón nhiều lượt khách đến thưởng lãm, thuê và đặt mua các chậu, bệ lan quý. Với giá cho thuê mỗi bệ lan đai châu từ 5-7 triệu đồng/tháng, giá bán từ vài triệu đến vài chục triệu/bệ to, hàng năm, trừ chi phí ông Đông thu về vài trăm triệu đồng.

Mặc nơi này đẹp, mặc chốn kia hay. Tháng Giêng mùng 7 nhớ ngày hội lan”... Mùng 7 tháng Giêng, khi mưa xuân ấm áp lất phất rơi, những người chơi lan trong, ngoài huyện Hải Hậu và cả từ các tỉnh, thành lân cận lại chọn mở hội lan. Cùng khoảng thời gian đó, những nghệ nhân chơi cây ở Điền Xá (Nam Trực) cũng chọn ngày lành tháng tốt để mở hội cây. Ngoài những cây tùng, sanh, si lâu năm, nức tiếng đất nghề, những người chơi lan, sành lan, yêu hoa lan còn chọn để “bày” mâm tiệc thịnh soạn gồm “các món” ngon nhất, đẹp nhất của loài hoa lan: Thanh Vũ, Thanh Ngọc mảnh mai, lấp lánh kiêu sa, quý phái; Hoàng Cẩm Tố, Đại Trường Diệp bông vươn cao, phóng túng; Huyền Lan, Đại Mặc, Mặc Biên… có mùi hương dịu mát, bịn rịn... Trong tiết Xuân ấm áp, các loài lan nở rộ, tỏa sắc hương ngọt ngào, quý phái; người chơi lan xa gần quây quần, chuyện trò, thưởng lãm, bình phẩm, ngắm nghía vẻ đẹp của từng loài lan khác nhau, bỏ qua mọi lo toan đời thường. Thú chơi, nét đẹp văn hóa đó sẽ còn được giữ gìn mỗi khi Tết đến Xuân về./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com